Chi tiết bài viết

KỲ VỌNG LỚN TỪ HỘ KINH DOANH

Hiện nay, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp dân doanh ngày càng được khẳng định, với mức đóng góp khoảng 40% vào GDP hàng năm. Thúc đẩy việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là kỳ vọng lớn, góp phần quan trọng cho sự phát triển của khối doanh nghiệp này.
 

Sản xuất hàng kim khí tại doanh nghiệp tư nhân Năm Lan (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất).
Ảnh: Thái Hiền

Trở ngại không nhỏ

Hiện cả nước có khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trong đó 3,5 triệu hộ đã có mã số thuế và đây là đối tượng được khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ phụ thuộc vào ý chí của cơ quan quản lý, bởi con đường thành doanh nghiệp của hộ kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng.

Trước hết, hộ kinh doanh được áp dụng thuế khoán, thường với mức khá nhẹ nhàng cũng như thủ tục đơn giản. Đây chính là những điều kiện thuận lợi, dễ thực hiện nên được phần lớn hộ kinh doanh đón nhận với tinh thần thoải mái. Rõ ràng, hộ cá thể thường yếu kém về quản trị nói chung và nghiệp vụ kế toán nói riêng nên mang tâm lý “ngại” làm thủ tục thuế nếu chuyển thành doanh nghiệp. Mặt khác, nếu đã là doanh nghiệp cũng phải mở rộng quy mô, đòi hỏi sự bảo đảm về đầu ra, phải thuê thêm nhân công, tuyển dụng kế toán. Chưa kể sự bị động về thông tin, kiến thức pháp luật... khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Mặt khác, hầu hết hộ cá thể tham gia các loại dịch vụ thương mại nhỏ lẻ nên thường xa lạ với việc áp dụng công nghệ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, chưa kể đến yêu cầu phải đầu tư để nâng tầm chất lượng và mở rộng quy mô hoạt động - tức là chưa có bước chuẩn bị sẵn sàng để chuyển thành doanh nghiệp.

Đây là những trở ngại lớn nhất và lý giải vì sao việc chuyển đổi từ hộ cá thể thành doanh nghiệp chưa đạt kết quả như ý. Bên cạnh đó, công tác và yêu cầu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp tất nhiên cao hơn, phức tạp hơn so với hộ cá nhân. Trong khi đó, những yếu kém, tồn tại trong công tác quản lý, thực thi quy định pháp luật như nạn vòi vĩnh, gây khó của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là nỗi e ngại. Cũng dễ hiểu vì họ chưa thể an tâm khi thực tế có hơn 60% doanh nghiệp đã từng phải chấp nhận chi phí không chính thức hay một số trường hợp doanh nghiệp phải tiếp trên dưới 10 đoàn thanh, kiểm tra trong một năm.

Thêm giải pháp hỗ trợ

Có thể thấy, câu chuyện chuyển đổi đang phụ thuộc phần lớn vào tinh thần vươn lên của các hộ kinh doanh cá thể. Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ, các bộ, địa phương cần tập trung nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp để thuyết phục, hỗ trợ, giúp các hộ chuyển thành doanh nghiệp.

Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm rõ nội dung hộ kinh doanh sẽ được hưởng những quyền lợi gì khi tự giác chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các cơ quan cần xác định quyết tâm cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh để giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt lưu ý, thỏa mãn nhu cầu để doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường bình đẳng, minh bạch, dễ thực hiện và thiết thực như cam kết của Chính phủ.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu tạo lập được môi trường đầu tư - kinh doanh bình đẳng tức là sẽ góp phần nâng cao vị thế, sức hấp dẫn của Việt Nam trên trường quốc tế. Tác động trước mắt sẽ là việc sớm có mặt của những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, chính các hộ kinh doanh là lực lượng dự bị, hùng hậu để hình thành doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hỗ trợ người dân khởi nghiệp thành công hay không phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm, quyết tâm của các bộ và chính quyền địa phương. Cần xác định rõ yêu cầu và tôn chỉ hành động vì doanh nghiệp. Nơi nào chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện “chuyển lời nói thành hành động”, có sự quan tâm sát sao, thể hiện tư duy năng động, ý thức trách nhiệm đều nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Việt Nam đang kỳ vọng đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, hơn thế là có một đội ngũ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đủ sức thi đấu trên thương trường quốc tế. Các giải pháp tăng cường cải cách hành chính sẽ là công việc thường xuyên để xây dựng và thể hiện vai trò của Chính phủ kiến tạo, vì doanh nghiệp. Hy vọng, thời gian tới sẽ là giai đoạn chứng kiến sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mới, "lớn" lên từ mô hình hộ kinh doanh cá thể.
 
Hồng Sơn
 
Nguồn: hanoimoi.com.vn