Chi tiết bài viết

Kỳ vọng ‘bệnh thành tích’ sẽ thuyên giảm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) vừa công bố Thông tư 22 về đánh giá học sinh (HS) bậc THCS và THPT với nhiều điểm mới như bỏ đánh giá bằng điểm số, không áp dụng khen thưởng danh hiệu HS tiên tiến… Những đổi mới này góp phần giảm áp lực cho người học, mang tới nhiều kỳ vọng trong việc chữa “bệnh thành tích” trong giáo dục bấy lâu nay.

Thay đổi nếp cũ

Học sinh lớp 6 của năm học 2021 - 2022 là lứa học sinh THCS đầu tiên học theo Chương trình và sách giáo khoa Giáo dục Phổ thông mới. Bộ GDĐT khẳng định, Thông tư 22 yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học. Theo đó, sẽ bỏ quy định về lấy điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực HS trong học kỳ và cả năm. Điểm trung bình học kỳ và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học. Thay vì xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như quy định hiện hành, Thông tư 22 đánh giá kết quả học tập của người học theo 4 mức tốt, khá, đạt, chưa đạt đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và hai mức đạt, chưa đạt đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Cùng với đó, việc khen thưởng danh hiệu “Học sinh tiên tiến” từ trước đến nay sẽ không còn tồn tại theo quy định mới về đánh giá học sinh THCS và THPT của Bộ GDĐT, áp dụng từ lớp 6 năm nay và với các khối lớp khác ở những năm tới. Như vậy, sẽ chỉ còn danh hiệu “Học sinh xuất sắc”, “Học sinh giỏi”. Ngoài ra, Hiệu trưởng nhà trường cũng có thể tặng giấy khen thưởng cho HS có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay: Theo thông tư, có 2 hệ thống môn học: các môn đánh giá chỉ bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số bao gồm các môn học còn lại. Trước đây chúng ta có quan điểm cộng điểm các môn học rồi tính điểm trung bình, từ 8 điểm trở lên mới được xếp học lực Giỏi. Với cách này, sẽ là lấy điểm môn này bù môn kia, mà không quan tâm nhiều đến việc học sinh đó mạnh ở các môn học nào. Với quy định mới, Bộ GDĐT không muốn quy định kiểu tính trung bình, đánh giá chung chung này nữa, mà muốn khi đánh giá học sinh sẽ nhìn vào từng em có năng lực, xu hướng học tốt ở những môn nào. Từ đó, có kế hoạch tập trung, phát triển tiềm năng của học sinh.

Về danh hiệu khen thưởng “Học sinh tiên tiến”, nếu vẫn để như trước thì số lượng học sinh đạt danh hiệu này sẽ quá nhiều. Trong khi khi danh hiệu nhiều dẫn đến không còn giá trị, giảm động lực phấn đấu cho học sinh.

Học sinh “thoát” áp lực giỏi toàn diện

Trước thông tin đổi mới đánh giá HS, áp dụng bắt đầu với lớp 6 bậc THCS, nhiều phụ huynh tỏ ra đồng tình. Chị Nguyễn Thu Hằng có con đang học tại Trường THCS Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, lâu nay yêu cầu một HS phải giỏi toàn diện là rất khiên cưỡng. Đơn cử như con nhà chị rất có năng khiếu về Thể thao và Mỹ thuật, do đó việc đánh giá năng lực của cháu vượt trội ở những môn học sở trường này là điều rất mừng.

Còn theo chị Nguyễn Bích Ngà - phụ huynh HS lớp 6 (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngay cả người lớn cũng không thể có kỹ năng giỏi toàn diện mọi mặt chứ đừng nói tới trẻ em. Vì vậy, chị thấy khó thuyết phục khi nhìn bảng điểm học bạ mà HS có lực học Giỏi ở toàn bộ các môn học. Chị Ngà đồng tình với việc chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá năng lực nổi trội. Trong đó, việc đánh giá bằng nhận xét, ngoài ý kiến chính của giáo viên còn cần có sự tham gia phối hợp của phụ huynh HS.

Bà Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, cách xếp hạng mới loại bỏ được tư duy phân biệt môn chính, môn phụ sẵn có trong tiềm thức của phụ huynh, HS. Theo đánh giá học lực Giỏi trước đây, HS cần phải đạt trung bình các môn trên 8, trong đó có một trong 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Anh phải đạt từ 8 trở lên, không có môn nào dưới 6,5 điểm, thì Thông tư 22 yêu cầu phải có 6 môn đạt từ 8,0 trở lên, không môn nào dưới 6,5 điểm.

Theo cô Hiền, cách đánh giá này sẽ đòi hỏi mức độ giỏi của HS chặt chẽ và đồng đều hơn, bởi với việc tính theo trung bình tất cả các môn, những môn cao vẫn có thể kéo điểm cho môn thấp để đạt trung bình chung trên 8. Một điểm tích cực nữa, cô Hiền cho rằng, quy định mới này không đề cập đến yêu cầu riêng cho các môn Toán, Văn, Anh. Do đó, giờ đây, vai trò của các môn học là bình đẳng như nhau.

Đại diện phòng GDĐT huyện Hoài Đức (Hà Nội) đánh giá, so với cách xếp loại cũ, số lượng học sinh giỏi, học sinh xuất sắc giờ đây sẽ ít hơn và có sự phân hoá rõ ràng về năng lực thực sự. Do đó, với cách đánh giá tới đây, rõ ràng học sinh giỏi là phải giỏi thật, không đạt là không đạt, cần phải tránh sự mập mờ theo kiểu động viên danh hiệu tiên tiến.

Những quy định mới trong đánh giá học sinh đang được kỳ vọng sẽ làm giảm điểm số ảo, chữa được bệnh thành tích” trong giáo dục bấy lâu nay. Tuy nhiên, cách đánh giá mới cũng yêu cầu sự vận dụng linh hoạt từ giáo viên và nhà trường. Quan trọng hơn cả là cần thay đổi thói quen theo nếp cũ đã tồn tại nhiều năm qua.     

Bỏ đánh giá bằng điểm số và chuyển sang đánh giá hoàn toàn bằng nhận xét với một số môn học, bỏ tính điểm trung bình tất cả các môn học… là những điểm mới quan trọng trong cách đánh giá học sinh bậc THCS và THPT theo Thông tư Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT vừa được Bộ GDĐT ban hành.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới đối với cấp trung học.

Dung Hòa

Nguồn: daidoanket.vn