Chi tiết bài viết

Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016): Báo chí cách mạng Việt Nam – truyền thống vẻ vang, đồng hành cùng dân tộc

Báo chí là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, là một bộ phận của đời sống tinh thần của con người, của một dân tộc, có tác động mạnh mẽ đối với xã hội. Lịch sử báo chí cũng là một bộ phận của lịch sử xã hội, do vậy, muốn đánh giá lịch sử một nền báo chí cần tìm đến nguồn gốc ra đời của nền báo chí ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam
(Ảnh tư liệu)

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời với dấu mốc lịch sử là tờ Thanh Niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu ngày 21-6-1925, đã để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Vị trí, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, coi báo chí như một vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân. 90 năm qua, lịch sử báo chí cách mạng gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc: Vận động thành lập Đảng; huấn luyện cán bộ; chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng ngày 3-2-1930; cổ vũ nhân dân làm cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào vận động dân chủ 1936-1939, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị – tư tưởng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của đất nước. Có thể khẳng định rằng, trong từng giai đoạn cách mạng, báo chí cách mạng do Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo thực sự giữ vai trò định hướng dư luận xã hội.

Kế thừa và phát triển những tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin về báo chí cách mạng, thừa hưởng những thành quả của cách mạng qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tư duy, quan điểm của Đảng ta về báo chí không ngừng phát triển; Nhà nước ta cũng đã có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động thuận lợi.

Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) đã khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí không chỉ phán ánh kịp thời những diễn biến của đời sống xã hội, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới người dân, mà còn là kênh thông tin để nhân dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình, là công cụ để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế trong gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, báo chí nước ta thể hiện ngày càng rõ, càng thực chất vai trò diễn đàn nhân dân; không chỉ ở việc các tầng lớp nhân dân bày tỏ quan điểm, ý kiến, mà còn đóng góp trí tuệ, hiến kế xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bài trừ các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, lần đầu tiên, báo chí được coi là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên – như Nghị quyết Trung ương 6, (lần 2, khoá VIII) đã xác định. 

Cùng với sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng nước ta ngày càng thể hiện vai trò to lớn trong việc tham gia quản lý xã hội, quản lý hệ thống chính trị của đất nước, thông qua việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Điều này được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, là một sự khẳng định dân chủ hoá đời sống báo chí và là một bước phát triển, đổi mới lý luận báo chí cách mạng.

Mặt khác, sự phát triển xã hội, trình độ dân trí của công chúng ngày càng được nâng cao cũng yêu cầu, đòi hỏi báo chí nước ta ngày càng phải đề cao vai trò và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, tính văn hoá và đạo đức nghề nghiệp.

Truyền thống vẻ vang, đồng hành cùng dân tộc

Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, báo chí cách mạng nước ta đã làm nên và khẳng định những truyền thống nổi bật.

Trước hết, đó là truyền thống vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đây là bản chất tốt đẹp của các thế hệ người làm báo cách mạng trước đây và hơn 22 nghìn hội viên nhà báo hiện nay.

Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam (tháng 5-1950), khẳng định: Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình. Minh chứng cho điều này là sự đóng góp của hàng loạt tờ báo dòng báo chí cách mạng, sau năm 1925, như: Tờ báo đầu tiên của Đảng là tờ Tranh đấu (15-8-1930); tờ tạp chí đầu tiên của Đảng là Tạp chí Đỏ (5-8-1930); tờ báo đầu tiên của những người cộng sản ở Hoả Lò (3-1930) là Tù nhân báo, sau đổi là Lao tù tạp chí; Việt Nam độc lập, Dân chúng (1938); Cờ giải phóng, Cứu quốc (1942-1945). Đây là những tờ báo có vai trò chủ lực tuyên truyền cách mạng trong thời kỳ hoạt động công khai nửa hợp pháp và hợp pháp, và cuối cùng báo chí cách mạng đã giành thắng lợi.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí ở miền Bắc và báo chí cách mạng ở miền Nam đã cùng quân dân đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hoà bình thế giới. Báo chí thời kỳ này đã tập trung phản ánh sinh động cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân ta ở miền Nam và phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Báo chí cách mạng là đội quân chủ lực trong việc động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường, phóng sự thu thanh từ miền Nam, trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… thực sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đi đánh giặc Mỹ.

Thứ hai, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn dấn thân và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự nguyện đi theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã có hơn 400 nhà báo anh dũng ngã xuống trên các chiến trường trong khi làm nhiệm vụ người chiến sĩ nơi trận tuyến. Chỉ riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có hơn 250 nhà báo liệt sĩ.

Trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa hoặc lăn xả nơi lũ lụt, vùng có dịch, trong cuộc chiến chống buôn lậu, ma tuý … để kịp thời cung cấp cho công chúng những bản tin, bài báo, hình ảnh nóng hổi tính thời sự.

Thứ ba, báo chí cách mạng Việt Nam vừa sáng tạo, tự đổi mới, chủ động hội nhập, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Bước ra từ các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong bối cảnh đất nước còn thiếu thốn trăm bề, nhưng đội ngũ nhà báo nước ta đã nhanh chóng trưởng thành về nghiệp vụ, chính trị. Đó là sự tiếp nối của thế hệ nhà báo xuất hiện trong thời kỳ hậu chiến đối với truyền thống anh hùng, đạo đức và kinh nghiệm của các thế hệ nhà báo đi trước. Nội dung thông tin ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả, hình thức ngày càng sinh động, hấp dẫn. Với thế hệ nhà báo trẻ được đào tạo hệ thống, cơ bản, có khả năng làm chủ công nghệ mới, ngoại ngữ tốt, báo chí nước ta đã chủ động bắt kịp xu thế phát triển đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới. Các thiết bị và công nghệ làm báo tiên tiến trên thế giới đều sớm có mặt tại nhiều cơ quan báo chí Việt Nam, nhất là lĩnh vực truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Trong bối cảnh khó khăn chung của báo in, nhiều tờ báo đã tự trang trải được chi phí, một số cơ quan báo chí có lãi, đầu tư tăng cường thiết bị, công nghệ, góp phần nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại cho phóng viên.

Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không bị chệch hướng khi làm báo trong cơ chế thị trường. Mặc dù đâu đó có một vài nhà báo gây nhũng nhiễu, phiền toái cho doanh nghiệp, người dân, làm phiền lòng dư luận xã hội, nhưng tuyệt đại đa số nhà báo luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn được cái gốc đạo đức cách mạng trong hành nghề. Được hấp thụ truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập, được tôi luyện và trưởng thành trong gian khó, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, tin chắc rằng, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ cao cả của mình.

TS. TRẦN BÁ DUNG  (Trưởng ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam)

Nguồn: "Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Vĩnh Long"