Chi tiết bài viết

KHỞI NGHIỆP

Khởi nghiệp ở người trẻ


Minh họa: Lê Trí Dũng

Khoảng trung bán thế kỷ 19, hình như năm 1844, ở một trường đại học danh tiếng của Nga, có một gã thanh niên dòng dõi quý tộc gầy gò đang xuất sắc theo học năm thứ hai. Vào một buổi sáng sớm cậu ta đến gặp ban giám hiệu xin thôi học với lý do, học như thế đã là đủ.

Các thầy vừa ngạc nhiên vừa khó chịu hỏi. "Cậu ngông ngạo và nông nổi lắm. Nhưng tùy cậu. Có điều rồi đây cậu sẽ làm gì". Gã thanh niên kiêu bạc trả lời. Em muốn khởi nghiệp viết văn. Và chỉ hơn hai chục năm sau, lúc kiệt tác "Chiến tranh và hòa bình" xuất hiện, văn đàn thế giới đã đầy hãnh diện và tự hào khi sở hữu một con sư tử đích thực của văn chương. Cậu thanh niên đó chính là đại văn hào Lev Tolstoi (1828-1910).

Khoảng chừng dư trăm năm sau, ở Mỹ cũng có hai gã sinh viên dòng dõi bình dân "vô học" như vậy. Bọn họ cũng bỏ ngang đại học để lãng mạn tự tin khởi nghiệp. Tất nhiên, ngay lúc ấy bọn họ đã phải chịu đựng không biết bao nhiêu nghi ngờ từ người thân và đầy rẫy sự dè bỉu của người lạ. Bất chấp tất cả, bọn họ lặng lẽ miệt mài cần mẫn kiên định theo đuổi hướng đi của mình. Và không quá lâu sau, nhân loại không những biết tên mà còn phải biết ơn cả hai. Một là Bill Gates, tỷ phú kiêm nhà từ thiện vĩ đại, đồng thời là người đẩy cuộc cách mạng 3.0 lên đỉnh cao rực rỡ nhất. Hai là Steve Jobs, cha đẻ của iPhone, một thứ đồ dùng cầm tay thân thiện và thông minh tới mức, hầu như giới trẻ bây giờ chấp nhận vắng cả người tình, vắng cả gia đình nhưng không thể nào thiếu nó.

Qua vài giai thoại vừa lãng mạn vừa hiện thực kể trên, để thấy câu chuyện khởi nghiệp ở những người trẻ vốn "xưa như Diễm". Thế nhưng ở ta hôm nay, rất nhiều người ở đủ mọi ngành nghề lầm tưởng nó là mới mẻ thời thượng. Lỗi một phần khá lớn là ở truyền thông. Có lẽ đã quen với tư duy che chở bao cấp, nên cứ thấy bất cứ người trẻ nào có đôi chút tự lực rồi thảng thốt tý xíu thành công thì sửng sốt ồ ạt ngợi khen đấy là một tấm gương sáng. "Khởi nghiệp" nói cho cùng, mới chỉ là sự manh nha lựa chọn bước đầu của một chu kỳ tích cực sống. Nó có thể đúng, có thể sai. Sâu xa trong nó chứa đầy những sự mong manh rủi do, kể cả những "khởi nghiệp" thuần túy mưu sinh cá nhân (một điều hiển nhiên tốt), và những "khởi nghiệp" đầy tính "độc sáng" khát khao mang lại lợi ích tới cộng đồng chung. Thành công luôn là hiếm và thất bại là nhan nhản. Sự tích cực dễ thấy duy nhất ở đây là nó để lại một bài học đầu đời đích đáng, một kinh nghiệm chân thành vô giá giúp những người trẻ trưởng thành.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cẩn trọng đi trước, đặc biệt là các bậc phụ huynh, đã đầy lo lắng khi thấy con mình bỏ ngang đại học, loay hoay âm thầm khởi nghiệp. Bởi không hiếm các bạn trẻ, hoặc một mình hoặc một nhóm mang hành trang kiến thức sơ sài, tự tin là mình đúng nên tự đứng ra vay ngân hàng, vay họ hàng để "startup". Đa phần là theo lối mòn kinh doanh trên mạng. Cũng có thể là liều lĩnh hơn, thuê của hàng cửa hiệu ở những phố lớn bán đồ ăn thức uống. Hóa ra làm giàu luôn là không dễ, nó khác hẳn cái chương trình từng một thời ầm ĩ trên ti-vi, "làm giàu không khó". Chưa đầy bốn tháng sau, khá nhiều bố mẹ đã mếu máo cầm sổ đỏ nhà hương hỏa, cầm sổ tiết kiệm có ít tiền dưỡng lão, đi chuộc cả một cục nợ với một nỗi niềm thở dài. Thôi thì "con dại cái mang". Còn những cô bé, cậu bé kia hầu như không thể quay lại về trường học tiếp, bởi non nớt không chịu nổi sự đổ vỡ từ mặc cảm thất bại, nghẹn ngào nhìn đời bằng con mắt bi quan mầu xám.

Có lẽ chính vì thế mà ở tầm vĩ mô, muốn "quốc gia khởi nghiệp" thì vai trò của chính phủ kiến tạo hiện hành là vô cùng lớn. Ngoài việc tạo những hành lang pháp lý rộng rãi với những quy chế thông thoáng cho những doanh nghiệp trẻ, thì việc định hướng rồi cung cấp thông tin nâng đỡ họ là vô cùng quan trọng. Cho dù còn không ít bất cập, nhưng chúng ta đã và đang làm tốt việc này. Những con số thống kê khách quan về các doanh nghiệp vừa mới vừa trẻ theo kiểu "startup" thành công gần đây, chính là lời khẳng định cho vai trò quản lý dẫn đường của nhà nước.

Có điều, một trong những đặc tính cơ bản của "khởi nghiệp" là nó mang đậm một dấu ấn cá nhân. Nó có thể là một công ty, và hay bị nhầm là một công ty công nghệ. Thế nhưng vai trò của người khởi xướng rất quyết định, bởi họ luôn nhắm tới mục tiêu tăng trưởng cao dựa trên một nền tảng ý tưởng độc đáo mới mẻ chứa chan sáng tạo. Vì thế "startup" bất chấp tuổi tác, bất chấp giới tính và đương nhiên bất chấp xuất xứ. Ví như bà Đạm phương nữ sử (1881-1947) ở ta, gần đây được khá nhiều học giả coi là một người đầu tiên đề xướng phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong thời đoạn phong kiến suy tàn. Vốn là một nhà báo đi trước thời đại, trên nhiều diễn đàn bà đã viết rất "startup". "Trên thế giới có mấy trăm vạn ức loài động vật, duy chỉ có đàn bà là hay theo đàn ông mà ăn nhờ... Đó là tại đàn bà không có nghề nghiệp nhất định, không mưu độc lập được về đường kinh tế". Không chỉ kêu gọi, bà còn đứng ra sáng lập và trực tiếp làm hội trưởng "Nữ công học hội" dạy nghề cho chị em rồi liên kết họ với nhau. Tới hôm nay đây, nhiều phụ nữ trẻ đương đại Việt vẫn lấy bà làm gương. Đương nhiên nhờ mạng xã hội, họ giao thương năng động hơn, thành công hơn. Nhiều đàn ông "vỡ nghiệp", chạy theo họ cả búi. Khởi nghiệp cũng không hoàn toàn là câu chuyện độc quyền của giới trẻ. Lịch sử nhân loại không hiếm có những người rất già mới khởi nghiệp. Đơn cử như chuyện ông Lã Vọng ở bên Tầu. Theo huyền sử được tiểu thuyết "Phong Thần diễn nghĩa" chép, thì cả đời cụ Lã (tên thật là Khương Tử Nha) chẳng làm gì, chỉ ngồi câu cá suông. Đại loại lưỡi câu cụ để thẳng. Vậy mà khi khởi nghiệp giúp nhà Chu, cụ đã đi thẳng vào lịch sử với tư cách một tể tướng đại tài. Lúc bắt đầu "startup", cụ vừa tròn tám mươi tuổi.

Tất nhiên nói cho cùng, khởi nghiệp vẫn là đặc trưng điển hình cho những phẩm chất chỉ có riêng ở tuổi trẻ. Tuy tiềm ẩn nhiều phiêu lưu, nhưng nó long lanh đẫm đầy những bay bổng lành mạnh hồn nhiên sáng tạo. Sinh lực của nó chính là sự trẻ trung lãng mạn. Một thời đại có nhiều thanh niên có tri thức, có khát khao dám khởi nghiệp, đó một thời đại đáng sống.

NGUYỄN VIỆT HÀ

 

Những người trẻ khởi nghiệp


Từ năm 2018, khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho khởi nghiệp nở rộ. Ảnh: KHÁNH AN

Một hệ sinh thái khởi nghiệp đã nên hình hài giúp chắp cánh cho những ý tưởng kinh doanh mới lạ. Khi có được lớp người trẻ dám dấn thân kinh doanh, dám thất bại và học hỏi từ thất bại, chúng ta có thể xây dựng được quốc gia khởi nghiệp.

Hành trình tiếp nối giấc mơ của mẹ

Với Trần Tâm Phương, CEO Viet Ferm - công ty chuyên cung cấp sản phẩm dấm gạo Thủy Tâm và hồ tiêu ngâm, khoản vốn đầu tư 4 tỷ đồng cho 36% cổ phần đến từ "hai cá mập" (shark) là shark Vương (ông Trần Anh Vương, Tổng Giám đốc SAM Holdings) và shark Phú (ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Sunhouse) tại Chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam, thật sự hơn cả mong đợi.

Dấm gạo và hồ tiêu ngâm là các sản phẩm thủ công mà mẹ của Trần Tâm Phương đã làm suốt 30 năm nay tại gia đình với ba nhân công. "Nhưng đến thời tôi thì phải khác! Hội nhập quốc tế cần quy mô lớn hơn", Phương nói khi bắt tay vào gọi vốn, gây dựng chiến lược mới cho thương hiệu Thủy Tâm của gia đình.

Sau 5 năm làm về sản xuất tại các tập đoàn nước ngoài, Trần Tâm Phương đã phần nào nắm được cấu trúc sản xuất của một sản phẩm, từ khâu nhập nguyên liệu đến xuất kho, điều mà ở quy mô gia đình, mẹ Phương không thể tổ chức được. Thêm nữa, Phương cũng ý thức rất rõ, việc kiểm soát chất lượng sẽ được chuẩn chỉnh khi chu trình sản xuất được nâng lên thành hệ thống. Tuy nhiên, Phương rất tỉnh táo khi không đặt tham vọng quá lớn, tiến quá nhanh, thay vào đó là những bước đi chắc chắn, có lộ trình và chú trọng kiểm soát chất lượng.

Lúc này, Viet Ferm đang tập trung phát triển thị trường, xây dựng niềm tin để phủ rộng sản phẩm trước khi công thức bị sao chép, làm nhái. Tuy nhiên, rất có thể, các kế hoạch này của Phương sẽ bị tác động, bởi tiếng nói của hai shark có tỷ lệ vốn nắm lên đến 36% cổ phần.

Ðiều ấy có khiến CEO trẻ tuổi e ngại? Câu trả lời là - Không. Bởi, khi gọi vốn, điều Phương trông đợi không chỉ là ở số tiền, mà quan trọng hơn là học hỏi kinh nghiệm từ hai shark hàng đầu.

Shark cũng học khởi nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Ðầu tư Apax Holdings vừa nhận quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE vào những ngày cuối của tháng 12-2017, với mã chứng khoán IBC.

Cùng thời điểm này, ông Thủy bắt đầu xuất hiện trên ghế nóng của chương trình, với tư cách shark khách mời. Chưa biết, các start-up dự án khởi nghiệp thế nào thì hợp "khẩu vị" của shark Thủy, nhưng ông đã gây ấn tượng với lời "tự thú": "Ấn tượng cuối cùng của tôi về trường học là thời đi học ở Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Ðông".

17 tuổi, ít ai ngờ Thủy có thể mày mò làm kinh tế theo cách hợp tác cùng một thầy giáo mở trung tâm luyện thi đại học tại khu vực Hà Ðông.

Sau đó, Thủy thử sức với công ty cung cấp người giúp việc rồi công ty buôn bán thiết bị máy tính nhưng không thành công. Năm 2008, Thủy thành lập Công ty Egame, tiền thân của Tập đoàn Egroup, công ty mẹ của Công ty cổ phần Ðầu tư Apax Holdings. Qua gần 10 năm phát triển, Egroup đã xây dựng được một chuỗi công ty con, tập trung phát triển nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, giáo dục hay sức khỏe, trong đó cốt lõi là giáo dục.

Nhưng, với riêng Nguyễn Ngọc Thủy, lời hứa sẽ quay trở lại giảng đường ngày nào vẫn còn nợ đó. Vậy nên, có một tâm tư rất riêng khi trở thành shark khách mời, ấy là lần nữa được học hỏi từ chính các dự án khởi nghiệp. "48 tuổi tôi sẽ dừng nghiệp kinh doanh, để toàn tâm hỗ trợ cho khởi nghiệp. Bây giờ thì tôi phải học cách hỗ trợ đã, trước khi thật sự bắt đầu", ông Nguyễn Ngọc Thủy chia sẻ.

Ðể đi được xa

Ngày đầu tiên của năm 2018 đánh dấu việc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, tạo dựng khung khổ pháp lý cho các khoản đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần. Nhờ đó, cơ hội tiếp cận vốn của giới khởi nghiệp tiếp tục được mở rộng. Lần đầu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận những ưu đãi về không gian làm việc chung, được tư vấn phát triển bên cạnh những hỗ trợ truyền thống như ưu đãi thuế… Hơn lúc nào hết, không gian phát triển cho giới khởi nghiệp được mở rộng không biên giới, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và quan điểm chính sách doanh nghiệp được làm tất cả những ngành, nghề pháp luật không cấm. Ðã có nhiều ý tưởng kinh doanh mới xuất hiện, được chăm bẵm, bảo vệ…

Nhưng để đi xa trên chặng đường khởi nghiệp, giới trẻ sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức, mà đôi khi đến từ chính mình. Trần Hải Quang, người đã khiến giới khởi nghiệp rúng động bởi đã kiếm được 2,5 triệu USD cho Clingme, một ứng dụng di động giúp khách hàng vừa tìm được địa điểm ăn uống, mua sắm tốt nhất; vừa nhận lại một phần tiền (cashback) sau mỗi lần thanh toán, đã đưa ra khuyến nghị đáng lưu ý. Ðiểm yếu của start-up Việt hiện nay là quan tâm quá lớn đến tiền thay vì chú trọng đến vấn đề mấu chốt của gọi vốn là cần phải phát triển thế nào?

Một bản lĩnh khi nhận vốn, một lý tưởng sống với khát vọng lớn, cũng chính là điều mà bà Thái Văn Linh, Giám đốc vận hành và chiến lược của Quỹ đầu tư VinaCapital muốn gửi gắm đến lớp người trẻ khởi nghiệp. Hãy đừng "chật hẹp" với chính giấc mơ của mình!

Tuyết Ánh

Nguồn: nhandan.com.vn