Chi tiết bài viết

KHỞI NGHIỆP KIẾN QUỐC

Một trong những sự kiện quan trọng nhất với nền kinh tế của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong những ngày đầu năm 2016 là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết, mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho đất nước phát triển...

Thế nhưng, sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập lại được quyết định bởi năng lực của thể chế và sức mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Vì thế, TPP chỉ phát huy tác dụng tích cực khi chúng ta có các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng. Nếu như trong thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm, lực lượng xung kích trên chiến trường là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội thì trong thời kỳ hội nhập quốc tế, xung kích trên trận tuyến chống nghèo là các doanh nghiệp, doanh nhân.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, 30 năm qua, số lượng doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, bình quân gần 200 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, khoảng từ 15 đến 20 người dân đã có một doanh nghiệp. Gần 45% lực lượng lao động Việt Nam hiện vẫn sống và làm việc trong khu vực nông nghiệp ở nông thôn với năng suất thấp và thiếu việc làm. Chính vì lẽ đó, giải pháp quan trọng nhất để đưa nước ta phát triển trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Muốn vậy, cần phát động một phong trào về khởi nghiệp và chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Khởi nghiệp để kiến quốc.

Ngành dệt may sẽ có nhiều thuận lợi khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: VNT 

Nhìn ra các quốc gia trên thế giới, nhiều dân tộc trở nên hùng mạnh nhờ khơi gợi và khuyến khích tinh thần quốc gia khởi nghiệp với tư duy luôn sáng tạo và đột phá. Mùa xuân này, Việt Nam đang hội tụ nhiều vận hội để trở thành quốc gia khởi nghiệp. Ngoài TPP, đã có hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần đã được ký kết. Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp, khẳng định đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những cơ hội này đang là động lực, là điểm tựa để người dân khởi nghiệp kiến quốc và thổi bùng ngọn lửa tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

Tuy nhiên, để khởi nghiệp kiến quốc thành công, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Muốn khởi nghiệp được, ngoài khát vọng, ý chí cần phải có vốn, có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, có cơ sở pháp lý cần thiết và sự bảo hộ của các cơ quan chức năng. Mặt khác rủi ro trong khởi nghiệp là khó tránh khỏi... Vì vậy, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần phải vào cuộc thực sự, đặc biệt cần tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục thành lập hoặc phá sản doanh nghiệp cần thông thoáng hơn. Các chính sách về thuế, đất đai cũng cần được minh bạch hơn.

Để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, rất cần những quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tạo vườn ươm doanh nghiệp với sự góp sức của toàn xã hội. Điều đặc biệt quan trọng là cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn hơn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang phát đi những tín hiệu về tình trạng thiếu an toàn của môi trường kinh doanh. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới và là trụ đỡ quan trọng cho tinh thần khởi nghiệp kiến quốc.

ĐỖ PHÚ THỌ

Theo www.qdnd.vn