Chi tiết bài viết

KH&CN góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực

Sáu tháng đầu năm 2021, ngành KH&CN đã tiếp tục đồng hành với các ngành, lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Ứng dụng Blockchain trong nông nghiệp giúp DN chuẩn hóa quy trình sản xuất, giải bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm - Ảnh minh họa
Không chỉ đóng góp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều chương trình nghiên cứu cơ bản tiếp tục hỗ trợ các tổ chức KH&CN thực hiện việc nghiên cứu theo chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao.

Điển hình như trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoảng sản, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị, linh kiện thủy lực, cột chống thủy lực sử dụng trong các mỏ hầm lò công suất đến 600.000 tấn/năm mà trước đây chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn cung sản phẩm, bảo đảm hoạt động sản xuất liên tục của ngành.

Hay trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, ngành KH&CN tiếp tục xem xét hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ như nghiên cứu, nội địa hóa các hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/năm; làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo dây chuyền thiết bị chế tạo tấm PU cách nhiệt phục vụ trong lĩnh vực kho lạnh, giải quyết được khó khăn về chuỗi cung ứng, logistics của lĩnh vực thực thẩm tại Việt Nam; chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành dùng trong giám sát môi trường, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước nghiên cứu làm chủ công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm chủ được công nghệ chế tạo và lắp đặt trạm thủy điện nhỏ sử dụng turbine trong ống có công suất một tổ máy đến 6 MW nhằm khai thác năng lượng nước từ các hồ chứa thủy lợi Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước chế tạo như máy biến áp 500kV-3x 300MVA, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng chế tạo các thiết bị điện siêu cao áp.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam. Các công nghệ trên đã được ứng dụng trong quản lý chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản của Việt Nam như mật ong, hạt tiêu...; quản lý quá trình nuôi cá tra công nghiệp; xác định các thông số về đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu đất phục vụ phát triển nông nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, các chương trình KHCN đã xây dựng nền tảng mở nhận dạng tiếng nói tiếng Việt từ vựng lớn; phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây trong nhận dạng, phân tích dữ liệu lớn hình ảnh từ hệ thống camera quan sát nhằm hỗ trợ phát hiện các đối tượng, sự kiện bất thường trong xã hội...

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện cải thiện toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục triển khai các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai có hiệu quả các biện pháp giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật (TBT) của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết: Hiệp định TBT/WTO, Hiệp định CPTPP, EVFTA và các FTA khác. Tổ chức lễ trao giải thưởng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 2019-2020.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường giải quyết thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thẩm định đơn sáng chế; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng. Điển hình, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản từ ngày 12/3/2021, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở các thị trường khác.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện hành lang pháp lý để sớm triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình KH&CN cấp quốc gia theo định hướng tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, thực hiện thiết thực, hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà khoa học và các doanh nghiệp.

Bộ KH&CN cũng sẽ tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội./.

Hoàng Giang

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ