Chi tiết bài viết

Khắc phục yếu kém trong công tác cán bộ

 
Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng lên, sau mỗi nhiệm kỳ đều có tiến bộ cả về cơ cấu và chất lượng; đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ công nhân, cán bộ khoa học - kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành từng bước được củng cố, tăng cường. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh  công  nghiệp  hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì công tác này còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Ðánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, còn tình trạng chủ quan, cảm tính, nể nang, thiếu tính toàn diện, chưa phản ánh đúng thực chất; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan vẫn xảy ra. Công tác quy hoạch cán bộ chưa có tầm nhìn xa; một số ngành, cấp ủy địa phương lúng túng khi xác định nguồn cán bộ, lẫn lộn giữa quy hoạch với công tác nhân sự, giữa tiêu chuẩn cán bộ bổ nhiệm với tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch; việc bố trí, sử dụng cán bộ có lúc, có nơi thiếu hợp lý, sai quy trình, thủ tục. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp, có trường hợp cử đi đào tạo không căn cứ vào quy hoạch, đào tạo tràn lan, chạy theo bằng cấp, có gì học nấy dẫn đến tình trạng thiếu chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực mũi nhọn.

Căn nguyên của những hạn chế nêu trên, trước hết là do Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số cấp ủy, tổ chức đảng có lúc chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo công tác cán bộ, chậm đổi mới tư duy, thiếu chủ động trong tạo nguồn, nhất là đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ và chưa mạnh dạn thay thế cán bộ năng lực yếu, cho nên "giữ nguyên hiện trạng" chờ về hưu. Hệ quả là không ít cơ quan có tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu", thiếu cán bộ có năng lực, thừa cán bộ yếu kém. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ một số nơi thiếu chặt chẽ. Ðã xuất hiện tình trạng "chảy máu chất xám" trong các cơ quan nhà nước, thiếu nguồn cán bộ trẻ được đào tạo chính quy.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng và các nghị quyết của T.Ư về công tác cán bộ, nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục yếu kém, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã khẩn trương điều chỉnh, sửa đổi một số quy định về công tác tổ chức cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kiên quyết không quy hoạch, xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý không đủ điều kiện về trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và uy tín thấp. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giáo dục, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức với bốn nội dung cần xây là: "Ðề cao trách nhiệm cá nhân, ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đề cao ý thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng tác phong quần chúng; công khai hóa và thực hiện đúng các chế độ, chính sách" và bốn nội dung cần chống: "Chống quan liêu, hách dịch cửa quyền, nhũng nhiễu; chống tham nhũng, lãng phí, xa hoa; chống chia rẽ, bè phái, cục bộ, coi thường kỷ cương pháp luật; chống tham gia đánh bạc, số đề, cá cược, uống rượu bia đến mức bê tha, mất tư cách và tệ nạn xã hội khác".

Ðể xây dựng đội ngũ cán bộ cho lâu dài, Tỉnh ủy Phú Thọ tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ các cấp, các ngành, bảo đảm đúng quy trình, chất lượng, số lượng, cơ cấu theo quy định, coi trọng việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; chủ động phát hiện, tiến cử, giới thiệu những cán bộ trẻ triển vọng nổi trội, mạnh dạn gợi ý cán bộ đương nhiệm tuổi cao, trình độ năng lực hạn chế không tái cử khi nguồn cán bộ trẻ đủ sức đảm đương trọng trách. Ðổi mới công tác đánh giá cán bộ, chỉ đạo xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ; kết hợp xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý sản xuất, kinh doanh, cán bộ lãnh đạo trong lực lượng vũ trang, cán bộ nghiên cứu khoa học, đội ngũ chuyên gia đầu ngành; đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số...

Ðẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quan tâm đào tạo sớm, đào tạo trình độ cao ở trong và ngoài nước; khắc phục tình trạng nể nang, chạy theo hình thức, chưa lấy tiêu chuẩn, nhu cầu cán bộ làm căn cứ. Ðổi mới cách thức tuyển chọn, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm cán bộ để chọn đúng người, bố trí đúng việc. Mở rộng quyền đề cử, tự ứng cử và giới thiệu nhiều phương án nhân sự để chọn. Mạnh dạn, thay thế cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ theo phương châm "có lên, có xuống, có vào, có ra". Xây dựng cơ chế đảng viên và nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ. Rà soát, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện chính sách nghỉ công tác, về hưu trước tuổi đối với một số trường hợp để sắp xếp, bố trí cán bộ sau các kỳ Ðại hội Ðảng và bầu cử HÐND nhiệm kỳ tới; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ có năng lực, thừa cán bộ yếu kém; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

NGUYỄN DOÃN KHÁNH

Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ

theo nhandan.com.vn