Chi tiết bài viết
Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh: Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid”
- Phiên Tư vấn doanh nghiệp
- Phiên Thảo luận chuyên môn
Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh: Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” – Phiên tư vấn doanh nghiệp.
Sáng ngày 10/10/2020, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp cùng với Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” nhằm tạo diễn đàn liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với cộng đồng các doanh nghiệp để cùng trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn về quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu.
Hội thảo được diễn ra với sự tham gia của giảng viên, nhân viên của các đơn vị đồng tổ chức, đại diện các sở/ban ngành trên địa bàn tỉnh như Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế tỉnh Bình Định, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định, các chuyên gia tư vấn, và đặc biệt là sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Phiên tư vấn doanh nghiệp của Hội thảo sáng nay, PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đại diện Ban Tổ chức đã nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành và thực hiện đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế Thế giới, làm thay đổi cả xu hướng sản xuất, tiêu dùng của các quốc gia. Với Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc sản xuất đang là vấn đề mang tính thời sự và cấp thiết. Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đã dần trở lại trạng thái “ổn định và bình thường mới” song nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, vốn cho hoạt động kinh doanh, tuyển dụng nhân sự quay lại làm việc, thị trường tiêu thụ, …. Điều này cho thấy, qua cuộc khủng hoảng lần này, một trong những vấn đề bức thiết đặt ra là các doanh nghiệp cần phải thực hiện một cuộc tái cấu trúc, từ chiến lược, tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý đến văn hóa doanh nghiệp. Bởi vì, thực tế có nhiều chủ doanh nghiệp lo chạy theo những đơn hàng, những sự vụ công việc hàng ngày mà không để ý tới việc xây dựng hệ thống quản trị, nên khi xảy ra những biến cố thì doanh nghiệp rất khó để chuyển mình thích ứng nhanh với hoàn cảnh khó khăn hay bối cảnh kinh doanh mới, …
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn phát biểu khai mạc phiên tư vấn doanh nghiệp
Vì vậy, Phiên tư vấn doanh nghiệp diễn ra trong chuỗi sự kiện của Hội thảo là nhằm đóng góp các nghiên cứu để giải quyết các vấn đề thời sự trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong tái cấu trúc, tăng cường quản trị và phát triển doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững hậu Covid-19; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính của các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên và hướng tới ứng dụng triển khai thực tế vào doanh nghiệp.
Tiếp theo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên đoàn chủ trì cũng nhấn mạnh đến tính cấp thiết của Hội thảo trong bối cảnh các nước đã và đang nhận diện cần chuyển đổi phát triển từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” và coi đây là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; và đề xuất cần có sự liên kết mạnh hơn nữa giữa các trường, các nhà khoa học với cộng đồng các doanh nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy phát triển và tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững nhằm cùng nhau phát triển một nền kinh tế phải “xanh thực chất” là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái, giúp tôn tạo, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Mở đầu cho Phiên tư vấn doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh trong bài trình bày: Trong một thế giới biến đổi – Lựa chọn chiến lược/đối sách doanh nghiệp đã nhấn mạnh:
Dịch Covid 19 đang tác động rất mạnh đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch. Dịch Covid 19 đã phá vỡ nhiều chuỗi liên kết và buộc các doanh nghiệp phải tiến hành tái cấu trúc các chuỗi cung ứng mới, điều này là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, đặt ra tám nỗ lực cho các doanh nghiệp: (i) Tìm kiếm cơ hội kinh doanh, (ii) Kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, (iii) Chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, (iv) Đối thoại và ứng xử theo luật, (v) Huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp và tinh xảo, (vi) Xây dựng thương hiệu và trách nhiệm xã hội, (vii) Đồng hành cùng Chính phủ và (viii) Quản trị sự bất định/rủi ro.
Từ đó, đề xuất các doanh nghiệp để phát triển bền vững cần chú trọng đến: (i) Sáng tạo sản phẩm mới và marketing, (ii) Thay đổi kỹ năng và ứng xử với người lao động, (iii) Định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh, (iv) Chú trọng đa dạng hoá lĩnh vực đầu tư và phương thức kinh doanh, (v) Đề cao sự quản trị bất định và chủ động ứng phó rủi ro.
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh trình bày tư vấn tại Hội thảo
Tiếp theo phần trình bày tại Phiên tư vấn doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty Picenza Việt Nam, Phó Trưởng khoa Ngân hàng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có nội dung trao đổi về: Đổi mới và sáng tạo trong quản trị nội bộ nhằm nâng cao năng suất và tiềm lực cho doanh nghiệp hậu covid 19. Nội dung tư vấn đề cập đến: (1) Đổi mới tư duy Lãnh đạo & Quản lý doanh nghiệp bao gồm: (i) Tư duy Lãnh đạo và Quản trị của người quản lý, (ii) Tư duy “Kiềng 3 chân” trong quản trị, (iii) Tư duy “Pháp trị” trong quản trị, (iv) Tư duy “Khách hàng” trong quản trị và (v) Tư duy “Lợi thế so sánh” trong quản trị doanh nghiệp; từ đó, đề xuất các doanh nghiệp trong đổi mới quản trị, điều hành cần: (i) Sắp xếp công việc cho nhân sự, (ii) Tạo dựng môi trường làm việc có kỷ luật, (iii) Tạo dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp cho người lao động, (iv) Giám sát các hoạt động trong doanh nghiệp, (v) Tạo động lực làm việc cho người lao động, (vi) Cải tiến để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. (2) Các đổi mới trong quản trị, với các gợi ý của chuyên gia về: (i) Xây dựng hệ thống nội quy, quy chế quản lý, điều hành đồng bộ, phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp; (ii) Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực thi nội quy, quy chế của nhân viên trong công ty; (iii) Ban lãnh đạo, nhà quản lý phải làm gương trong việc thực hiện nội quy, quy chế của doanh nghiệp; (iv) Xây dựng quy trình làm việc, quy trình quản lý công việc cho các phòng ban, bộ phận; (v) Áp dụng 5S trong quản lý sản xuất của doanh nghệp; (vi) Đào tạo, hướng dẫn nhân viên hiểu và vận dụng được quy trình làm việc, quy trình quản lý công việc và (vii) Đề ra chế tài xử lý đối với những trường hợp thực hiện sai quy trình làm việc, quy trình quản lý trong công việc.
TS. Nguyễn Văn Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty Picenza Việt Nam, Phó Trưởng khoa Ngân hàng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trình bày tư vấn
Đã có nhiều ý kiến trao đổi về đổi mới trong công tác quản lý và điều hành thời Covid. Ông Lê Phương – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định cho rằng các doanh nghiệp đang đối mặt với hai vấn đề là tạm thời giảm hoạt động để xem xét tình hình hậu Covid để đưa ra các quyết sách phù hợp nhưng cũng đang đối mặt với vấn đề là khả năng không đạt mục tiêu kinh doanh, vì thời gian không còn nhiều cho niên độ năm 2020. Vì vậy, ông đã đề nghị các chuyên gia cần phải tư vấn Chính phủ, chính quyền các địa phương để đưa ra các chính sách phù hợp và phải dễ hiểu, rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và áp dụng, nhất là các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Vì nếu cứ để các doanh nghiệp tự lướt theo sóng để kinh doanh trong thời Covid sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thậm chí có thể dừng hoạt động không biết khi nào trong tương lai,… Đồng thời, bà Nguyễn Thị Mộng Duyên - Công ty Cổ phần Hồng Hà Bình Định cũng đề xuất các chuyên gia cần tư vấn sâu hơn về các giải pháp để thu hút khách hàng và tạo động lực cho nhân viên trong bối cảnh Covid vẫn có nguy cơ tái phát và có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh,…. Ban Tổ chức đã ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp và các chuyên gia đã đưa ra các giải đáp và tư vấn thoả đáng cho doanh nghiệp.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn và TS.Võ Trí Thành đại diện các đơn vị đồng Tổ chức tặng hoa và kỷ niệm chương cảm ơn các nhà tài trợ
Kết luận tại phiên tư vấn, PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Trường Đại học Điện Lực, thành viên đoàn chủ trì đã thay mặt Ban Tổ chức tổng kết các kết quả đạt được tại phiên tư vấn và đề xuất các doanh nghiệp trong thời gian chờ ứng cứu, hỗ trợ từ phía Chính phủ; các doanh nghiệp cần chủ động tự ứng cứu mình thông qua việc tự tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh - mạnh dạng loại bỏ những hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tái cấu trúc đội ngũ nhân sự cho tinh nhuệ và thiện chiến trong công việc, thúc đẩy hoạt động bán hàng, tìm kiếm và gia nhập các chuỗi giá trị mới,….Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp vì sự phát triển của khoa học kinh tế nói chung và tăng trưởng xanh nói riêng.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Phiên tư vấn của Hội thảo
Nguyễn Ngọc Tiến
CT
Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh: Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” – Phiên thảo luận chuyên môn.
Tiếp nối chuỗi hoạt động của Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid”, chiều ngày 10/10/2020, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp cùng với Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tiếp tục tiến hành tổ chức phiên thứ hai của Hội thảo về thảo luận chuyên môn nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên của các trường chia sẻ các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.
Toàn cảnh hội thảo
Phiên thứ hai của Hội thảo được diễn ra với sự tham gia của nhiều giảng viên, nhiều nhà nghiên cứu của các đơn vị đồng tổ chức, các trường đại học, cao đẳng, đại diện các sở/ban ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Phát biểu đề dẫn tại Phiên tư thảo luận chuyên môn, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đại diện Ban Tổ chức đã nhấn mạnh: Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới, làm thay đổi cả xu hướng sản xuất, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia. Với Việt Nam, bài toán quản trị doanh nghiệp, bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất đang đặt ra cấp thiết để phù hợp với xu hướng của thế giới, xu thế phát triển doanh nghiệp. Mặc dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, sản xuất dần trở lại ổn định với trạng thái “bình thường mới”, song nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, lãnh đạo các doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. Để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tái cấu trúc & tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị.
PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn tặng hoa cảm ơn các đơn vị đồng Tổ chức
Mở đầu cho Phiên tư thảo luận chuyên môn, PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Trường Đại học Điện Lực đã trình bày nghiên cứu về “Các yếu tố tác động tới hoạt động đổi mới và kết quả vận hành tại các công ty điện lực thuộc EVNNPC” với các nội dung liên quan đến: (i) Áp lực xanh hóa và đổi mới ngành điện, (ii) Giới thiệu về về đổi mới sáng tạo, (iii) Đề xuất mô hình và các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động đổi mới trong các doanh nghiệp phân phối điện. Kết quả nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng: (i) Hoạt động đổi mới có tầm quan trọng lớn đối với ngành điện và cụ thể là các doanh nghiệp phân phối điện, (ii) Kết quả nghiên cứu chỉ rõ các nhân tố: Học tập tổ chức, Khả năng nguồn nhân lực, Sự tham gia của các nhà cung cấp có tác động tích cực tới Đổi mới Quản lý và Đổi mới quản lý tác động gián tiếp tới Kết quả hoạt động thông qua Đổi mới công nghệ, (iii) Sự ủng hộ của lãnh đạo trong nghiên cứu này chỉ có tác động gián tiếp tới Đổi mới quản lý.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Điện Lực trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Tiếp theo phần trình bày tại Hội thảo, ThS. Lê Thị Mỹ Tú – Trường Đại học Quy Nhơn đã trình nghiên cứu về “Nghiên cứu ảnh hưởng của vốn trí tuệ đến hiệu quả hoạt động các công ty công nghệ trong bối cảnh kinh tế số”. Nghiên cứu đã trình bày khái niệm về vốn trí tuệ và các phương pháp đo lường vốn trí tuệ. Kết quả nghiên cứu đã đi đến kết luận: (i) Các công ty công nghệ Việt Nam sử dụng vốn trí tuệ rất tốt, (ii) Vốn nhân lực và vốn vật chất/tài chính có liên quan đáng kể cùng chiều, vốn cấu trúc không có ý nghĩa tích cực đến hiệu quả công ty chứng tỏ tại các công ty công nghệ ở Việt Nam, việc khai thác khả năng tạo ra giá trị của những tài sản cấu trúc vô hình chưa được hiệu quả, được xem là sự lãng phí nguồn lực và (iii) Các công ty công nghệ tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vốn vật chất/tài chính nhiều hơn so với vốn trí tuệ. Đồng thời, vốn trí tuệ là khái niệm vẫn còn khá mới tại Việt Nam nên nghiên cứu đã đề xuất các hướng nghiên cứu mở rộng tiếp theo gồm: (i) Nghiên cứu trên nhiều ngành, xu hướng tìm sự khác biệt về sự đóng góp của vốn trí tuệ giữa công ty tri thức cao và thấp, (ii) Vốn trí tuệ không chỉ là một tài sản vô hình tĩnh, việc đầu tư vào vốn trí tuệ và việc thu lại lợi ích sẽ xảy ra tại các thời điểm khác nhau cả trong hiện tại và tương lai, cách tiếp cận dữ liệu bảng động, (iii) Vốn trí tuệ mang giá trị tiềm ẩn, không dễ nhận ra và không được tiết lộ trong các báo cáo tài chính và mô hình đo lường vốn trí tuệ mới phù hợp với thực tế Việt Nam, khai thác dữ liệu sơ cấp, (iv) Nghiên cứu về ảnh hưởng của vốn trí tuệ đến doanh nghiệp theo phân khúc thời gian , sau các sự kiện hoặc các cú sốc kinh tế, và (v) Mối quan hệ giữa vốn trí tuệ và các biến số kinh tế khác ngoài hiệu quả tài chính doanh nghiệp, theo chiều hướng trực tiếp và gián tiếp.
ThS. Lê Thị Mỹ Tú – Trường Đại học Quy Nhơn trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Đồng thời, tại phiên thứ hai của buổi tham luận, TS. Nguyễn Thị Hương Liên – Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội đã trình nghiên cứu về “Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết Việt Nam”. Nghiên cứu đã trình bày các nội dung liên quan đến: (i) Thực trạng quản trị công ty của các công ty niêm yết Việt Nam, (ii) Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả tài chính của công ty niêm yết và (iii) Khuyến nghị nâng cao chất lượng quản trị công ty và cải thiện hiệu quả tài chính của công ty niêm yết. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị cho các công ty niêm yết: (i) Áp dụng mô hình có thành viên độc lập trong hội đồng quản trị theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OEDC) nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, (ii) Lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín, có quy trình kiểm toán, kiểm soát chất lượng chặt chẽ và đội ngũ kiểm toán viên hành nghề, chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng của báo cáo tài chính đã được kiểm toán, (iii) Đảm bảo tính đa dạng về số lượng thành viên trong Hội đồng quản trị để thực thi hiệu quả các chức năng của hội đồng, tăng chất lượng của ra quyết định; từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty.
TS. Nguyễn Thị Hương Liên – Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã tiến hành thảo luận rất sôi nổi về các chủ đề đã trình bày như quan điểm về vốn trí tuệ, phương pháp nào đo lường tối ưu hay sự khác biệt giữa vốn trí tuệ với cảm xúc trí tuệ, tầm quan trọng của vốn trí tuệ so với vốn tài chính, hay quan điểm về đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng xanh và các nhân tố ảnh hưởng trong các doanh nghiệp đặc thù, hoặc phương pháp quản trị tài chính trong bối cảnh môi trường nhiều biến đổi, và các vấn đề về tăng trưởng xanh,…. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn trao đổi và chia sẻ thêm về các vấn đề có liên quan đến phương pháp lấy mẫu nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu và các mô hình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.
Các đại biểu của Ban Tổ chức tham dự và chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền đã thay mặt Ban Tổ chức đã tổng kết các kết quả đạt được tại Hội thảo và đề xuất các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cần tăng cường kết nối trong nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu liên trường, liên ngành để gia tăng chất lượng nghiên cứu và công bố quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn kinh tế - xã hội và doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa hướng đến tăng trưởng xanh. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền cũng đề xuất các nghiên cứu cần chú trọng đến tăng trưởng xanh hậu Covid, tăng trưởng xanh gắn với số hoá trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã tham gia viết bài và tham dự Hội thảo.
Nguyễn Ngọc Tiến
CT
Nguồn: bcsi.edu.vn; www.qnu.edu.vn