|
29 năm, lương 4,8 triệu đồng
PGS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục, chỉ rõ: “Để tình trạng không có người giỏi vào sư phạm (SP) như hiện nay đơn giản vì chế độ chính sách đãi ngộ với họ chưa thỏa đáng, không tốt. Nghề không nuôi sống được bản thân, gia đình”.
|
Một giáo viên (GV) tâm sự đầy chua chát: “Tôi không dám so lương thấp với ai. Tôi chỉ thấy trước hết là thấp so với cái người ta cần để tồn tại chứ chưa nói đến chuyện để sống sung sướng. Trước tháng 5.2012 (lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng), khi lương tối thiểu là 850.000 đồng, sinh viên giỏi trường SP được giữ lại làm cán bộ giảng dạy chỉ được khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, khi hết tập sự thì khoảng 2 triệu đồng/tháng”.
Một GV có thâm niên gần 30 năm trong nghề nói: “Ngày đầu tiên bước vào ngành SP năm 1982, tôi đã biết là nghề này nghèo và khó khăn. Tôi cố gắng làm việc đến nay đã hơn 29 năm, lương của tôi được 4,8 triệu đồng. Tôi nghe các cấp lãnh đạo hứa nhiều đến... 29 năm rồi nhưng vẫn hy vọng”.
Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TP.HCM), phân tích: “Nguyên nhân để người giỏi ít vào ngành SP là đầu ra bấp bênh hơn so với một số ngành khác. Thứ hai là thu nhập rất khiêm tốn. Trong khi đó, lao động của GV rất vất vả, phải cần mẫn, kỹ lưỡng”. Một GV tiểu học tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết: “Khi ra trường, mức lương của tôi chỉ 1,8 triệu đồng/tháng. Trong khi các bạn mình học khối ngành kinh tế lương 7-8 triệu đồng. Sau 2 năm giảng dạy, tổng lương, phụ cấp hằng tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng. Do yêu nghề từ bé nên tôi mới gắn bó với nghề, chứ thực chất cũng rất ngao ngán”.
Hỏi ngẫu nhiên các GV, 100% đều nhận định chính do chế độ đãi ngộ, áp lực nặng nề nên ngày càng ít người chọn SP. Cô giáo 23 tuổi, dạy tại một trường THPT ở Q.8 (TP.HCM), chia sẻ: “Thu nhập của tôi chỉ đủ trang trải tiền nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày... Còn khi có việc như: đám cưới, đám giỗ, hay mua đồ dùng trong nhà, học thêm đều phải ngửa tay xin bố mẹ ở quê”. Ngay như cô Sương Mai (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) thâm niên 30 năm trong nghề nhưng lương nhận hằng tháng cũng khoảng 5 triệu đồng.
|
Khó tìm việc làm
Tình trạng sinh viên SP ra trường phải vất vả tìm việc, thậm chí thất nghiệp chuyển sang các nghề khác hiện rất phổ biến.
Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: “Về việc làm thì GV THPT và THCS rất khó xin việc hoặc bị phân về những trường xa, điều kiện làm việc khó khăn. Trước đây các thành phố lớn yêu cầu GV phải có hộ khẩu thành phố, nhưng hiện nay chỉ cần KT3 là được nên sinh viên ngoại tỉnh đổ xô về thành phố xin việc, dẫn đến khủng hoảng thừa GV”.
Ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngay tại TP.HCM, số lượng đăng ký vào ngành giáo dục đông nhưng tuyển có giới hạn. Lương không cao, ra trường lại chưa chắc có việc làm, dần dà sẽ làm cho ngành này mất sức hấp dẫn đối với những em học sinh”. Còn tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay sinh viên học SP chỉ có lợi là không phải đóng học phí. Còn sau đó thì khi về địa phương, họ không được vào biên chế, xin việc hết sức khó khăn.
Chọn rồi thì... hối hận
Tiến sĩ Bạch Văn Hợp khẳng định: “Một khi đã nghèo thì khó ai có thể toàn tâm toàn ý cho công việc, họ sẽ mất tập trung vì còn phải nghĩ đến cơm áo gạo tiền. Mức lương không đáp ứng cuộc sống tối thiểu dễ khiến người ta chán nản”.
Là một thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về đào tạo và bồi dưỡng GV phổ thông, PGS Vũ Trọng Rỹ cho hay: “Tôi đã hỏi hơn 500 GV ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số GV không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Thế là có ít nhất một nửa GV hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo. Một bộ phận đáng kể đang chán nghề. Cũng theo kết quả điều tra của đề án nói trên, số GV thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề chỉ chiếm khoảng 10 - 20%. Không ít GV ở đô thị khi có điều kiện thuận lợi thì chuyển ngành. Còn theo nghiên cứu tại Khoa Hóa học Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 17,8% sinh viên không an tâm với nghề nghiệp.
Nhiều GV cho rằng ngoài lương bổng, điều họ cảm thấy chán nghề là áp lực công việc. Một GV dạy tiểu học dẫn chứng: “Mỗi tháng, chấm không biết bao nhiêu bài kiểm tra, bài tập. Chưa hết, GV còn phải quản lý sổ điểm, sổ đầu bài, sổ liên lạc rồi họp chuyên môn, thao giảng, dự giờ... Chỉ chuyện lời phê vào phiếu liên lạc hằng tuần, chấm bài, vô điểm… của vài chục học sinh cũng đã mất hết thời gian. Có khi phải dành cả thứ bảy, chủ nhật để làm những việc này”.
Ý kiến “Số lượng học sinh đăng ký dự thi vào ngành SP rất ít. Năm nào tỷ lệ này chiếm chưa đến 1/3 so với các ngành kinh tế, kỹ thuật...”. Sương Mai (Phụ trách công tác hướng nghiệp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) “Thời gian chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi, chỉ thấy các em bàn tán, hỏi thăm nhau về khối ngành kinh tế, thương mại, kỹ thuật chứ chả mấy em nói với nhau về ngành SP”. Nguyễn Hoàng Việt “Trong các buổi hướng nghiệp, nhà trường cũng động viên các em theo ngành SP, đặc biệt là nữ và còn khuyến khích tốt nghiệp quay về trường làm việc nhưng dường như không có tác dụng”. Lê Văn Linh |