Chi tiết bài viết

Hiểu như thế nào về hiền tài, nhân tài. Vai trò của họ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta

          Như chúng ta đã biết, cho đến nay xã hội loài người đã và đang trải qua ba thời kỳ kinh tế, đó là:

          - Thời kỳ kinh tế nông nghiệp, còn gọi là kinh tế sức người, cách đây hơn 7000 năm chuyển từ nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế nông nghiệp, con người sáng tạo ra công cụ sản xuất và sở hữu ruộng đất, giá trị của nó đo bằng công cụ thay thế cho khối lượng lao động của con người.

          - Thời kỳ kinh tế công nghiệp, còn gọi là kinh tế máy móc, đã hình thành và phát triển cách đây hơn 250 năm, từ giữa thế kỷ 18 với cuộc cách mạng kỹ thuật đầu tiên chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp dựa trên lực lượng sản xuất cơ khí. Thời kỳ này, tri thức con người đã vươn lên với những thành tựu to lớn tạo ra hàng loạt các công cụ mới như ô tô, tàu hỏa, máy bay, tàu vũ trụ, … mà sức lao động cơ bắp không bao giờ làm được với động lực tạo lợi nhuận và tích lũy tư bản.

          - Thời kỳ kinh tế tri thức, còn gọi là kinh tế trí tuệ, xuất hiện vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đã tạo điều kiện cho sự ra đời của lực lượng sản xuất mới, dựa trên tri thức khoa học thay thế cho lực lượng sản xuất cơ khí. Từ sự phát triển kinh tế chỉ vì lợi nhuận chuyển sang định hướng phát triển đồng thuận giữa kinh tế - xã hội - môi trường. Ngày nay tri thức có thêm chức năng cực kỳ quan trọng là dùng tri thức để tạo ra tri thức mới.

          Trên thế giới tài nguyên ngày càng cạn kiệt, còn tri thức và sức sáng tạo của con người là vô hạn. Tri thức là vốn quý nhất của nền kinh tế tri thức, tri thức là sản phẩm trí tuệ của con người. Chính vì vậy hiền tài, nhân tài và lao động trí thức đã trở thành một lực lượng sản xuất mới, giữ vai trò quyết định hơn cả vốn và tài nguyên.

          Quốc gia nào có nhiều nhân tài, hiền tài, lao động tri thức và nguồn nhân lực phát triển thì quốc gia đó sẽ có tốc độ phát triển nhanh và có đủ khả năng xử lý các nguồn thông tin cho đất nước mình và chiến thắng trong quá trình hội nhập quốc tế.

          Đối với nước ta đang thực hiện song song hai nhiệm vụ: từ nền kinh tế sức người chuyển lên nền kinh tế công nghiệp, đồng thời phải thực hiện một số yếu tố của nền kinh tế tri thức. Chính do đặc thù của thời đại làm cho sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của nước ta khác với các quá trình công nghiệp hóa của nhiều nước trước đây. Điều này cũng là một lợi thế cho nước ta là nước chậm phát triển và đi sau. Vì vậy Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX đã nêu: “Con đường Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa ở nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt. Phát huy được những ưu thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới của khoa học công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức”. Muốn làm được điều đó không có con đường nào khác Đảng và Nhà nước ta phải tập trung vào việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiền tài, nhân tài có đủ năng lực, trí tuệ, có khả năng sáng tạo nắm bắt và làm chủ các tri thức của thời đại để hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và tiến vào nền kinh tế tri thức.

          Vậy vấn đề đặt ra là phải làm rõ khái niệm, tiêu chí của Nhân tài, người tài, hiền tài trong thời đại ngày nay ở nước ta là gì?

          Cho đến nay nhiều học giả và người dân nước ta có các quan điểm khác nhau:

          - Có người cho rằng nhân tài, người tài, hiền tài       có nội hàm giống nhau và có cùng một khái niệm, họ là những người xuất chúng, có học vị và bằng cấp cao.

          - Có người đặt ra câu hỏi: Tại sao Tiến sỹ Thân Nhân Trung năm 1442 ở văn bia Quốc Tử Giám đã ghi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà không ghi “nhân tài là nguyên khí quốc gia”? Vậy nhân tài và hiền tài có gì khác nhau?

          - Những người lãnh đạo đứng đầu các cấp, đặc biệt là lãnh đạo ở cấp chiến lược hiện nay có phải hiền tài hay không? Xếp vào cung bậc nào? Còn những người sáng tạo ở các tầng lớp khác nhau trong xã hội được cộng đồng suy tôn họ là ai?

          - Trong xã hội nước ta từ xa xưa người dân thường nhận xét “người tài hay có tật” hay “lắm tài nhiều tật”, họ có tật mà tại sao cộng đồng vẫn công nhận họ là người tài?

          Để làm  rõ các khái niệm và các tiêu chí về Nhân tài (Người tài) và Hiền tài cần có sự trao đổi rộng rãi và đi đến thống nhất về nhận thức trong toàn xã hội. Từ đó xây dựng các tiêu chí cho thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên; đồng thời Đảng và Nhà nước có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đúng mức.

          Theo quan điểm của tôi, ở nước ta hiện nay đại diện cho lực lượng ưu tú trong xã hội là Người tàiHiền tài; còn Nhân tài vốn là thuật ngữ Hán – Việt, NHÂN là NGƯỜI, có nghĩa là Nhân tài đồng nghĩa với Người tài. Vì vậy, khẳng định rằng ở nước ta chỉ có 2 khái niệm nhân tài (người tài) và hiền tài.

          Về tiêu chí đối với Người tài (Nhân tài): điều kiện tiên quyết đối với họ là phải có lòng yêu Tổ quốc, dân tộc, có tính sáng tạo, có đóng góp xứng đáng, có kết quả cụ thể được cộng đồng công nhận và suy tôn. Họ có tài năng thực sự trong một lĩnh vực nào đó có thể là khoa học công nghệ, kinh tế, kinh doanh, quân sự, chính trị, giáo dục, y học, nghệ thuật, thể thao,… Họ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, có bằng cấp hay không có bằng cấp, họ xuất thân từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo, từ Trung ương đến địa phương.

Trong số Người tài có thể có những người có những cá tính đặc biệt, có những khiếm khuyết trong quan hệ gia đình, bạn bè hoặc họ không quan tâm đến thời cuộc mà chỉ tập trung vào chuyên môn sáng tạo,… Vì thế trong xã hội ta người dân đề cập đến khái niệm “người tài thường hay có tật”, không vì cái tật mà phủ nhận cái tài. Do đó cộng đồng vẫn công nhận họ là Người tài.

          Về khái niệm Hiền tài đã xuất hiện rất sớm trong ngôn ngữ và lịch sử của dân tộc, đã được ghi tại văn bia Quốc tử giám năm 1442. Người hiền tài trước hết họ phải đạt tiêu chí là người tài, nhưng dứt khoát là không có “tật”. Đối với họ Đức và Tài phải nằm trong một thể thống nhất nghĩa là phải có Tâm và có Tài.

          Người hiền tài cũng như người tài đòi hỏi họ phải giỏi một hoặc hai lĩnh vực chuyên môn nào đó. Song cũng không phải bao giờ cũng giỏi hơn mọi người. Vì ở từng lĩnh vực khác nhau có người giỏi hơn mình nhưng đòi hỏi người hiền tài phải có năng lực phát hiện ra tài năng, biết tiến cử, sử dụng và phát huy năng lực của những người tài giỏi hơn mình, biết quy tụ, đào tạo và sử dụng họ. Người xưa có câu: “Không biết người tài, biết người tài mà không dùng, dùng người tài mà không tin” là ba điều tối kỵ đối với người hiền tài đứng đầu một tổ chức nhất là đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, cho nên tiêu chí cao nhất của Hiền tài là phải có khả năng phát hiện, sử dụng người tài, chính vì lẽ đó ở Hoa Kỳ trên ngôi mộ của vị Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson là một trong những tác giả của tuyên ngôn độc lập 1776 có người đã khắc dòng chữ “Đây là người có tài dùng người tài”.

          Người hiền tài thường còn là những người giữ vị trí đầu đàn trong từng lĩnh vực như chính trị, tổ chức, quản lý, khoa học công nghệ, khoa học xã hội, sản xuất kinh doanh, văn học nghệ thuật, thể thao,… Họ cũng thường giữ vị trí đứng đầu lãnh đạo hoặc quản lý trong một bộ môn, một đơn vị, một ngành, một tổ chức ở địa phương, Trung ương… Người hiền tài cũng đồng nghĩa với người lãnh đạo, người quản lý giỏi của một tổ chức, một đơn vị được tập hợp ít hoặc nhiều những người tài và những người lao động tri thức. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong xã hội nước ta ngày nay cần phải nhận thức rằng đối với những người chưa đạt tiêu chí của người hiền tài thì không thể công nhận họ là người lãnh đạo, nhất là đối với những người lãnh đạo và quản lý ở cấp chiến lược.

          Người hiền tài là người có tài, có đức song toàn, thuộc mẫu người mà cha ông chúng ta đã tôn vinh “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đó cũng chính là mẫu người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu tiên thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã kêu gọi: “… Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người TÀI ĐỨC có thể làm được những việc ích nước, lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết…”. Điều này cho thấy hiền tài, họ xuất hiện từ trong nhân dân, từ hoạt động thực tiễn, từ sự rèn luyện gian khổ để tạo ra các sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị cho dân tộc, cho đất nước được cộng đồng tôn vinh.

          Ngoài những tiêu chí trên đối với những người lãnh đạo, quản lý ở cấp chiến lược trước hết họ phải là hiền tài, đồng thời phải có thêm những năng lực và phẩm chất cụ thể sau đây:

          1. Phải có nhân cách tốt thể hiện trong quan hệ với quần chúng, trung thành với lý tưởng, với Tổ quốc, với dân tộc, liêm chính trong đời tư, nhiệt tình và sáng tạo trong công việc, gương mẫu của bản thân, gia đình và phải đạt chuẩn mực cao, có tính trung thực, liêm khiết thì mới duy trì được sự quý trọng và tìm được những người tài thực sự cộng tác với mình.

          2. Phải có năng lực tư duy, tổng hợp; nắm vững lý luận và thực tiễn; diễn đạt trước tập thể, đơn vị và quần chúng nhân dân do mình phụ trách làm thế nào để cuốn hút, thuyết phục và khơi dậy nhiệt tình của họ cùng với mình thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng. Người hiền tài phải nói đi đôi với làm, có lý luận và thực tiễn, có tài hùng biện và có sức thuyết phục cao.

          3. Phải thấu hiểu thế giới, những xu thế của thời đại và thực thể của đất nước, địa phương đơn vị mình tìm ra lối đi riêng cho đơn vị và dân tộc của mình để hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

          4. Phải có khả năng xử lý thông tin, xây dựng mạng lưới các quan hệ, giao tiếp tốt, phản hồi nhanh, phải biết thuyết phục hơn là ra lệnh, phải biết quyết đoán và thu hút được nhiều người biết “động não”.

          5. Phải thiết lập được một thể chế, một cơ chế tự hành để hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền hoặc đơn vị của mình huy động, tập hợp được nhiều người tài và làm cho những người tài đó luôn luôn nỗ lực làm việc hết mình, phải thiết lập những cơ chế để phát hiện người tài, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng họ đóng góp được nhiều cho đất nước và dân tộc; đồng thời phải có những chính sách đãi ngộ và động viên họ.

          6. Phải biết lắng nghe ý kiến của dân và phát huy tối đa nguồn lực trong dân nhất là trong giai đoạn bước vào nền kinh tế tri thức muốn tạo ra giá trị lớn buộc phải dựa vào hàm lượng chất xám của lao động và của toàn dân.

          7. Phải đi đầu trong phòng chống tham nhũng, vì tham nhũng nó hủy hoại người hiền tài, nó tạo ra những phần tử cơ hội, bất tài điều hành đơn vị địa phương và đất nước dẫn đến sự sụp đổ của đơn vị và quốc gia.

          Để tránh tụt hậu và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, nước ta cần phải tái cấu trúc lại nguồn nhân lực, đây là một khâu yếu nhất hiện nay, vì vậy đòi hỏi phải có nhiều người tài, người hiền tài và lao động có chất lượng cao như Bác Hồ đã dạy: “… tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy…”. Đây chính là chiếc chìa khóa vàng cho dân tộc ta phát triển bền vững và giàu mạnh, hội nhập với nền kinh tế quốc tế, từng bước tiến vào nền kinh tế tri thức.

          Ngày nay Hiền tài và Người tài đã trở thành yếu tố quyết định cho sự thành bại của đất nước ta trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới mà thực chất đó là sự đọ sức về trí tuệ như Long Tử Dân – một học giả Trung Quốc, đã có câu nói hết sức chí lý cho thời đại hiện nay: “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, sự cạnh tranh căn bản nhất là cạnh tranh nhân tài, năng lực chủ yếu của người lãnh đạo là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài”. Theo tôi, người lãnh đạo ở đây chính là hiền tài.

TS. Hồ Văn Hoành

Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển
nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam