Chi tiết bài viết

Hà Nội chật cứng chuyên cơ của các CEO quốc tế

 Ít nhất sẽ có 10 lãnh đạo các nền kinh tế APEC tham gia diễn đàn, nhiều hơn tất cả các kỳ hội nghị từ trước tới nay. CEO Summit 2006 thu hút sự tham gia của gần 1.200 doanh nhân, vượt 200 người so với kỷ lục đạt được trước đây tại CEO Summit 2004 ở Chile. Đáng chú ý, trong số hơn 600 CEO quốc tế dự hội nghị lần này, có rất nhiều doanh nhân không nằm trong khu vực APEC cũng đăng ký tham gia.
Ban tổ chức CEO Summit 2006 cũng vất vả không ít để thu xếp chỗ đậu chuyên cơ của 12 tập đoàn lớn tại sân bay Nội Bài, khi mà cùng lúc đó đã có hàng chục chuyên cơ của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Đoàn máy bay riêng của các doanh nghiệp Mỹ tỏ ra hùng hậu nhất, có tới gần 10 chiếc, trong đó có chuyên cơ của các ông chủ tập đoàn FedEx, Qualcomm, AIG...
Việt Nam là ngôi sao đang lên của khu vực. Điểm đến Việt Nam ngày một hấp dẫn, nhất là khi đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này lý giải tại sao tuần lễ cấp cao APEC 2006 lại thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nhân quốc tế đến vậy.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn bảo hiểm Mỹ ACE, ông Edward Clancy không giấu nỗi vui mừng khi cầm trên tay giấy phép kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. ACE mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ 1996. 9 năm sau, nhân chuyến thăm lịch sử của thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải tới Mỹ, tập đoàn này đã nhận giấy phép kinh doanh bảo hiểm đầu tiên trong lĩnh vực nhân thọ. 
"Chúng tôi rất lạc quan và nhìn thấy rất nhiều cơ hội cung cấp sản phẩm và dịch vụ đến với người tiêu dùng Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập WTO cũng sẽ tạo cơ hội ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường", ông Clancy trao đổi với VnExpress. Ông cho biết thêm, ngoài việc bảo hiểm về vật chất cho các công ty lớn, ACE cũng sẽ không bỏ qua cơ hội cung cấp dịch vụ cho các công ty cỡ trung và các sản phẩm bảo hiểm tai nạn, sức khoẻ cho khách hàng cá nhân.
Hợp đồng hợp tác phát triển cổng thông tin quốc gia MSN được ký kết giữa Microsoft và Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC cùng Công ty VIP Wireless sáng 16/11 là sự kiện đáng ghi nhớ với ngành công nghệ thông tin trong nước. Còn với chính Microsoft, đây là dấu mốc quan trọng giúp đại gia này mở rộng cung cấp dịch vụ trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Ngay sau lễ ký, ông David Heeley, Giám đốc kinh doanh phụ trách khu vực các thị trường mới nổi của Microsoft cho biết hãng đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch làm ăn tại mảnh đất hứa Việt Nam. 
"Việt Nam trở thành thành viên WTO. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Đó là lý do chúng tôi đến đây và ký kết thoả thuận hợp tác với VDC, Wireless VIP. Hơn 13 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Con số này đang gia tăng cực nhanh. Đây là những con số vô cùng ấn tượng, mang lại cơ hội to lớn cho chúng tôi", ông tâm sự.
Mỹ chưa thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Song theo ông Heeley, Microsoft không hề nản lòng vì điều đó. Ông cũng cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam không vì thế mà giảm bớt sức hấp dẫn. 
Đặt chân tới Hà Nội đầu giờ chiều 16/11, phái đoàn của tập đoàn không vận DHL Express, gồm hơn 10 người do Tổng giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương Scott Price dẫn đầu, góp phần điểm tô thêm cho đại tiệc của cộng đồng doanh nhân APEC. Ngày mai tại CEO Summit, ông Scott Price sẽ có bài phát biểu về cơ hội phát triển của DHL trong nền kinh tế VN. Nhân dịp này, DHL công bố đầu tư 14 triệu USD nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và mở rộng dịch vụ của chi nhánh tại VN. Hãng sẽ mở rộng dịch vụ tới các khu công nghiệp, tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế VN sau khi gia nhập WTO.

Nguồn:  Vn Express