Chi tiết bài viết

Giữ vững niềm tin để vượt qua khó khăn, thử thách

 

Gian nan thử thách bản  lĩnh  người Việt Nam

Thưa ông, với ý chí và bản lĩnh của mình, dân tộc Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để trở thành một quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Nhưng hiện chúng ta đang phải đối mặt với những diễn biến không thuận do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng như những diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới. Có vẻ như, lại một lần nữa, gian nan sẽ thử thách bản lĩnh của người Việt Nam…?

Thực ra, với bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, con đường phát triển không phải chỉ có hoa hồng, mà còn có rất nhiều chông gai, thử thách. Với Việt Nam, dường như “ông trời” đã dành cho một số phận nghiệt ngã là phải trải qua những thử thách ghê gớm trong suốt chiều dài lịch suốt hàng ngàn năm..

Có lẽ, trên thế giới, không có quốc gia nào chỉ trong gần 70 năm đã phải trải qua mấy cuộc chiến tranh, từ chống Pháp, chống Mỹ, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Ngay trong phát triển kinh tế, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn. Chí ít trong 10 năm kể từ sau năm 1979, nước ta đã bị bao vây, cô lập, khó khăn trăm bề. Ngay cả khi đã thực hiện công cuộc Đổi mới cũng không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái. Năm 1997, chúng ta chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, bắt đầu bùng nổ ở Thái Lan. Rồi 10 năm sau, giai đoạn 2008 - 2009, lại một lần nữa Việt Nam phải đối mặt với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhưng nhìn lại có thể thấy, tuy hy sinh, gian khổ rất nhiều, nhưng dân tộc Việt Nam lần nào cũng vượt qua được thử thách, để không những tiếp tục tồn tại, mà còn  phát triển. Từ một đất nước thuộc địa nước ta đã trở thành một nước độc lập; từ một đất nước bị chia cắt đã trở thành một đất nước thống nhất; từ một nước bị khủng hoảng về kinh tế - xã hội đã trở thành đất nước Đổi mới; và từ một nước bị bao vây, cô lập, trở thành một đất nước hội nhập. Đấy là những bậc thang  trong hành trình phát triển  của Việt Nam.

Vậy theo ông, điều gì đã làm nên một Việt Nam ngày hôm nay?

Theo quan điểm của tôi, có mấy nhân tố. Thứ nhất, đó là ý chí của người Việt Nam rất quật cường, do thử thách rèn luyện  nên. Thứ hai là ý thức dân tộc,  tinh thần đoàn kết một lòng. Càng khó khăn, thử thách, thì người Việt Nam càng đoàn kết, quy tụ với nhau để vượt qua. Thứ ba là niềm tin.

Trong 67 năm qua, khi nào có niềm tin, thì dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng vượt qua được;  không có niềm tin vững chắc thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn nhiều. Trong kháng chiến cũng vậy và trong hòa bình cũng không khác. Ví dụ, hồi khủng hoảng kinh tế những năm 80 của thế kỷ trước, lòng tin của người dân có phần mai một, nhưng chỉ bằng một vài biện pháp đúng hướng, như khoán 100, khoán 10, chúng ta đã khôi phục được niềm tin của dân chúng và vượt qua được khó khăn. Hay như khủng hoảng khu vực năm 1997, tình hình cũng khó khăn lắm, nhưng khi ấy, không lạm phát cao, lòng tin của người dân không  bị chao đảo, nên mọi chuyện rồi cũng đã êm thấm cả.

Lần này chúng ta lại đang đứng trước những khó khăn, thử thách mới, mà thử thách lớn nhất, theo tôi, chính là niềm tin có phần bị sứt mẻ. Dân tộc ta rất kiên cường, đoàn kết với nhau trong hiểm nguy và luôn giữ vững niềm tin, nên điều quan trọng là “bảo toàn” cho được những phẩm chất quý giá đó.

Vậy thì phải làm sao để chúng ta có thể khôi phục và giữ vững niềm tin, để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt, thưa ông?

Theo tôi, có ba vấn đề cần phải lưu tâm. Thứ nhất, phải thực hiện cho tốt Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, làm thực sự để nhân dân cảm thấy có sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chấn chỉnh Đảng. Đó là trông đợi của bất kỳ ai ở đất nước này. Có điều kiện tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam, tôi cảm nhận rất rõ điều đó. Nếu lần này chúng ta không quyết tâm làm để đáp ứng mong đợi và niềm tin của nhân dân thì rất nguy hiểm. Ngay như Nghị quyết cũng đã nói, sự suy thoái trong Đảng có thể đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì thế, dù khó khăn, thử thách, có thể động chạm tới lợi ích cá nhân này, cá nhân khác, cũng phải nghiến răng lại mà làm.

Thứ hai, hiện nay, nền kinh tế của chúng ta có nhiều bất ổn. Tất nhiên, những khó khăn hiện nay cũng do tác động của yếu tố bên ngoài, của tình hình phức tạp của kinh tế thế giới, nhưng cũng phải thừa nhận là, phần nhiều là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều nước xung quanh ta, cũng chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng tại sao họ không bị bất ổn vĩ mô, không bị lạm phát cao? Đó là do yếu kém của ta thôi. Chính vì thế, điều quan trọng hơn hết trong lúc này là phải lấy lại sự cân bằng kinh tế vĩ mô, khôi phục lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Với người dân, với doanh nghiệp, lòng tin là quan trọng lắm. Nếu tin là ngày mai kinh tế sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn, lãi suất sẽ hợp lý hơn, tiêu thụ hàng hóa trôi chảy hơn, chính sách minh bạch hơn, thông thoáng hơn, thì doanh nghiệp mới có lòng tin để bỏ vốn ra làm ăn.

Thứ ba, phải giữ vững niềm tin về quan hệ đối ngoại của đất nước. Trong bất cứ trường hợp nào, phải giữ vững được độc lập, chủ quyền, đồng thời phải giữ được quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia khác để yên bình và có điều kiện làm ăn.

Đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn

Thưa ông, khi khó khăn, dư luận thường nhắc tới câu chuyện làm sao để sử dụng một cách thông minh nội lực, tận dụng hiệu quả ngoại lực để phát triển kinh tế - xã hội. Còn với cá nhân ông, quan điểm của ông thế nào?

Thực tế đã chứng minh rất rõ ràng và tôi cũng có một niềm tin rất chắc chắn rằng, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Khi hội nhập với thế giới, gia nhập WTO, ta có thêm ngoại lực là thị trường vốn, công nghệ, nhưng có tận dụng được cơ hội không, phải do năng lực của chính chúng ta.

Ở đây, có hai nhân tố đáng quan tâm, một là sức mạnh nội tại của nền kinh tế, hai là năng lực điều hành, phản ứng chính sách  để huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân nhằm tận dụng, khai thác cơ hội và đối phó với những thách thức. Đây mới chính là yếu tố quyết định, nếu không, cơ hội đến rồi lại đi.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta tuyệt đối hóa nội lực, bởi đất nước nào cũng phải sống trong môi trường chung của thế giới, chứ không thể tách biệt được. Chúng ta phải luôn hiểu rằng, độc lập dân tộc, tự cường không có nghĩa là biệt lập với thế giới, mà phải luôn luôn gắn kết nền kinh tế nước mình với kinh tế thế giới.

Thế giới bây giờ người ta đang chuyển sang kinh tế xanh, đòi hỏi hàng hóa phải thân thiện với môi trường, mà ta cứ đi ngược lại, thì làm sao làm ăn được với thế giới? Hay là xu thế toàn cầu hóa, dù đúng là đàm phán toàn cầu có dấu hiệu chững lại, nhưng các khu vực mậu dịch tự do đang mọc lên như nấm, chúng ta không thể tránh xa, mà phải biết thích nghi, biết tận dụng cơ hội để vươn lên.

Vâng, nội lực đóng vai trò quyết định. Nhưng nội lực là gì, chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về nội lực hay không, thưa ông?

Nội lực ở đây chính là trí tuệ, chứ không chỉ là sức mạnh vật chất, bởi sức vật chất của Việt  Nam vốn nghèo nàn, không thể một sớm, một chiều mà có được. Cũng là chịu tác động của khủng hoảng, nhưng nếu mình biết cách ứng phó, thì tác động tiêu cực sẽ được giảm thiểu. Nhìn sang các nước xung quanh, như Singapore, Malaysia, Thái Lan, thậm chí Lào, Campuchia…, họ cũng bị tác động của khủng hoảng kinh tế, nhưng lại không bị lạm phát như ta, đấy là nhờ trí tuệ của họ.

Hay nói ở tầm vi mô, ngành dệt may của Việt Nam sẽ không thể vượt qua khó khăn và bứt phá lên được, nếu như không có trí tuệ để tìm ra được con đường thích hợp để phát triển. Với bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào cũng như vậy thôi.

Kinh tế nói nôm na là tạo ra hiệu quả nhất với một nguồn lực hạn hẹp. Nguồn lực hạn chế mà lại đầu tư dàn trải, nào sân bay, cảng biển, rồi hội hè đình đám…, thì làm sao có hiệu quả được?

Nếu vậy, có thể đánh giá thế nào về trí tuệ Việt Nam? Và làm sao có thể phát huy trí tuệ Việt Nam để có thể đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này, thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, thưa ông?

 Đúng là, trí tuệ Việt Nam được đánh giá cao, nhất là trong những giai đoạn cam go, thử thách. Nhưng chúng ta phải khiêm tốn, phải nhận chân giá trị của mình.

Trong giai đoạn khó khăn này, càng phải khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của mình. Những người đứng đầu, từ các đơn vị, doanh nghiệp cho đến các địa phương, rồi đất nước, phải nhận chân được tình hình, không quá bi quan, nhưng cũng đừng quá dễ dãi, rồi từ đó phát huy trí tuệ, sức mạnh dân tộc để tìm biện pháp thích hợp vượt qua thử thách. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây phải là cách của riêng Việt Nam. Như hồi Mỹ xâm lược Việt Nam, không phải là không có những lo lắng, nhưng chúng ta đã tìm ra cách bám vào lưng địch mà đánh. Cách sáng tạo lúc bấy giờ là thế.

Tình hình đang hết sức khó khăn. Chỉ có đồng lòng, đồng sức, đoàn kết, và tìm mọi cách để khoan sức dân, thì Việt Nam mới vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

 

baodautu.vn