Chi tiết bài viết

GIÁO DỤC TRONG 6 NĂM ĐẦU ĐỜI CỦA CON NGƯỜI

Sáu năm đầu đời của con người từ 0 tuổi (thai nhi) đến 6 tuổi là thời kỳ phát triển “vàng”. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy con trẻ nhạy cảm về ngôn ngữ, toán học, âm nhạc và nhạy cảm với vận động từ rất sớm. Nếu biết kích hoạt vào đúng thời điểm thì tất cả các tiềm năng của con trẻ sẽ phát lộ.

Giáo dục mầm non cùng với tiểu học, phổ thông cở sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học cấu thành nền giáo dục quốc gia. Trong đó, giáo dục mầm non là giai đoạn giáo dục giai đoạn đầu đời của con người, có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, đồng thời chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1 rồi sau đó bước vào đời...

Sáu năm đầu đời của con người là thời kỳ phát triển “vàng”. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy con trẻ nhận ra mẹ mình khoảng 1 tháng sau khi sinh; thời kỳ nhạy cảm về ngôn ngữ trước 2 tuổi, nhạy cảm với toán học trước 3 tuổi, nhạy cảm với âm nhạc trước 4 tuổi, nhạy cảm với vận động là 5 tuổi. Nếu biết kích hoạt vào đúng thời điểm thì tất cả các tiềm năng của con trẻ sẽ phát lộ.

Nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Bloom sau nhiều năm nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Nếu đến năm 17 tuổi trí tuệ của một con người có thể phát triển 100% thì vào năm 4 tuổi, trí tuệ của trẻ đã đạt 50%; đến năm 8 tuổi phát triển tới 80%; từ 8 tuổi đến 17 tuổi chỉ phát triển thêm tối đa 20%. Điều này cho thấy giáo dục càng muộn, tiềm năng não bộ của con người được phát huy càng ít.

Nhiều quốc gia đã vận dụng rất thành công điều này để vận dụng phát triển tiềm năng não bộ của trẻ, tạo nền móng cho các giai đoạn tiếp theo nhằm tạo ra những con người thông minh, giàu nghị lực, góp phần bồi dưỡng nhân tài, hiền tài, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển.

Ở Nhật Bản, có hơn 500 trường áp dụng phương pháp giáo dục sớm và giáo dục mầm non đã rất thành công. Tại Trung Quốc, nhằm đạt mục tiêu “biến gánh nặng về dân số trở thành nguồn tài nguyên vô tận” bằng phương pháp giáo dục mầm non từ 0-6 tuổi, bước đầu đã đạt được những kết quả. Ở Hoa Kỳ, từ năm 1979, người ta đã sáng lập ra “Trường Đại học Thai giáo” nhằm hỗ trợ thai nhi phát triển trí tuệ sau khi ra đời có khả năng học tập thuận lợi hơn. Trong khi đó, Singapore đặc biệt coi trọng giáo dục sớm từ gia đình là một trong những trọng tâm của đề án cải cách giáo dục hiện nay,…

Ở nước ta, nhiều người quan tâm đến giáo dục đại học, cao đẳng, phổ thông nhưng còn chưa quan tâm đầy đủ đến vị trí, vai trò giáo dục mầm non từ 0-6 tuổi, trong đó có giai đoạn "thai giáo" (thai giáo là ngành khoa học bao gồm 3 nội dung: thụ thai khi cơ thể trong trạng thái tốt nhất; dưỡng thai trong môi trường tốt nhất và giáo dục thai nhi tốt nhất).

Trong thời gian mang thai, các bà mẹ trẻ nếu biết chăm sóc thai nhi sẽ làm cho đại não của con trẻ sớm phát triển. Cho đến nay, các bà mẹ trẻ, gia đình, giáo viên và xã hội chưa nhận thức đầy đủ về giáo dục mầm non và giáo dục sớm, kiến thức khoa học chưa được cập nhật, thêm vào đó cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống còn khó khăn,… đã ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ. Mặt khác, một số ngành chức năng chưa ưu tiên tập trung các nguồn lực tối đa cho cấp học này. Do đó dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên mầm non cả về số lượng, chất lượng.

Ở các khu công nghiệp, các khu đô thị mới, nhà cao tầng đông dân cư và cả những vùng nông thôn, miền núi không có đủ trường mẫu giáo, nhà trẻ, người lao động phải gửi con ở các điểm gửi trẻ gia đình vốn chưa đạt chuẩn. Người giữ trẻ không được đào tạo, không có phương pháp sư phạm, chứa nhiều tiềm ẩn và nguy cơ xấu xảy ra, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nhiều nơi nhiều người sau khi sinh không có chỗ gửi con phải nghỉ việc hoặc gửi theo ngày, theo giờ, có người đưa về quê nhờ cậy mẹ già. Trong bối cảnh trường công lập rất ít, trường tư thục ngày càng phát triển, người lao động cũng rất khó gửi con theo mức học phí của các trường tư…

Vì vậy, để làm tốt công tác giáo dục mầm non và giáo dục sớm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh và cả xã hội cần tập trung vào các công việc sau:

Một là, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội, các ngành, các cấp, các đoàn thể ở trung ương, địa phương về sự nghiệp giáo dục con trẻ, huy động họ tham gia tích cực trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mầm non…

Hai là, Nhà nước, địa phương, các ngành chức năng rà soát, bổ sung vào quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, công lập, trên cơ sở đó đề ra lộ trình, xây dựng kế hoạch đầu tư trường lớp, trang thiết bị,… tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn và triển khai các giải pháp đồng bộ, tiến đến tất cả con trẻ được đào tạo ở các trường lớp mầm non, nhà trẻ,…

Ba là, ngoài đầu tư của Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa nhằm đa dạng các nguồn lực cho phát triển giáo dục mầm non nói chung và phổ cập cho trẻ 5 tuổi nói riêng. Huy động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức giáo dục của các nước tham gia đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng các trường lớp nhà trẻ, mầm non ở các khu công nghiệp, thành phố, nông thôn, miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn để tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục con trẻ, tạo ra nhiều mô hình tiên tiến nuôi dạy trẻ ở các trường công lập và tư nhân, gắn liền trường học với gia đình, giáo viên với phụ huynh để nhân rộng ra trong cả nước.

Bốn là, đổi mới và chuẩn hóa nội dung giáo dục mầm non, giáo dục sớm, có tham khảo chương trình giáo dục tiên tiến của thế giới và thực tiễn ở nước ta, từ đó biên soạn, phổ cập các giáo trình chăm sóc nuôi dạy trẻ phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực, hình thành nhân cách ở lứa tuổi từ 0-6 tuổi…

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, nhất là các cơ sở ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình theo đúng những quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục và an toàn cho trẻ,…

Sáu là, Nhà nước, địa phương và các ngành chức năng cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách toàn diện để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục sớm, đặc biệt là các chính sách đối với đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non, chính sách cho trẻ mầm non; tăng đầu tư ngân sách nhằm tạo bước đột phá trong giáo dục mầm non dưới 5 tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi vào 2015, từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tiến đến miễn học phí trước năm 2020 như Nghị quyết TW 8 khóa XI đã đề ra.

Bác Hồ kính yêu đã từng nói: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Trồng cây thường vào mùa xuân, cây cỏ sẽ đâm chồi nảy lộc; trồng người phải từ tuổi mầm non. Trồng người là tư tưởng có ý nghĩa to lớn của Bác Hồ, bởi đó là kế sách lâu bền để phát triển đất nước, để dân tộc ta sánh vai cùng với các nước tiên tiến trên hành tinh này.

TS. Hồ Văn Hoành

Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển

nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam

Bài đăng trên Báo điện tử Chính phủ ngày 26/8/2014.