Nói về thu hút nhân tài và sử dụng con người, không nơi đông sinh động bằng Hoa Kỳ - càng ngày chính sách nhập cư càng khắt khe, nhưng vì sao người khắp nơi trên thế giới vẫn khát khao đến Mỹ học tập?
Kinh nghiệm quốc tế
Đây là một trạng thái được ví như “hữu xạ tự nhiên hương” hay thường được gọi dưới khái niệm “giá trị Mỹ”, “tiêu chuẩn Mỹ” có sức hấp dẫn rất lớn. Nhưng để có được điều này, người Mỹ cũng bắt đầu bằng những bước đi rất nhỏ, rất cụ thể.
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên luật hóa chính sách thu hút tài năng. Từ đầu thế kỷ XX, Mỹ đã quan tâm tới việc phát hiện trẻ em năng khiếu bằng cách sử dụng bộ trắc nghiệm để đo chỉ số phát triển trí tuệ (IQ) của học sinh. Đến bậc phổ thông, trường học ở Mỹ tổ chức rất nhiều cuộc thi, qua đó lựa chọn những em có năng khiếu để có những hình thức giáo dục cho phù hợp.
Chính phủ Mỹ đã thành lập các trung tâm trưng cầu ý kiến để tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ cao và thực hiện tổ chức tuyển chọn rất nghiêm ngặt và tuyệt đối loại trừ các hành vi gian lận.
Với Hàn Quốc từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành hệ thống tuyển dụng mới, gọi là bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia nhằm đánh giá trình độ và kỹ năng cho từng công việc của trên 800 ngành nghề trong lĩnh vực công lập.
Singapore thực hiện giáo dục “đa ngôn ngữ” gồm có tiếng Anh, tiếng Hán, và phát động phong trào học tiếng Nhật, Đức, Pháp. Bởi theo triết lý giáo dục Singapore, ngôn ngữ là cánh cửa để tiếp thu tri thức tinh hoa nhân loại, bang giao với thế giới bên ngoài.
Giáo dục Singapore có sự phân cấp, phân luồng rõ rệt, đặc biệt giáo dục hướng nghiệp được đưa vào trường phổ thông, học sinh giỏi được dạy và học với chương trình đặc biệt.
Dưới thời ông Lý Quang Diệu, đảo quốc sư tử có hai chương trình đồ sộ: Chương trình nhân lực thế kỷ XXI và Chương trình nhân lực quốc tế.
Nhìn về Việt Nam
Nói không quá, nhìn một cách tổng thể, giáo dục và đào tạo quốc tế có gì, Việt Nam có cái đó. Nhưng đi vào tiểu tiết, cả hai mảng giáo dục và đào tạo ở nước ta vẫn chưa đủ sức tạo ra con người với tư cách là “công dân quốc tế”. Do đâu?
Điều này không vấp phải thứ gì quá lớn lao, mà trước hết là tư duy của người lớn. Ai cũng muốn con cái mình “lãnh đạo thiên hạ”, muốn làm thầy chứ không muốn làm thợ.
Kết quả là gì? Là hiện nay chúng ta thừa thầy, thiếu thợ, còn trên 200 nghìn cử nhân không có việc làm; nhân công Việt Nam hầu hết phải đào tạo lại khi được tuyển dụng. Hơn nữa, làm cái gọi là “thầy” ở Việt Nam cũng rất hiếm người tiệm cận với trình độ quốc tế.
Người Nhật có câu: “Nếu là thợ đánh giày, tôi sẽ là người đánh giày giỏi nhất thế giới”. Quả đúng, người thợ giỏi vẫn hơn thầy kém, có một nguyên tắc căn bản trong sử dụng nhân lực, đó là từ thợ sẽ sinh ra thầy, còn thầy không bao giờ muốn mình là thợ!
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho rằng: “Trong suốt thời gian dài khu vực đào tạo vẫn theo khung, ai có khả năng đến đâu thì đào tạo đến đó mà chưa chưa chú ý đến thị trường. Do đó, trình độ thực sự với bằng cấp vẫn có khoảng cách”.
Thảo luận tại diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ mối lo ngại về vấn đề mất cân đối trong cơ cấu đào tạo trình độ lao động. Cơ cấu trình độ lao động trong các ngành của nền kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay là 1 đại học - 1 cao đẳng - 1 công nhân kỹ thuật. Trong khi đó, các nước Châu Âu đào tạo 1 lao động có trình độ đại học thì có 3 người trình độ cao đẳng và 10 công nhân kỹ thuật. Các nước phát triển có cơ cấu trình độ lao động 1 đại học thì có 4 – 6 trình độ cao đẳng và khoảng 15-17 công nhân kỹ thuật.
200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm; 60% sinh viên ra trường làm trái ngành... là con số đáng báo động.
TRƯƠNG KHẮC TRÀ
Nguồn: enternews.vn