Chi tiết bài viết
FIDEL CASTRO: CÁI TÊN ĐÃ TRỞ THÀNH HUYỀN THOẠI
Có lẽ rất ít người trên thế giới đạt được niềm vinh quang ghi tên mình vào huyền thoại ngay khi đang sống. Fidel Castro là một trong số đó.
Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc. Fidel đã trở thành một người anh hùng, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới.
Sự ra đi của vị lãnh tụ lỗi lạc này không chỉ là "tổn thất to lớn" đối với nhân dân Cuba và Mỹ Latinh, mà còn là niềm tiếc thương cho toàn thể người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chỉ một con đường: Chủ nghĩa Cộng sản!
Fidel Castro sinh ngày 13-8-1926, tại Biran, một thị trấn nhỏ ở miền đông Cuba trong một gia đình làm nông giàu có. Khi học luật tại Đại học Havana, ông bắt đầu quan tâm đến chính trị. Ông tham gia đảng Chính thống chống tham nhũng và tranh cử vào Quốc hội Cuba năm 1952.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử không bao giờ xảy ra vì tướng Fulgencio Batista, người được Mỹ hậu thuẫn, đã đảo chính và lên nắm quyền vào tháng 3-1952, khiến hàng nghìn chính khách bị sát hại và dân chúng sống dưới sự đàn áp. Fidel Castro đã phát động phong trào chống lại Batista bằng biện pháp vũ trang.
Ông liên kết được hơn 200 người ủng hộ cách mạng trên toàn quốc và trở thành thủ lĩnh của họ. Năm 1953, ông Castro và các chiến hữu tấn công vào trại lính Moncada. Hơn 80 người hy sinh trong trận đánh, ông Castro bị bắt và bị kết án 15 năm tù. Cũng kể từ đó, tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba.
Năm 1955, để cải thiện hình ảnh, Batista đặc xá cho nhiều tù nhân chính trị, trong đó có ông Castro. Ông Castro sang Mexico lập nhóm vũ trang kháng chiến có tên Hai sáu tháng bảy và gặp Che Guevara, người khi đó là sinh viên y khoa đang tập sự tại Mexico City.
Năm 1956, ông Castro và 81 đồng đội đổ bộ vào bờ biển phía đông Cuba nhưng nhanh chóng bị lính của Batista bao vây. Sau trận đụng độ dữ dội, khoảng 18 người sống sót và chạy thoát, bao gồm ông Castro, em trai Raul Castro và ông Guevara. Họ rút vào vùng rừng núi Sierra Maestra ở đông nam đất nước để tổ chức kháng chiến, theo History.
Chủ tịch Fidel Castro. |
Nhóm kháng chiến được quần chúng ủng hộ và phát triển mạnh mẽ. Trong hai năm, họ áp dụng chiến thuật đánh du kích gây nhiều thiệt hại cho quân chính phủ. Đầu năm 1959, nhóm của Fidel Castro tiến vào La Havana, quân đội của Batista đào ngũ hàng loạt và hầu như không kháng cự. Ông Castro trở thành thủ tướng Cuba. Batista chạy trốn khỏi Cuba và sang tị nạn chính trị ở Mỹ.
Năm 1960, ông Castro quốc hữu hóa tất cả các công ty Mỹ tại Cuba, khiến Mỹ kết thúc mối quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh cấm vận thương mại với nước này. Tháng 4-1961, khoảng 1.400 người Cuba lưu vong được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn đổ bộ xuống gần Vịnh Con Lợn với mục đích lật đổ ông Castro. Tuy nhiên âm mưu này đã bị các lực lượng vũ trang Cuba phá tan, hơn 100 phần tử lưu vong bị tiêu diệt và các tay súng còn lại đều bị bắt.
Cuối năm 1961, ông Castro tuyên bố Cuba sẽ đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản. Cuối năm 1976, một hiến pháp Cuba mới được xây dựng với những thay đổi về cơ cấu chính quyền. Ông Castro được bầu vào vị trí Chủ tịch hội đồng nhà nước Cuba - chức vụ vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ Cuba. Chức vụ này được Quốc hội Cuba bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm, ông Castro đã đắc cử suốt 7 nhiệm kỳ và cầm quyền liên tục trong 32 năm cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2008.
Trong giai đoạn cầm quyền, ông Castro áp dụng chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp. Ông xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và rất quan tâm tới phúc lợi xã hội cho người dân, trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nhà ở. Nhân dân Cuba xem ông là một anh hùng, một huyền thoại đã thực hiện cuộc cách mạng và đấu tranh không mệt mỏi vì nền độc lập của đất nước Cuba.
Trên bình diện quốc tế, Castro đã trở thành một "anh hùng thế giới theo khuôn mẫu của Garibaldi" đối với mọi người trên khắp thế giới đang nỗ lực chống lại chủ nghĩa đế quốc. Ông đã được trao tặng rất nhiều giải thưởng và huân chương danh dự của các nước, và đã được xem là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng khác như Ahmed Ben Bella và Nelson Mandela, người sau đó trao tặng ông giải thưởng dân sự cao nhất của Nam Phi cho người nước ngoài, Huân chương Hảo Vọng.
Ngoài ra, Castro cũng được xem là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất nhất nửa sau thế kỷ XX, là biểu tượng của sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với nhân dân những xứ sở có đời sống kinh tế thấp hoặc là bị chính quyền trấn áp trên thế giới. Chính phủ Castro đóng vai trò không nhỏ trong cuộc giải phóng người da đen Nam Phi khỏi chế độ Apartheid nói riêng cũng như những cuộc đấu tranh đòi độc lập diễn ra tại các quốc gia châu Phi thời bấy giờ nói chung.
Chiến sĩ cộng sản kiên trung
Nổi bật, lôi cuốn qua những tư tưởng và hành động cách mạng, trở thành huyền thoại và bất tử với những đóng góp cho sự tiến bộ của con người tại Cuba và trên thế giới, Fidel - như cách gọi thân mật mà toàn thể nhân dân Cuba và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho ông - đứng trong hàng ngũ ít ỏi những vĩ nhân thế giới đã cải biến tiến trình lịch sử và "cùng với mọi người và vì quyền lợi của mọi người" biến thành hiện thực giấc mơ, khát vọng của cả một dân tộc về tự do, phẩm giá, bình đẳng và quyền tự quyết vận mệnh của chính mình.
Chủ tịch Fidel Castro. |
Tổng Tư lệnh của Cách mạng Cuba đã ra đi một cách tự nhiên và yên bình sau một sự nghiệp đồ sộ và sáng chói, bất chấp hơn 600 âm mưu ám sát của những kẻ thù dai dẳng nhắm vào ông, để lại một đất nước Cuba là tấm gương trên thế giới về một hệ thống chính trị - xã hội đầy nhân văn và bình đẳng; về tinh thần cách mạng quật cường trong bảo vệ độc lập, tự chủ dân tộc; về chủ nghĩa quốc tế vô tư, trong sáng và tấm lòng hào hiệp với bè bạn bất chấp không ít khó khăn, thiếu thốn của riêng mình.
Dưới sự dẫn dắt của ông, một dân tộc Cuba nhỏ bé về tầm vóc kinh tế - địa lý đã phát huy được những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình thành chính sách nhất quán của Nhà nước cách mạng để trở thành ngọn hải đăng cho các phong trào tiến bộ tại Mỹ Latinh cũng như trên thế giới.
Thật khó để nói, dù chỉ là tóm tắt, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Fidel: đó là sự giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức; là quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; là quyết tâm biến giấc mơ chính đáng của con người thành hiện thực; là chủ nghĩa Mácxít Mỹ Latinh; là tinh thần quốc tế chủ nghĩa và đấu tranh vì lợi ích của toàn nhân loại; là việc đưa giáo dục, y tế, thể thao và văn hóa thành những yếu tố trọng tâm trong phát triển con người và xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng; là đề cao các giá trị nhân văn và đạo đức cách mạng trong quá trình hình thành con người trong xã hội mới... Các học giả sẽ còn phải dành nhiều năm nữa để tiếp tục nghiên cứu và đúc rút các bài học từ những di sản cả về lý thuyết lẫn thực tiễn của ông.
Khối lượng tác phẩm đồ sộ cả trong và ngoài nước nói về Fidel mang đủ mọi thể loại, đề tài, hình thức và sắc thái, từ tư tưởng cách mạng, tầm nhìn vĩ mô vượt thời đại, chủ nghĩa anh hùng, trí tuệ sắc sảo, uyên thâm cho tới những giai thoại thể hiện sự gần gũi, bình dị, sẵn sàng sẻ chia với mọi tầng lớp nhân dân hay tấm lòng bao dung, luôn bảo vệ những người yếu thế.
Kẻ thù bôi nhọ ông chính vì nỗi sợ hãi sâu sắc trước sức truyền cảm mãnh liệt của người chiến sĩ cộng sản ấy; còn các dân tộc tự do trên thế giới công nhận và tôn vinh ông trong vai trò lãnh tụ cách mạng, người đã theo đuổi hoài bão cao đẹp nhưng cũng đầy hiểm nguy về công bằng xã hội và những quyền lợi chính đáng của mỗi con người và cả dân tộc; bằng niềm tin, trí tuệ và nhận thức cách mạng của mình thách thức không chỉ các thế lực mạnh mẽ gấp nhiều lần về vật chất mà cả các thành lũy tư tưởng tư bản chủ nghĩa đã ăn sâu vào xã hội Cuba cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác.
Đó là người có khả năng làm rung động hàng triệu con tim ngay buổi đầu cách mạng với bài hùng biện tự bào chữa trước tòa án của chế độ độc tài thân Mỹ với lời kết luận đanh thép "lịch sử sẽ xóa án cho tôi", sau thất bại trong cuộc tấn công táo bạo vào Trại lính Moncada ngày 26-7-1953.
Người bạn vĩ đại của nhân dân Việt Nam
"Quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế" và "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" là những câu nói bất hủ của lãnh tụ Fidel Castro luôn khắc sâu trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
Đối với người dân Việt Nam, từ hàng chục năm qua, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho vị lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castro, Cuba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam.
Cuba cũng là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12-1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9-1963), là nước đầu tiên và duy nhất thành lập Đại sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7-1967).
Những năm đó, tình hình Cuba khó khăn, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, nhưng trong một cuộc míttinh quần chúng với sự tham gia của hàng chục vạn người tại thủ đô La Habana, lãnh tụ Fidel Castro đã nói: "Đáng tiếc là chúng ta - những người Cuba - không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam". Lãnh tụ Fidel Castro luôn khẳng định: "Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối".
Tháng 9-1973, Fidel Castro là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sĩ và nhân dân Việt Nam nguồn động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thể hiện tình cảm đặc biệt của ông và nhân dân Cuba đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục màu xanh ôliu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là nguồn cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sĩ Việt Nam lúc đó.
Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, câu nói "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" đã làm rung động biết bao trái tim nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam cũng như hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Càng quý hơn khi lúc đó đất nước Cuba đang chịu sự cấm vận, cũng khó khăn, nhưng vẫn sẵn lòng giúp Việt Nam vô điều kiện với một tình cảm anh em ruột thịt. Lãnh tụ Fidel Castro và nhân dân Cuba đã xem cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam như cuộc kháng chiến của chính mình.
Tháng 12-1995 và tháng 2-2003, lãnh tụ Fidel Castro có chuyến thăm thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong các chuyến thăm này, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam-Cuba tiếp tục ghi thêm nhiều mốc son mới. Qua các chuyến thăm, Chủ tịch Fidel Castro luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.
Dù ở cách xa nửa vòng trái đất, nhưng những tình cảm trân quý ấy, sự gắn bó thủy chung của lãnh tụ Fidel Castro đối với cách mạng Việt Nam sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ người dân Việt Nam. Ông mãi mãi là người bạn lớn, người bạn vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
Fidel là như vậy, luôn biết cách đi thẳng vào lịch sử và vào trái tim mỗi người. Dù đã ra đi, song vị Tổng tư lệnh kính yêu, lãnh tụ lịch sử và chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy sẽ sống mãi trong lịch sử nhân loại cũng như trong trái tim của những người yêu chuộng hòa bình, công bằng và tiến bộ tại Cuba, Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Bảo Trân (tổng hợp)
Theo antg.cand.com.vn
MỘT SỐ HÌNH ẢNH FIDEL CASTRO VỚI CÁC LÃNH ĐẠO VIỆT NAM
Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng với các anh hùng quân giải phóng miền Nam tại Quảng Trị, năm 1973. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng lãnh tụ Cuba Fidel Castro huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ,” nhân chuyến thăm của ông đến Việt Nam, tháng 9/1973. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh của Đại tướng ở Hà Nội, năm 2003. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm ông Fidel Castro - vị lãnh tụ của Cách mạng và nhân dân Cuba, năm 2012. Ảnh: TTXVN
Fidel Castro với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tháng 3/2014. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, tháng 11/2016. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo vietnamnet.vn