Chi tiết bài viết
Đừng để Việt Nam trở thành quốc gia… say xỉn
Đàn ông Việt Nam uống rượu nhiều nhất thế giới. Đây là mối nguy hại, đe dọa đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, trật tự an ninh xã hội.
Thêm một lần nữa, nội dung này lại được cảnh báo tại Hội thảo chia sẻ về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 26/9.
Đàn ông Việt uống rượu nhiều nhất thế giới
Kết quả điều tra diện rộng về thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng thực hiện được công bố sáng 26/9 cho thấy, lượng người sử dụng rượu bia, bệnh tật và tai nạn liên quan đến rượu, bia… đều gia tăng chóng mặt theo đường thẳng đứng. So sánh giữa năm 2010 và 2015 đã thấy lượng người sử dụng bia, rượu ở mức độ có hại tăng mạnh. Tỷ lệ nam giới dùng bia, rượu ở mức độ có hại năm 2010 là 25% thì đến năm 2015 lên tới trên 44%. Năm 2010, người Việt tiêu thụ trên 2,4 tỷ lít bia thì đến năm 2015 đã là 3,4 tỷ lít. Hiện, Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới về lượng rượu, bia được sử dụng. Tuy nhiên, nếu tính riêng về tỷ lệ nam giới sử dụng bia, rượu thì Việt Nam đang đứng đầu tỷ lệ bình quân của khu vực và cả thế giới, với khoảng 77%.
|
Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống do người dân tự nấu. Một thực tế rất đáng báo động là việc sử dụng rượu, bia ở lứa tuổi trẻ ngày càng trẻ hơn, đối với tuổi từ 50 - 60 gần như sử dụng hàng ngày.
Bác sĩ Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Không có quốc gia nào sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại cao như Việt Nam. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu, bia ở nước ta ngày càng gia tăng”. Cũng theo bác sĩ Bảo, việc sử dụng rượu sẽ gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, khoảng 200 loại bệnh tật như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tâm thần... có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu, bia.
Hậu quả khủng khiếp
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện có 44,2% số người sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại cho sức khỏe, và 45% số người sử dụng rượu bia lái xe trong vòng 2 giờ đồng hồ sau uống. Đây chính là nguyên nhân gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Phương Nam - đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra câu hỏi nhức nhối rằng, Việt Nam là “quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn”?. Bởi hậu quả của việc sử dụng rượu, bia không chỉ ảnh hưởng đến chính người tiêu dùng, gia tăng gánh nặng bệnh tật mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội, gây ra TNGT, đẩy lùi tăng trưởng kinh tế, tăng bạo lực gia đình…
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Lý Trần Tình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Những năm gần đây, mỗi năm Bệnh viện điều trị cho 450 - 500 người nghiện rượu, trong khi khoảng 10 năm trước thì chỉ vài chục bệnh nhân mỗi năm. Có những bệnh nhân nghiện rượu mới 15 tuổi. Nếu không hạn chế được rượu bia, chúng ta không thể phát triển được”. Cũng theo bác sĩ Tình, các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít. Thường gặp và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác, nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại…
Bác sĩ Tình cho rằng, không đâu như Việt Nam, nếu tìm thư viện, nhà vệ sinh công cộng thì khó, nhưng quán nhậu lại mọc lên khắp nơi. Còn ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng không kém phần bức xúc khi cho biết, tại một hội thảo về vấn đề tác hại của rượu, bia được tổ chức mới đây ở nước ngoài, không ít chuyên gia nước bạn phải “sởn da gà” sau khi nghe một báo cáo về tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam và những hậu quả do rượu, bia gây ra.
Trong khi tình hình "say xỉn", loạn thần của nam giới ngày càng nghiêm trọng thì Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia dự kiến phải tháng 5/2018 mới được đệ trình Quốc hội, chậm hơn nhiều lần so với các dự kiến trước đây.
Sẽ cấm bán rượu, bia sau 22 giờ
Tại Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia tiếp tục đưa ra quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ. Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, hiện có tới gần 70 nước triển khai áp dụng cấm bán rượu, bia sau 22 giờ rất hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đồng tình với quy định này và cho rằng, đây có thể là “điều mới” ở Việt Nam nhưng với thế giới, các nước đã thực hiện từ rất lâu. “Có nhiều điều khoản, nếu chúng ta không thực hiện quyết liệt thì sẽ không thành công, và tốc độ gia tăng việc sử dụng rượu bia ở nước ta sẽ ngày một nghiêm trọng hơn” - ông Long nhấn mạnh.
Theo kinhtedothi.vn