Chi tiết bài viết
Đồng hợp Malik đã đến Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng ngày 26 tháng 4, Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược đã phối hợp với Sở nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị: “Ứng dụng Công nghệ Đồng hợp Malik trong Khu vực công”.
Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế của cả nước đang gặp những thách thức chưa từng có trong năm 2023: Quý 1 năm 2023, GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) chỉ đạt 0,7%, giải ngân đầu tư công chỉ đạt khoảng 3%, các chỉ số PCI, PAPI sụt giảm, hạ tầng giao thông đô thị quá tải và xuống cấp, thu hút đầu tư nước ngoài chưa xứng tầm… Việc giải quyết những thách thức có tính phức hợp và liên quan đến nhiều lĩnh vực và các đơn vị này đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới, chưa có tiền lệ.
Lãnh đạo thành phố nhận thấy, ngoài việc đề xuất với Trung ương những cơ chế đặc thù cho Thành phố, thì việc phát huy sức mạnh từ nội tại của hệ thống quản lý cũng cần được chú trọng. Với cách tiếp cận đó, Lãnh đạo Thành phố đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) tổ chức Hội nghị “Ứng dụng Công nghệ Đồng hợp Malik trong Khu vực công” với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc.
Đồng hợp Malik (Thụy Sỹ) là một công nghệ quản lý thông minh, tiên tiến bậc nhất thế giới, giúp tìm ra giải pháp tối ưu cho những vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến toàn bộ hệ thống trong một thời gian rất ngắn, chỉ từ 2 đến 3 ngày. Đồng hợp Malik đã được ứng dụng thành công hàng nghìn lần trên thế giới, trong đó có nhiều tổ chức thuộc khu vực công như: Thành phố St. Veit (Áo), Tổng cục đường sắt Áo, Thành phố Fufth (Đức), Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức, Bệnh viện Đại học Freiburg (Đức), Thành phố Zurich (Thụy Sỹ), Bộ Y tế và Môi trường Thụy Sỹ, Chính quyền Weifang (Trung Quốc)…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của SLEADER giới thiệu về cách thức ứng dụng công nghệ Đồng hợp để giải quyết những vấn đề ưu tiên, phức tạp có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và liên quan đến nhiều sở, ban, ngành, quận, huyện của Thành phố như: Giao thông đô thị, Đền bù giải phóng mặt bằng, Giải ngân đầu tư công, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Môi trường đô thị, Xây dựng đô thị thông minh, Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Nâng cao chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và nhiều thách thức khác.
Đồng thời, các đại biểu cũng đã đặt ra các câu hỏi và thảo luận về những điều kiện để ứng dụng công nghệ Đồng hợp. Phát biểu tại Hội nghị, TS. Dương Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược bày tỏ: “Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và những công nghệ tiên tiến được Viện Malik Thụy Sỹ chuyển giao, Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) mong muốn và sẵn sàng đồng hành với Thành phố giải quyết những vấn đề ưu tiên ngay trong năm 2023. Hy vọng, với truyền thống “tiên phong đổi mới”, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đơn vị đầu tiên trong khu vực công ứng dụng công nghệ Đồng hợp, từ đó lan tỏa đến các địa phương khác trong cả nước, góp phần phục hồi kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng”.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh về tính đột phá của công nghệ Đồng hợp đối với việc tìm ra các giải pháp cho những thách thức lớn của Thành phố. Ông cũng đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) đề xuất Đề án ứng dụng thí điểm công nghệ Đồng hợp cho một vấn đề phức tạp, có tính liên quan đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm và có thể triển khai trên diện rộng.
Tin bài và ảnh: Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER)