Chi tiết bài viết
Đồng hợp Malik – công nghệ quản trị vượt trội trong cuộc Đại chuyển đổi của thế kỷ 21
2 đơn vị thuộc PVN là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) ứng dụng Công nghệ Đồng hợp Malik trong xây dựng chiến lược 2024, đạt được những kết quả vượt trên cả kỳ vọng.
Đồng hợp được phát minh từ nhu cầu quản lý hiệu quả
Trong một cuộc khảo sát gần đây với lãnh đạo của các công ty về “Sự chuyển đổi vĩ đại của thế kỉ 21”, họ đều nhận định rằng các phương pháp truyền thống không còn hiệu quả trong việc đưa ra quyết định để đón đầu thách thức (Malik, 2017). Trong thế giới đầy phức hợp với sự liên kết chặt chẽ toàn cầu, các phương pháp truyền thống bao gồm làm việc nhóm, workshop, hội thảo, hội nghị cấp cao sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể và nhanh chóng cho tổ chức.
Các hình thức này với hạn chế về việc chia sẻ thông tin và khai thác trí tuệ số đông sẽ không thể giúp các tổ chức phá vỡ tình trạng “silo” và có những giải pháp đột phá trong thời gian ngắn. Vì vậy, cần có một phương pháp mới để đối mặt với những thách thức mới, đó là Đồng hợp.
Đồng hợp theo nghĩa thông thường là đồng tâm hợp lực để làm một công việc mà sức một người hoặc ít người không làm được. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khi mà có quá nhiều công việc khó khăn, phức tạp luôn xuất hiện và thách thức tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia và cả toàn thế giới thì đồng tâm hiệp lực là không đủ. Chính vì vậy, Giáo sư Fredmund Malik đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm và thực hành để từ đó, phát kiến ra một công nghệ cho phép đồng tâm hợp trí (Syntegration®) của nhiều người cùng lúc để đưa ra các giải pháp sáng tạo, khả thi một cách nhanh nhất, vượt lên mọi phương pháp thông thường nhờ tính hiệu quả. Công nghệ này đã được mang tên Ông và đăng ký sở hữu trí tuệ ở châu Âu và trên toàn thế giới. ĐỒNG HỢP MALIK là công nghệ độc quyền của Viện Malik, Thụy Sỹ, cho phép đồng bộ và tích hợp trí tuệ và cảm xúc cùng lúc của nhiều người nhằm giải quyết mọi vấn đề của tổ chức một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Ngay khi được ứng dụng vào thực tiễn, Đồng hợp Malik được ví như là phát minh quản lý tương đương với việc phát minh ra điện thoại thông minh trong lĩnh vực viễn thông. Nhờ việc ứng dụng của nhiều lĩnh vực khoa học (Điều khiển học, tâm lý học và sinh học), Đồng hợp đã vượt lên trên các công cụ thông thường trong quản trị doanh nghiệp, tổ chức và đã được thử nghiệm và kiểm chứng bằng hàng nghìn lần ở các tổ chức thuộc mọi lĩnh vực của xã hội và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc…
Ứng dụng Đồng hợp ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dầu khí ứng dụng Đồng hợp Malik để tìm bộ giải pháp đồng bộ nhằm thích ứng với môi trường VUCA trong thế kỷ 21. PVCFC đã lựa chọn công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới này để điều chỉnh và hoàn thiện Chiến lược phát triển đến 2035, tầm nhìn 2045 trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, ảnh hưởng mạnh của xung đột địa chính trị, của biến đổi khí hậu, các chính sách giảm phát thải và sự dịch chuyển mạnh về năng lượng và công nghệ.
PVCFC đã lựa chọn đội ngũ cán bộ chủ chốt để phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) tổ chức hội nghị Đồng hợp rất hiệu quả. Từ đó, đã đồng thuận cao và lựa chọn được 6 mũi chiến lược trọng yếu, dài hạn (bổ sung thêm 3 mũi chiến lược mới so với chiến lược đang triển khai ở giai đoạn 2021-2025). Như lời ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau chia sẻ: “Đồng hợp Malik lần đầu tiên thử nghiệm với PVCFC, nhưng bằng việc khai thác tối đa trí tuệ tập thể và sự thống nhất một cách dân chủ trong toàn hệ thống, PVCFC có thể tiếp tục ứng dụng Đồng hợp cho những vấn đề lớn khác của Công ty trong tương lai”.
Sau Hội nghị Đồng hợp, PVCFC đã hoàn thiện, cập nhật chiến lược tổng thể 2025 – 2035 định hướng 2045, xây dựng các biện pháp và lộ trình cụ thể để triển khai một cách vững chắc, bước tiếp bước các mũi chiến lược. Đến thời điểm hiện tại, PVCFC đã có những bước triển khai khá chắc chắn như: Đầu tư sản xuất các loại khí công nghiệp và hoá chất dựa trên nền tảng công nghệ hiện có; Đầu tư hệ thống kho bãi tại thị trường mục tiêu, thực hiện M&A Nhà máy NPK công suất 360 nghìn tấn/năm bằng việc ký kết thoả thuận với tập đoàn TKG Taekwang & Huchemes (Hàn Quốc) về việc chấp thuận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt (KVF).
Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thứ hai, sau PVCFC, ứng dụng Đồng hợp Malik để tìm ra bộ giải pháp trong lĩnh vực đầu tư một cách có hệ thống, khả thi và sát thực tiễn. Với vị thế quan trọng trong Tập đoàn và đứng thứ 4 trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chủ động triển khai chiến lược đầu tư – một trong 10 nhóm giải pháp đột phá của Tập đoàn Dầu khí xác định trong chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn 2045.
Nhằm sớm chủ động chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2024 và các năm tiếp theo với môi trường kinh doanh trong nước và thế giới đang có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực lọc hóa dầu, Ban Lãnh đạo BSR quyết định lựa chọn các phương pháp mới nhất để tìm ra các giải pháp mang tính đột phá, thậm chí là chưa hề có tiền lệ. Vì vậy, hội thảo: “Triển khai kế hoạch đầu tư năm 2024” đã được tổ chức trong hai ngày liên tục với việc ứng dụng công nghệ Đồng hợp – một phát minh độc quyền của Viện Malik Thụy Sỹ chuyển giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER).
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội – Chủ tịch HĐQT BSR khẳng định: “SLEADER là đơn vị tư vấn uy tín, được đánh giá là tổ chức tư vấn chuyên sâu về xây dựng chiến lược và quản trị doanh nghiệp, am hiểu về môi trường, văn hoá kinh doanh của Việt Nam, kết hợp với công cụ quản trị hiện đại. Vì vậy, BSR mong muốn SLEADER sẽ cùng với đội ngũ của BSR đưa ra được những giải pháp mới, thúc đẩy triển khai công tác đầu tư, hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư năm 2024. BSR mong muốn sẽ có được bước đột phá trên nền tảng mới mẻ với những kế hoạch mà chúng ta chưa thực hiện được. Những người tham dự hội thảo sẽ cùng các chuyên gia tư vấn kiến tạo những bước phát triển mới, tiến bộ hơn, có nhận thức tốt hơn, đạt năng suất, hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Sau 2 ngày tương tác liên tục và đồng thời, hội thảo Đồng hợp của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đạt được các kết quả vô cùng ấn tượng: gần 30 cuộc thảo luận lớn nhỏ, kiến tạo hơn 440 ý tưởng và tìm ra 32 giải pháp đột phá, thực tiễn, khả thi. Các giải pháp xoay quanh 6 chủ đề chính: Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đầu tư; Xây dựng danh mục và kế hoạch đầu tư khả thi; Tăng tương tác và phối hợp trong công tác đầu tư; Đào tạo chuyên sâu cho nhân sự đầu tư; Đảm bảo an toàn về pháp lý và tạo môi trường khuyến khích, động viên nhân sự trong đầu tư; Đảm bảo tiến độ Dự án NCMR NMLD Dung Quất năm 2024.
Như vậy, có thể thấy rằng, song song với việc tiên phong trong đổi mới sáng tạo về công nghệ, kỹ thuật của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, việc chủ động ứng dụng các công nghệ mới về quản lý sẽ là hai trụ cột vững chắc để tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu trở thành Tập đoàn năng lượng và công nghệ hàng đầu của quốc gia, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành dầu khí.
Một số hình ảnh:
Trao thưởng các nhóm có ý tưởng xuất sắc trong Đồng hợp
Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (sleader.vn)