Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 đã được tổ chức vào các ngày 22, 23 và 24-6 theo đúng phương án thi Bộ GD-ĐT đã công bố vào tháng 9-2016.
Một số điểm nổi bật của kỳ thi là: Tổ chức một loại cụm thi với 2 mục đích ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở GD-ĐT chủ trì cụm thi, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tham gia phối hợp thực hiện công tác tổ chức; tổ chức thi theo bài và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan hầu hết các bài thi; thời gian thi được rút ngắn; thí sinh trong cùng một phòng thi trắc nghiệm có một mã đề thi riêng; câu hỏi thi bao quát chương trình lớp 12; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác coi thi.
Thống kê dữ liệu năm nay cho thấy, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học xã hội tăng cao, chiếm hơn 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; đặc biệt có 514.084 (59,32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử (từ năm 2016 trở về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử). Tỷ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt hơn 99%. Nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi). Do cán bộ coi thi đã được các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ tập huấn kỹ trước khi tham gia làm nhiệm vụ nên những sai sót trong quá trình coi thi đã giảm đi nhiều so với những năm trước. Cả đợt thi chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.
Việc đổi mới cách thức tổ chức và phương thức thi cùng với sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả giữa Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ đã đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi, tạo được niềm tin của xã hội về tính công bằng của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh. Việc thí sinh chọn bài thi KHXH cao hơn bài thi KHTN là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, học tủ, dạy tủ hay cắt xén chương trình; làm cho các môn Khoa học xã hội trở nên gần gũi hơn đối với thí sinh, được thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi.
Tại họp báo, các phóng viên cũng đặt ra những câu hỏi cho Bộ GD-ĐT xung quanh các vấn đề như: Mã đề thi được thí sinh cũng như nhiều giáo viên đánh giá có độ khó vênh nhau; độ tin cậy của kỳ thi...
Trả lời về vấn đề xây dựng các mã đề thi, Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, trước đây, Bộ GD-DT chưa bao giờ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo quy trình chuẩn hóa như các kỳ thi quốc tế. Để xây dựng mã đề thi cho kỳ thi năm nay, Bộ chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa. Khi xây dựng đề thi chuẩn hóa, tất cả đề thi này được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. Bộ chọn mẫu 5 tỉnh với 20.000 học sinh lớp 12 để thí nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó giữa các đề thi. Với các đề thi trắc nghiệm khách quan thì có 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc nhưng trong quy chế không có 4 đề gốc chỉ quy định mỗi thí sinh có 24 mã đề và mỗi phòng không quá 24 thí sinh. Mã đề thi hình thành đảo theo khối với 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Sẽ có cụm câu hỏi có độ khó tương đương nhau về mặt cấp độ. Cấp độ 4 nằm ở phía cuối đề thi.
Ông Sái Công Hồng cũng cho rằng, việc ra đề thi theo quy trình chuẩn hóa được thực hiện năm đầu tiên có thể chưa tròn trịa, các năm sau sẽ tiếp tục khắc phục, nhưng vẫn hướng đến mục đích công bằng, nhẹ nhàng hơn cho thí sinh.
Về vấn đề độ tin cậy của kỳ thi khi nhiều nhà báo đặt câu hỏi, liệu con số 72 thí sinh bị đình chỉ thi có phản ánh đúng thực trạng tại các điểm thi hay không, ông Sái Công Hồng cho rằng, với 24 mã đề, thời gian rất ngắn như vậy thì khó trao đổi với nhau để "10 điểm môn Lý mà 0 điểm môn Toán". Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định: “Qua đợt kiểm tra mà cá nhân tôi cùng đoàn của Bộ đi trực tiếp và trao đổi với nhiều đồng nghiệp thì đánh giá đây là kỳ thi yên ả. Về độ tin cậy của kỳ thi, chúng ta có giải pháp kỹ thuật là đề thi trắc nghiệm và mỗi đề có nhiều mã khác nhau. Cán bộ ĐH giám sát. Các cán bộ coi thi đều nói rằng kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ít có hiện tượng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Việc thí sinh bị kỷ luật ít đã phản ánh đúng thực tế”.
Với những kết quả đạt được từ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.
Tin, ảnh: MINH ANH - BĂNG CHÂU
Nguồn: qdnd.vn