Chi tiết bài viết
Đổi mới nền giáo dục Việt Nam: Làm gì và làm thế nào? Bài 1: Giáo dục Việt Nam đang ở đâu?
Cuối tuần qua, Liên hiệp Các hội KHKT Hà Nội cũng đã tổ chức hội thảo khoa học với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà. Những người luôn canh cánh với sự nghiệp trồng người đã đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng trong những năm sắp tới…
Giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng, nhưng đang ở đâu? Đi ngang hay thụt lùi, lạc hậu hay lạc hướng? Đây chính là câu hỏi cần phải trả lời thấu đáo trước khi tìm câu trả lời đổi mới căn bản là thế nào, nhằm mục tiêu gì. Đây là đề nghị mà các nhân sĩ, trí thức đặt ra cho ngành GD-ĐT và đó cũng chính là đòi hỏi của nhân dân.
Giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng, nhưng đang ở đâu? Đi ngang hay thụt lùi, lạc hậu hay lạc hướng? Đây chính là câu hỏi cần phải trả lời thấu đáo trước khi tìm câu trả lời đổi mới căn bản là thế nào, nhằm mục tiêu gì. Đây là đề nghị mà các nhân sĩ, trí thức đặt ra cho ngành GD-ĐT và đó cũng chính là đòi hỏi của nhân dân.
Đổi mới giáo dục phải ở tất cả các cấp học. Ảnh: Linh Tâm |
"Bắt bệnh" giáo dục
Không phải đến hội thảo "Trí thức Thủ đô với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012-2020" này, các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín và tâm huyết với sự nghiệp trồng người mới "bắt bệnh" giáo dục (GD) một cách thẳng thắn. Trong 15 năm qua, nhiều cuộc "hội chẩn" đã được cá nhân và tập thể các nhà khoa học và nhân sĩ trong và ngoài nước thực hiện, có thể kể đến như kiến nghị của 40 nhà khoa học đầu ngành của Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam (vào các năm 1996, 2000, 2005); kiến nghị của 24 GS và nhà KH trong và ngoài nước do GS Hoàng Tụy chủ biên (2004); kiến nghị của Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam (2005), kiến nghị của nhóm trí thức người Việt ở nước ngoài (2007); kiến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài KH cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ nhiệm (2008); kiến nghị của Viện IDS (2009); riêng mảng cơ cấu hệ thống GD nói chung và Hệ thống trường dạy nghề nói riêng có kiến nghị của TS Đặng Danh Ánh, nguyên Ủy viên Thư ký Ủy ban CCGD TƯ (2011). Mặc dù đánh giá thành tựu mà GD đạt được trong nhiều thập kỷ qua là không nhỏ nhưng những căn bệnh trong "cơ thể" GD đều được các nhà khoa học cho là nan y.
Tại hội thảo lần này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình một lần nữa bày tỏ sự sốt ruột với cách làm GD hiện nay: GD lẽ ra phải đi trước nhưng hiện không những không đi ngang mà còn đi sau. GS Hoàng Tụy cho biết đã 2 lần gửi kiến nghị và gần đây nhất ông đã gửi tới Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo Trung ương Đề cương cải cách GD. Người từng nói rằng, "GD xin cho tôi nói thẳng", một lần nữa thẳng thắn nhận định: "GD đang bị khủng hoảng trầm trọng. GD của ta không chỉ lạc hậu (điều đó ai cũng biết) mà nguy hiểm hơn là nó đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh". GS Phạm Minh Hạc, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thì xếp việc GD đang đứng cuối bảng, chứ không đi trước một bước, coi là "hạ tầng" mà toàn "hớt ngọn"... là thách thức lớn nhất hiện nay. Còn GS-TS Hoàng Xuân Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì vẽ một bức tranh GD: Hệ thống phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm, hệ đại học với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học ở trường và ở lớp học thêm, đến mùa thi thì "đi" thầy cô để có bảng điểm tốt và một danh sách khá dài những gia đình chán ngán với giáo dục của nước mình đã bằng mọi giá cho con ra nước ngoài học.
Một giờ học tại Trường THCS Lê Quý Đôn.Ảnh: Linh Tâm |
Cần một cuộc tổng điều tra?
"Các ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học đều có luận cứ rõ ràng và có sức thuyết phục, nhưng đều chỉ có giá trị tham khảo chứ chưa hẳn là giá trị thực tiễn có thể áp dụng ngay được" - đó là ý kiến của GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN. Theo ông, sở dĩ có nhiều đánh giá khác nhau về thực trạng GD hiện nay là vì chưa có một cuộc tổng điều tra GD ở quy mô quốc gia để có các dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy nên mọi đánh giá thực trạng chỉ là phiến diện và chủ quan. Vì thế GS Chu Hảo kiến nghị, để đi đến đồng thuận xã hội và nhất trí trong các cấp lãnh đạo về thực trạng GD phải tiến hành một cuộc tổng điều tra với các phương pháp và công cụ hiện đại. Việc này rất tốn công, tốn của, tốn thời gian... nhưng có thế mới có được các dữ liệu khách quan trong một bức tranh toàn cảnh chân thực, chứ không thể chỉ căn cứ vào các bản báo cáo chính thức của ngành GD và các kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học ở từng mảng vấn đề hẹp. "Trên cơ sở kết quả của cuộc tổng điều tra này chúng ta mới có thể biết thực sự nền GD của chúng ta yếu kém nhất ở những khâu nào và yếu kém đến mức độ nào để đề xuất phương án cải cách. Thiếu kết quả của một cuộc tổng điều tra như thế mọi kiến nghị cải cách GD chỉ mang tính gợi ý chứ không thể là các chương trình hành động khả thi", GS Chu Hảo nhấn mạnh. Cùng chung suy nghĩ này, GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu cũng cho rằng, cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện, khoa học với quy mô thích hợp.
Đánh giá thực trạng bằng cách nào, có cần một cuộc tổng điều tra như một số nhà khoa học đề xuất hay không, có thể còn có những ý kiến khác nhau, song một điều ai nấy đều thống nhất là phải đánh giá cho đúng thực trạng, không thể nhận định một cách chủ quan và khá lạc quan như cơ quan quản lý ngành. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhận xét rằng, văn bản gần đây nhất của Bộ GD-ĐT đã đánh giá rõ hơn thực trạng nhưng chưa thấy được sự nghiêm trọng của tình hình GD hiện nay. Không rõ GD đang ở đâu có lẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến cho mọi cố gắng đổi mới trở nên vụn vặt, chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, cải tiến thành cải lùi, đổi đi rồi đổi lại tốn kém tiền của và công sức mà kết quả, nền giáo dục vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng, chưa thấy lối ra.