Chi tiết bài viết
Đổi mới nền giáo dục Việt Nam: Làm gì và làm thế nào? Bài cuối: Có tâm, có tầm và lòng dũng cảm
Cần thành lập một ủy ban độc lập Gọi là cải cách hay đổi mới có lẽ không cần bàn cãi nữa bởi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ việc cần phải làm đối với nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới là " Đổi mới căn bản và toàn diện". Song nội hàm của cụm từ ấy vẫn đang là điều "chín người, mười ý". Dẫu vậy, cách thức để làm rõ những khái niệm này lại thống nhất: cần phải có một tổ chức độc lập và chuyên trách tầm quốc gia, gồm các hội đồng chuyên gia có uy tín trong từng lĩnh vực giáo dục. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: "Cách làm như hiện nay không được, chỉ giao cho Bộ GD-ĐT thì không thể làm được". Một tiết học của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Huyền Linh Vì sao riêng Bộ GD-ĐT không tiến hành được công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục nước nhà? Trước hết là bởi giáo dục là một hệ thống phức tạp đang bị khủng hoảng trầm trọng trong một thời gian khá dài. Những giải pháp chắp vá của ngành giáo dục trong những năm qua khiến cho nền giáo dục Việt Nam không những không hoàn thành được sứ mạng "đi trước" mà còn đang "đi sau" các lĩnh vực khác và cả cách đánh giá thực trạng hiện nay theo kiểu "ba sôi, hai lạnh", chưa nhìn thấy tính nghiêm trọng của tình hình. Thêm nữa, giáo dục có tính xã hội sâu sắc, là sự nghiệp của toàn dân cần phải có sự chỉ đạo của Đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Khi bày tỏ về 3 điều mong ước được thực hiện trong cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Trung ương đã nói về một niềm tin, rằng khi 5 lực lượng gồm nhà chính trị, nhà quản lý giáo dục vĩ mô, hiệu trưởng và các giáo viên, gia đình học sinh và nhân dân, cộng đồng, người học của các bậc học biết "đồng sàng, đồng mộng" hội tụ "tư duy - hành động" thì cuộc đổi mới lần này sẽ thành công. Niềm tin ấy cũng cho thấy một thực tế là riêng ngành giáo dục không thể thực hiện việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Sự cần thiết phải thành lập một ủy ban cải cách hay đổi mới giáo dục, như phân tích của bà Nguyễn Thị Bình còn là vì: Đường lối của Đảng, Nghị quyết của Trung ương chỉ có thể nêu những đường hướng chung, trung ương không thể ra Nghị quyết là giáo dục phổ thông phải 11 hay 12 năm. Để cụ thể hóa đường lối của Đảng, Nghị quyết của Trung ương thành những đề án, chương trình cụ thể cần có một tổ chức đủ tầm. "Cái hôm nay phải tốt hơn cái hôm qua" Những bài học về hoạt động của Ban tu thư cách nay hơn nửa thế kỷ của Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu vẫn nguyên vẹn tính thời sự không chỉ cho việc biên soạn chương trình và viết sách giáo khoa phổ thông mà còn cho cách làm giáo dục. Ông kể, Ban tu thư khi ấy như một đại gia đình đoàn kết, đầy trách nhiệm vì sự nghiệp chung. Mỗi thành viên đều có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm sư phạm nhưng lại rất khiêm tốn, làm việc say sưa, vô tư và không hề đòi hỏi đãi ngộ. Nói một cách hình ảnh, những người làm giáo dục ngày ấy, ăn giáo dục, ngủ giáo dục. Tiếc là, tinh thần ấy, cái tâm ấy không còn được truyền lại đến hôm nay. Ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn phân tích về vai trò của kinh phí đối với sự nghiệp giáo dục nhưng đằng sau đó thể hiện một mong muốn rất rõ ràng. Ông nói: "Trong chiến tranh, chúng ta thiếu thốn đủ đường nhưng giáo dục của ta vẫn miễn học phí, có học bổng và có chất lượng. Các thế hệ đào tạo được đã đóng góp xứng đáng vào cuộc chiến tranh giữ nước và xây dựng đất nước. Rõ ràng, tiền chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để làm cho giáo dục thành công. Ngoài sự lãnh đạo tài tình của Đảng, phải kể đến yếu tố con người, mà tiêu biểu là các Bộ trưởng GS Nguyễn Văn Huyên và GS Tạ Quang Bửu". Những con người vĩ đại mà GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn vừa nhắc đến không chỉ là người có tâm, có tầm mà còn có lòng dũng cảm, những phẩm chất cần ở mọi lĩnh vực nhưng cần nhất ở những người làm giáo dục, một lĩnh vực mà bất kỳ một chủ trương nào đều ảnh hưởng đến không chỉ một thế hệ. Xin mượn lời của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Tạ Quang Bửu nói về cuộc cải cách giáo dục mà ông là người lãnh đạo để kết thúc loạt bài viết này: Vấn đề không phải là so cái hiện nay với cái trước cách mạng, mà ngày nay phải hơn ngày hôm qua và ngày mai phải hơn ngày hôm nay! Đây là cả một cuộc cải cách to lớn mà ta gọi là "cải cách giáo dục" với ý nghĩa chiến lược của nó. Những người như tôi phải làm hết sức mình để phác ra và thực hiện công cuộc đó". |