Chi tiết bài viết
Đổi mới khuyến nông trong tái cơ cấu nông nghiệp
Thời gian qua, công tác khuyến nông chưa thực sự bám sát mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Do vậy, cần thiết phải đổi mới khuyến nông mà trọng tâm là đổi mới về cơ chế chính sách, phương thức quản lý và tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác này.
Khuyến nông là hoạt động gắn liền với sản xuất của nông dân, ngư dân. Trong những năm qua, công tác khuyến nông đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện các mô hình trình diễn vào sản xuất nông -lâm - ngư nghiệp, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho nông dân, ngư dân ở các vùng ven biển, đồng bằng, trung du, miền núi.
Tuy nhiên hoạt động khuyến nông chưa thực sự bám sát các mục tiêu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức khuyến nông còn chậm trong việc phối hợp với các ngành liên quan với các cơ quan trong ngành nông nghiệp như viện nghiên cứu, các trường đào tạo, các phòng nông nghiệp, phòng kinh tế,… ở cơ sở.
Khuyến nông mới tập trung hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số mà chưa chú trọng đến các đối tượng nông hộ sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, thương lái, các hợp tác xã sản xuất dịch vụ, các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân, đồng thời khuyến nông chưa thực sự là cầu nối tổ chức liên kết 4 nhà…
(Ảnh minh họa)
Để đổi mới hoạt động khuyến nông, đòi hỏi các ngành các cấp và các đơn vị làm công tác khuyến nông nhận thức sâu sắc rằng khuyến nông là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở phải được tăng cường kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn và kiến thức về quản lý kinh tế, nắm vững đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời cần sớm triển khai các mô hình khuyến nông liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ mà trước hết là đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (con giống, cây trồng, vật nuôi), cung ứng vật tư, chế biến bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhất là sản phẩm có giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có chất lượng tốt và an toàn thục phẩm.
Ngoài ra, công tác khuyến nông cần tăng cường thông tin sát với thị trường, tổ chức huẩn luyện đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước…
(Ảnh minh họa)
Khuyến nông là đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp cận thường xuyên và hoạt động gắn liền với sản xuất của nông dân, ngư dân, do đó có điều kiện chỉ đạo và tổ chức sản xuất.
Vì vậy để đổi mới khuyến nông, ngoài chức năng nhiệm vụ hiện có cần bổ sung nhiệm vụ của khuyến nông trong việc phối hợp tổ chức liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước), đồng thời, khuyến nông là lực lượng có điều kiện thuận lợi nhất làm cầu nối hỗ trợ gắn kết và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế (nông hộ gia đình, nông hộ sản xuất hàng hóa, thương lái, các hợp tác xã sản xuất và dịch vụ, các công ty xí nghiệp hoạt động trên địa bàn) tại các vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp tập trung.
Làm được những vấn đề trên chúng ta chắc chắn thu hút được nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa cho khuyến nông, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn đáp ứng được các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.
TS. Hồ Văn Hoành
(Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam)
Theo Báo điện tử Chính phủ