Chi tiết bài viết
Đề xuất nhập xe tuk tuk: Giao thông chỉ thêm hỗn loạn
Tại dự thảo đề án hạn chế phương tiện cá nhân ở 5 TP lớn, Bộ GTVT đưa ra phương án hạn chế xe máy. Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, xe máy là phương tiện đi lại khá phổ biến của người dân Việt Nam nên chưa thể hạn chế ngay bởi nó ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội và nhiều vấn đề khác. Để thay thế phương án này, đồng thời hạn chế xe máy ra vào khu vực nội đô mà không gây xáo trộn, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội cho nhập khẩu xe Tuk Tuk để chạy trên các tuyến đường xã, huyện. “Loại xe này sẽ vận chuyển hành khách công cộng từ các thôn, xóm, làng, xã, quận, huyện ra các điểm đỗ xe buýt để họ bắt xe buýt đi vào nội đô như hiện một số nước đang sử dụng”, ông Liên nói.
Hiệp hội này phân tích các lợi thế khi đưa xe Tuk Tuk vào lưu thông như: Mỗi xe Tuk Tuk có thể chở được khoảng 10 người, còn bình thường là 5 - 6 người. Kể cả trên xe chỉ có 2 người, mức tiêu thụ xăng của nó cũng chỉ tương tự như một chiếc xe máy, 4,6 lít/100km; thứ nữa là dễ sửa chữa và cuối cùng, xe Tuk Tuk theo ông Liên, chiếm diện tích mặt đường ít. “Hiệp hội đề xuất chạy xe Tuk Tuk trên các tuyến đường liên thôn, xã, huyện, tuyệt đối không chạy trên đường quốc lộ, và di chuyển vào nội đô. Hiệp hội này ước tính, mỗi xe Tuk Tuk có giá từ 70 - 150 triệu đồng (tùy chất lượng), và giá vé di chuyển cho mỗi lần từ 3.000 - 10.000 đồng/lượt, tùy quãng đường.
Tuy nhiên, đề xuất này của Hiệp hội Vận tải Hà Nội được các chuyên gia cho rằng không khả thi, thậm chí, có người còn thẳng thắn, không nên đưa xe Tuk Tuk vào lưu thông. PGS - TS. Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường ĐH GTVT Hà Nội phân tích: “Bản chất xe Tuk Tuk mà các nước trong khu vực đang sử dụng và xe lam ở Việt Nam là một. Ở góc độ giao thông, việc sử dụng loại phương tiện này không gây ảnh hưởng, nhưng một khía cạnh khác ý tưởng này thiên về việc kinh doanh hơn là giải quyết bức xúc xã hội”.
Còn nhiều tranh cãi
Theo ông Toản, nếu như người dân ở khu vực quận, huyện, liên xã thực sự có nhu cầu đi xe buýt mà quãng đường ra điểm chờ tương đối xa thì cái được của xe Tuk Tuk là sự đưa đón thuận tiện. Nhưng, cái mà Tuk Tuk không giải quyết được là vấn đề hàng hóa hành khách mang theo. Và, khi đã không giải quyết được vấn đề hàng hóa và sự tiện lợi di chuyển đến tận các hàng cùng ngõ hẻm, thì xe Tuk Tuk không thể thay thế được xe máy, thậm chí là “xe ôm”. Bởi, giá “xe ôm” ở khu vực huyện - xã khá rẻ, “xe ôm” có thể chuyên chở đa dạng về số lượng khách, loại xe này cũng có thể chạy được nhiều chuyến hàng hóa liên tục nếu khách có nhu cầu...
Còn theo TS. Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT, xe Tuk Tuk (Thái Lan) và xe Jeepey (Philippines) được sử dụng rất phổ biến. Ở Thái Lan, xe Tuk Tuk tồn tại số lượng lớn do có chiều dài lịch sử, nhưng nước này cũng đang dần đẩy xe Tuk Tuk sang loại hình xe gom cho xe buýt. “Cấu trúc đường phố Hà Nội và đường phố Thái Lan khác nhau, nên việc có áp dụng loại hình xe Tuk Tuk hay không cần có nghiên cứu cụ thể”, ông Hùng nhận định.
Xe Tuk Tuk được nhiều người cho rằng là một dạng giữa mô tô và ô tô, trong Luật Giao thông đường bộ hiện tại cũng không có quy định nào về xe Tuk Tuk, vậy, người điều khiển loại xe này cần phải có giấy phép lái xe như thế nào. Trước kia, chúng ta đã phải rất nỗ lực mới dẹp được xe lam, hay xe ba gác cũng đang được các địa phương rốt ráo xóa bỏ vì sự mất an toàn và ô nhiễm môi trường. Do vậy, không nên đưa xe Tuk Tuk vào lưu hành là ý kiến của hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông. Còn về phía Bộ GTVT cũng như Sở GTVT Hà Nội, 2 đơn vị này đều chưa nhận được đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nên chưa có ý kiến.
theo anninhthudo.vn