Chi tiết bài viết

ĐÀO TẠO TỪ XA VÀ NỖI LO GẦN; ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC BỘ ĐANG BUÔNG LỎNG

ĐÀO TẠO TỪ XA VÀ NỖI LO GẦN

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 của ngành giáo dục và đào tạo mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo thường xuyên và học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó thì việc đào tạo thường xuyên thông qua loại hình đào tạo từ xa (ĐTTX) là một lựa chọn phù hợp.

Khái niệm ĐTTX đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, loại hình đào tạo này tỏ rõ hiệu quả trong xây dựng xã hội học tập. Với ưu thế khi ứng dụng tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào dạy học, ĐTTX góp phần phá bỏ giới hạn của không gian, thời gian trong đào tạo truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí đào tạo. 

Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đào tạo từ xa 6 chuyên ngành. Ảnh: dantri.com.vn

Dù đã và đang thể hiện được sự tiến bộ của mình, song một nghịch lý lại tồn tại khi triển khai mở rộng ĐTTX. Điều dễ thấy nhất là câu chuyện về đầu vào và đầu ra khi mà công tác tuyển sinh đang gặp không ít khó khăn. Tính đến nay, đã có 21 trường đại học trên cả nước có chương trình ĐTTX. Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh ngày càng sụt giảm. Nếu như năm 2012, lượng tuyển hơn 161.000 sinh viên thì tính đến tháng 10 năm 2016, con số này giảm hơn một nửa, còn hơn 70.000 sinh viên.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao một loại hình đào tạo hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển lại rơi vào tình trạng ít người lựa chọn? Điều đầu tiên dễ nhận thấy đó là xã hội ta vẫn có tâm lý e ngại, dè dặt khi lựa chọn. Thậm chí, một số cơ quan, địa phương còn đưa ra các quy định phân biệt, hạ thấp giá trị của ĐTTX và các loại hình giáo dục mở; nhiều đơn vị, doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với lao động được ĐTTX.

Khách quan mà nói thì một phần cái nhìn ấy của xã hội là do chính bản thân các cơ sở giáo dục tạo ra. Nhiều trường chưa có nhiều sự đầu tư cho ĐTTX, từ học liệu đến công nghệ dạy học; có cơ sở đào tạo, đơn vị liên kết coi ĐTTX chỉ là một phương thức để tăng thêm thu nhập cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; quá trình đào tạo của một số cơ sở cũng còn bộc lộ bất cập trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, chất lượng đầu ra còn không ít hạn chế...

Hiện nay, nhu cầu đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, cập nhật, mở rộng hiểu biết, nâng cao kiến thức của người dân là rất lớn. Xã hội nói chung và người học nói riêng sẽ dần chuyển hướng từ việc trọng bằng cấp sang việc trọng kiến thức thực sự. Từ đó, xu thế mong muốn học tập theo phương thức ĐTTX cũng sẽ tăng lên. Để đáp ứng điều đó, các cơ sở đào tạo phải chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại vào dạy học; xây dựng học liệu phù hợp... Bên cạnh đó, việc nắm bắt nhu cầu nhân lực của từng địa phương, làm tốt công tác liên kết đào tạo với các tỉnh, thành phố sẽ góp phần mở rộng quy mô, phạm vi đào tạo, đáp ứng thiết thực nhu cầu của thị trường lao động...  

Trong thời kỳ mới, nhu cầu tự học của người dân ngày càng tăng. Chính vì vậy, việc thay đổi cách nhìn của xã hội, định ra hướng đi đúng đắn cho ĐTTX sẽ là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần lan tỏa phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

DUY VĂN

Theo báo: qdnd.vn

Đào tạo sau đại học: Bộ đang buông lỏng

Từ việc Học viện Khoa học xã hội tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ (ThS), tiến sĩ (TS) trong một năm, PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng ĐH Công đoàn khẳng định, Bộ GD&ĐT đã cho đơn vị này đăng ký số lượng quá nhiều nhưng lại không có kiểm tra, giám sát về chất lượng.

Thất nghiệp thành... tiến sĩ
Tuyển sinh đào tạo sau ĐH với nhiều chỉ tiêu là tình trạng chung ở nhiều trường hiện nay. Thực tế, những năm gần đây, các trường được tự xác định và đăng ký, nên lượng chỉ tiêu còn "vượt ngưỡng" hơn so với lúc được Bộ GD&ĐT giao. Khi số lượng được phép tuyển nhiều như vậy, nên có những trường hợp không đủ điều kiện cũng được “chiếu cố’’, đương nhiên tỷ lệ sàng lọc không cao. Một nguyên nhân nữa dẫn đến chất lượng đào tạo sau ĐH kém cũng được PGS Dương Văn Sao chỉ ra, đó là đầu vào ThS và TS là đầu ra ĐH, song chất lượng đào tạo ĐH đang... có vấn đề. Rồi không ít người tốt nghiệp ĐH không kiếm được việc làm, nên đi học ThS, khi ra trường vẫn thất nghiệp lại tiếp tục nghiên cứu sinh. Người học thiếu thực tiễn, rõ ràng không thể đảm bảo chất lượng học tập.
Thứ nữa, Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, nhưng công tác kiểm tra, giám sát cũng như chế tài xử lý các vi phạm chưa đủ mạnh, dẫn đến không ít trường vi phạm quy định. Có trường kê khai một số nhà khoa học đã về hưu là giảng viên thỉnh giảng nhằm lấy số lượng PGS, GS để được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Thực tế, giảng viên cơ hữu mới được hướng dẫn làm luận văn, nên có tình trạng một người hướng dẫn rất nhiều người, TS ngành này lại hướng dẫn ThS, nghiên cứu sinh ngành khác. Và khi có nhiều người học ThS, TS với mục đích tạo thuận lợi trong công việc, thăng tiến, thì họ quan tâm đến tấm bằng nhiều hơn là tiếp nhận kiến thức để áp dụng vào thực tế.
Luận văn như báo cáo khoá luận sinh viên
Một vấn đề đã nhiều lần được xới lên, song chưa hề có cải thiện là khâu làm luận văn ThS. Theo PGS Sao, trừ những cơ sở đào tạo y, kỹ thuật, tự nhiên đòi hỏi chuẩn xác, các ngành xã hội và kinh tế, luận văn ThS của học viên chẳng cần xác nhận của ai. Vậy là, thay vì đi nghiên cứu thực tế để có số liệu, họ sao chép luận văn của nhau, chỉ thay tên và địa điểm thực tập. “Sau nhiều năm hướng dẫn làm luận văn sau ĐH, tôi biết có trường số lượng đào tạo ThS nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh ĐH. Về chất lượng đào tạo ThS, nếu kiểm tra nghiêm túc, nhiều luận văn như báo cáo khóa luận của sinh viên ĐH. Mà sinh viên có thời gian làm nên nhiều luận văn còn chất lượng hơn” – PGS Sao nhận định.
Để nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH, ông Sao cho rằng, cần có giải pháp tổng hợp. Trước mắt, Bộ GD&ĐT cần tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo sau ĐH, bằng cách rà soát lại quy định nào chưa phù hợp thì điều chỉnh. Khi Bộ đã giao quyền tự chủ cho các trường về đào tạo, thì phải có các chế tài thật nghiêm để xử lý những vi phạm và tăng cường kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cũng cần có sự đổi mới công tác đào tạo sau ĐH. Vừa qua, Bộ đã thay đổi quy định đào tạo TS, nhưng đào tạo ThS vẫn buông lỏng về nội dung, chất lượng và kiểm duyệt luận văn. Việc này dẫn đến đầu vào lỏng lẻo, quá trình đào tạo không chuẩn. Về lâu dài, Nhà nước đưa ra nghị quyết về cải cách toàn diện giáo dục đào tạo, bắt đầu từ phổ thông, ĐH và sau ĐH. Làm quyết liệt mới nâng được chất lượng đào tạo sau ĐH, còn nếu như hiện nay, thời gian tới sẽ là phổ cập ThS.
Số trường ĐH và học viện nhiều, lực lượng cán bộ của Bộ GD&ĐT mỏng, nhưng cần tìm cách tăng cường kiểm tra, để không xảy ra tình trạng vi phạm như ở Học viện Khoa học xã hội.
PGS.TS Dương Văn Sao

 

 

THỦY TRÚC

Theo báo:kinhtedothi.vn