Chi tiết bài viết

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(Tham luận tại Hội thảo “Đào tạo nhân lực – những thuận lợi và trở ngại”
do Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực- nhân tài Việt Nam tổ chức,
Hà Nội, ngày 1-7-2011)
 
Bài viết của Ông Vũ Quốc Tuấn
 
Nguyên Chuyên gia Cao cấp của Chính Phủ
Hiện Chủ Tịch Hội Làng Nghề Việt Nam
 
Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) xác định là một khâu đột phá chiến lược để bảo đảm đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là một nhiệm vụ rất cơ bản đồng thời cũng rất cấp bách, cần được quan tâm thực hiện ở nhiều cấp khác nhau: từ những người lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh cho đến các chuyên gia, nhà quản lý (quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà nước) đến các nhà hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô. Sự phát triển của nguồn nhân lực ở các cấp ấy là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta hiện nay.
 
Bài tham luận này đề cập vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ở nông thôn, đem lại thu nhập cho người lao động cũng như sự ổn định và phát triển của nông thôn.
 
Nhân lực, vốn quý nhất của phát triển
 
 
Hội thảo Đào tạo Nhân lực - Những thuận lợi và trở ngại
 
Từ khi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi xướng đến nay, bộ mặt nông thôn nước ta đã có những thay đổi rất cơ bản. Có thể kể ra những tiến bộ nổi bật nhất của nông nghiệp và nông thôn trong những năm qua như: sản lượng lúa gạo tăng, lượng gao xuất khẩu đứng tứ hạng cao trên thế giới; đàn gia cầm cũng tăng nhanh; hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu tiếp tục; ngành nghề tiểu thủ công trong nông thôn được bảo tòn và phát triển, v.v… Tuy nhiên, năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp vẫn còn thấp xa so với tiềm năng cũng như so với một số nước trong khu vực; sản phẩm tiểu thủ công làng nghề còn kém về chất lượng và mẫu mã. … Nhìn chung, nông thôn phát triển chậm; nhiều vấn đề nảy sinh trong nông thôn chưa được giải quyết thấu dáo. Tình hình này cho thấy trong quá trình phát triển công nghiệp, tiến hành đô thị hóa, cần quan tâm hơn nữa đến nông thôn. Phải coi nông nghiệp, nông thôn như cái “giá đỡ” cho nền kinh tế, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
 
Trong toàn bộ vấn đề nhân lực nước ta hiện nay, điều cần quan tâm là chất lượng lao động trong nông thôn còn quá thấp. Chất lượng lao động nông thôn thấp đã làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh; gây ra chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng doãng xa thêm. Chính sách xóa đói giảm nghèo tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng rõ ràng không thể chỉ dừng lại ở chỗ cấp đất, tặng nhà, thực hiện các chính sách "ưu đãi" hộ nghèo, mà việc giảm nghèo phải được thực hiện chủ yếu bằng việc nâng cao chất lượng lao động của lao động nông thôn; nói cách khác, bằng việc đào tạo nghề cho họ, để họ làm việc với năng suất và chất lượng cao hơn, để có thể thoát nghèo và giàu lên.ngay trên mảnh đát quê hương.
 
Thực tế cho thấy, tình hình thiếu việc làm trong nông thôn hiện đang rất gay gắt: ngoài thời gian nông nhàn chưa được tận dụng (khoảng 35% thời gian lao động nông nghiệp), còn nhiều thanh niên hằng năm đến tuổi lao động không có việc làm; ở những nơi đất đai được chuyển đổi mục đích sử dụng, người lao động được hưởng tiền đền bù, nhiều khi khá lớn, song đất không còn, việc làm cũng không có, sinh ra nhiều tệ nạn xã hội. Tình trạng lao động nông thôn kéo ra thành phố tìm việc làm ngày càng tăng đang gây ra rất nhiều khó khăn cho thành phố. Rõ ràng là rất cần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu lao động: giảm lao động sản xuất nông nghiệp, tăng lao động kinh doanh các ngành nghề ngay tại địa phương. Trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai ở các địa phương, tiêu chí về chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn là một tiêu chí khó thực hiện nhất, nhưng lại phải tích cực thực hiện cho được bằng cách phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Tất nhiên, có thể đưa lao động từ tỉnh nghèo sang tỉnh có điều kiện phát triển hơn hoặc đưa lao động nghèo đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, coi đây như là một giải pháp giảm nghèo, nhưng không thể coi là giải pháp cơ bản.
 
Trong nông thôn hiện nay, người lao động cần được đào tạo về tất cả những nghề có tác dụng trực tiếp phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Quan trọng nhất là tăng nhanh các ngành nghề chế biến nông lâm sản - ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng đối với những nước nông nghiệp song lâu nay chưa được coi trọng, dẫn đến tình trạng nhiều nguyên liệu nông lâm sản chưa được tận dụng để phát triển các ngành nghề thủ công ngay tại địa phương.
 
Hiện nay, cả nước ta đã hình thành khoảng 2790 làng nghề, trong đó có những làng nghề thủ công truyền thống lưu giữ những nghề truyền thông có từ hàng trăm, hàng nghìn năm trên đất nước ta. Làng nghề đã trở thành một tài sản hết sức quý báu của dân tộc, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà chủ yếu là những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của sản phẩm làng nghề đang được nhân dân ta và du khách nước ngoài ca ngợi. Đến nay, các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 24% lao động nông thôn, trong đó có 28,19% số làng nghề có việc làm liên tục trong 12 tháng; 9,04% số làng nghề có công việc trong 11 tháng; 27,66% số làng nghề co công việc trong 10 tháng; các nghề gốm sứ, đồ gỗ, mây tre đan tạo ra công việc làm ổn định ở mức cao nhất. Điều đáng quan tâm hiện nay là một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, vì người lao động không thiết tha với nghề, thậm chí bỏ làng đi kiếm việc nơi xa để có thu nhập cao hơn. Do đó, việc đào tạo nghề thủ công, trong đó đặc biệt là thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn là hết sức cấp thiết không chỉ vì thu nhập và đời sống của lao động nông thôn, mà còn nhằm bảo tồn và phát triển những ngành nghề truyền thống, lưu giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc.
 
Cùng với các ngành trong khu vực sản xuất, còn rất cần dạy cho lao động nông thôn các nghề thuộc khu vực dịch vụ, từ các dịch vụ cho đời sống hàng ngày của người dân đến những dịch vụ tài chính, ngân hàng … cần thiết cho sản xuất, kinh doanh ở nông thôn. Và cũng không nên quên việc đào tạo những người chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh - những doanh nhân xuất thân từ nông thôn, kinh doanh vì nông thôn rồi vươn ra tầm xa hơn, vì không có họ đầu tư vốn và quản lý, điều hành, người lao động sẽ không có chỗ làm việc và của cải xã hội cũng khó mà sinh sôi, nảy nở..
 
Sự tham gia của các tổ chức xã hội
 
Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, việc đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn cần được thực hiện theo ba cấp độ khác nhau: 1) đào tạo cho những lao động phổ thông chưa biết nghề để họ có ít nhất một nghề thông thạo; 2) bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có nghề nhưng tay nghề chưa đủ mức thành thạo, để họ trở thành thợ giỏi; và 3) bổ túc kiến thức khoa học, công nghệ mới cho nghệ nhân để số người này cập nhật được những kiến thức mới, công nghệ mới. Do đó, cần có chương trình, giáo trình phù hợp, với những phương thức dạy nghề linh hoạt.
Ông Vũ Quốc Tuấn phát biểu trong Hội thảo
 
Về nội dung đào tạo, việc đào tạo nghề ở nông thôn cần gắn với việc thực hiện Chương trình "Mỗi làng, một nghề" đang được triển khai. Cần dạy nghề cho lao động ở những làng nghề hiện có để duy trì và nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Đồng thời, lại rất cần “cấy nghề” cho những địa phương chưa có nghề, để phát triển nghề tiểu thủ công, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Cũng cần chú ý là trong nông thôn, đang có một số nghề thủ công mỹ nghệ cần được quan tâm đưa vào chương trình dạy nghề, đó là các nghề: chế biến gỗ, sơn mài, chạm, khảm; làm đồ gốm; làm đồ đồng; nghề mây tre đan; nghề thêu ren; nghề dệt (lụa, thổ cẩm)… Đó là những nghề truyền thống cần được bảo tồn và có khả năng phát triển.
 
Về tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956- QĐ/TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập khá đầy đủ, từ chương trình, giáo trình đến việc mở trường, lớp, trang thiết bị và giáo viên, v.v… Tuy vậy, một vấn đề lớn được đặt ra là làm sao cho việc dạy nghề đáp ứng đứng nhu cầu của sản xuất, kinh doanh của mỗi địa phương, có két quả thiết thực, tránh được tình trạng "dạy cái ta có, không dạy cái thị trường cần", hoặc "cái cần thì không dạy, cái không cần thì lại dạy"? Cả nước hiện có 90 trường cao đẳng, 214 trường trung cấp, 684 trung tâm dạy nghềvà trên 1.000 cơ sở khác có dạy nghề (theo VNexpress ngày 6-1-2009); nhiều trường thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội được xây dựng bề thế. Thế nhưng việc dạy nghề trong nhiều trường công lập chưa đạt yêu cầu, do chưa gắn với nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận họ phải tốn thêm thời gian và kinh phí để đào tạo lại. Cũng có nguyên nhân do các trường này thiếu trang thiết bị cần thiết cho việc dạy và học, thiếu kinh phí, thiếu thày giỏi, địa điểm tổ chức lớp không thuận tiện cho việc đi lại của học viên, v.v… Đã có tình trạng trường lớp công lập tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, mặc dù đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích lao động nông thôn đến học, nhưng họ vẫn không đến.
 
Thực tế cho thấy, để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả thiết thực, tất yếu phải thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghè nghiệp (các hội, hiệp hội), cũng tức là "xã hội hóa" việc đào tạo, không thể chỉ dựa vào hệ thống trường, lớp của các cơ sở công lập. Cái khó ở đây là là việc phân phối nguồn kinh phí đào tạo của Nhà nước (theo Đề án nói trên, tổng kinh phí riêng cho đài tạo nghề lên đến 24.694 tỷ đồng), làm sao tận dụng và nâng cao hiệu quả của các cơ sở đào tạo công lập đã được xây dựng từ hàng chục năm nay, lại vừa có kinh phí để huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội?
 
Trong thời gian qua, với chức năng của mình, nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp như các hội, hiệp hội đã chủ động tổ chức nhiều trường lớp dạy nghề hoặc bổ túc nghề cho người lao động đạt kết quả tốt. Doanh nghiệp và người lao động hoan nghênh những trường lớp này vì ở đây đã gắn được nội dung đào tạo với nhu cầu của đơn vị sử dụng; sau khi học, người lao động sớm có chỗ làm việc phù hợp với thu nhập đủ sống.
 
Trong các làng nghề, đã có kinh nghiệm của các hội, hiệp hội nghề nghiệp chủ động chủ trì tổ chức những lớp dạy nghề ngay tại mỗi làng nghề: học viên là lao động trong làng hoặc làng bên (đi lại thuận tiện), thày dạy là những nghệ nhân, thợ giỏi trong từng ngành nghề, có thể là nghệ nhân của ngay làng nghề ấy. Nhà nước trợ giúp một số kinh phí về xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề, thù lao cho giảng viên, v.v… Cách học cũng rất thiết thực: không phải là "truyền khẩu", dạy miệng, dạy chay như trước đây, mà nay cũng đã có giáo trình bài bản, lại có thêm những công cụ hiện đại (như băng, đĩa hình … ) trợ giúp cho việc học tập, truyền nghề. Song điều quan trọng là nghệ nhân có điều kiện trực tiếp truyền đạt kiến thức thiết thực, đúc rút từ kinh nghiệm thực tế nhiều năm lao động cần cù của mình.
 
Thời gian qua, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã cùng Bộ Lao động –Thương binh và xã hội tổ chức các lớp đào tạo ở nhiều địa phương. Đã thực hiện theo ba mô hình sau đây:
 
- Mô hình 1: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm để xây dựng làng nghề mới. Đây là mô hình được áp dụng cho những địa phương thiếu ruộng đất, có nhiều lao động nhưng thiếu việc làm, chính quyền địa phương có nhu cầu quy hoạch hình thành làng nghề mới. Sau khi tốt nghiệp, học viên về địa phương hành nghề dần dần hình thành làng nghề mới.
- Mô hình 2: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Đây là mô hình được áp dụng đối với các nghề đào tạo gắng với nguyên liệu địa phương, giao cho đơn vị có khả năng tổ chức, xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức đào tạo và bao tiêu sản phẩm; học viên là lao động trong vùng quy hoạch trồng nguyên liệu.
 
- Mô hình 3: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm cho lao động nông thôn để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây là mô hình áp dụng cho các làng nghề hiện có; địa phương có lao động nhưng chưa có nghề, không có việc làm hoặc ít việc làm, lại đang có nguyện vọng học nghề để có việc làm ngay tại địa phương. Ưu tiên tổ chức dạy những nghề truyền thống đang phát triển hoặc có triển vọng phát triển bền vững.
 
Trong việc thực hiện ba mô hình trên, điều quan trọng là có sự kết hợp của bốn bên: (i) chính quyền địa phương; (ii) cơ quan nhà nước có chức năng điều phối thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (iii) các hội làng nghề và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nói chung; và (iv) các cơ sở nhận nhiệm vụ đào tạo nghề, doanh nghiệp cung ững nguyên liệu hoặc nhận tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, v.v… Thực tế cho thấy sự kết hợp giữa các lực lượng ấy là rất cần thiết; trong đó, sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp vào việc đào tạo lao động trong các ngành nghề thủ công ở nông thôn chắc chắn sẽ đem đến những kết quả thiết thực, đáp ứng đúng yêu cầu, với chi phí tiết kiệm, tránh được lãng phí, thất thoát, bảo đảm công tác đào tạo nghề đạt kết quả bền vững.