Chi tiết bài viết
DÂN TỘC VÀ PHÁT TRIỂN
Đồng bào dân tộc thiểu số nước ta đặc biệt sinh sống ở vùng biên giới, hải đảo có vị trí hết sức quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Vì vậy cần có những chính sách đặc thù để phát triển kinh tế xã hội mà trước hết là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,…
Đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có trên 13,39 triệu người, chiếm gần 14,6% dân số cả nước, với 3,041 triệu hộ sinh sống chủ yếu ở vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông – Tây Nam Bộ và phân bố dọc theo đường biên giới giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách kết hợp kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng bảo vệ chủ quyền quốc gia; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số: 98,6% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 94% hộ dân được dùng điện; có khoảng 300 trường nội trú, bán trú đã được thành lập …
Tuy nhiên những nỗ lực trên vẫn chưa làm thay đổi căn bản đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, hiện đang còn nhiều bất cập:
- Về chất lượng nguồn nhân lực: hơn 17% người dân tộc thiểu số mù chữ, có gần 21% số người dân tộc thiểu số ở tuổi 15 không thể đọc, viết và hiểu được một câu đơn giản bằng chữ phổ thông; số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chiếm 94,2%; tuổi thọ bình quân là 69,9, nam giới là 67,1, nữ giới là 72,9, đặc biệt ở 16 dân tộc rất ít người tuổi thọ chỉ từ 50 – 55 tuổi; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại,...
- Về kinh tế - xã hội chậm phát triển; thu nhập thấp; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 23,1% cao hơn 3,3 lần so với cả nước (7%); hộ dân tộc thiểu số nhà ở tạm chiếm 15,3%; thu nhập bình quân tháng (2015) khoảng 1,16 triệu đồng/người, chỉ bằng khoảng 41,5% so với mức cả nước (2,8 triệu người); 1/4 số hộ chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch, chăm sóc sức khỏe sinh sản và các dịch vụ khác...
- Do cuộc sống vật chất và tinh thần gặp nhiều khó khăn, bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến một số nơi ở vùng biên giới tình trạng phá rừng nghiêm trọng, di cư tự do, buôn bán người, buôn bán hàng cấm, cờ bạc, lừa đảo, xuất khẩu lao động bất hợp pháp xảy ra thường xuyên, vượt qua tầm kiểm soát của chính quyền ở một số địa phương cơ sở ảnh hưởng đến an ninh, an toàn vùng biên giới…
Một trong những nguyên nhân của những tồn tại trên đó là: Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chính sách, đề án để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng một số ngành, đơn vị ở Trung ương, địa phương chưa quán triệt đầy đủ dẫn đến sự phối hợp trong hoạt động thiếu đồng bộ, yếu trong liên kết, vì vậy chưa huy động được các nguồn lực để giải quyết dứt điểm các chương trình, dự án đã đề ra,...
Để phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số bền vững, bảo vệ được chủ quyền an ninh tổ quốc trong tình hình mới, cả hệ thống chính trị cần tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách sau:
Một là, trên cơ sở báo cáo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 (công bố ngày 19/9/2016) các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cần rà soát lại các chiến lược, chính sách, cơ chế hiện có, bổ sung và đề xuất các cơ chế đặc thù, đề ra các chương trình, kế hoạch phối hợp đồng bộ để huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là các tỉnh biên giới và hải đảo,...
Hai là, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực mà trước hết là tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020 ít nhất 35% ở tuổi nhà trẻ, 90% ở tuổi mẫu giáo, 100% học sinh tiểu học được dạy tiếng phổ thông, biết đọc, biết viết thành thạo (như đề án của Chính phủ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc).
Để làm được điều này, cần có chính sách miễn học phí cho con em đồng bào dân tộc ở các cấp học, thực hiện mô hình trường học sinh miền Nam những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước, củng cố và mở rộng các trường “học sinh dân tộc nội trú” có cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo giỏi, có bộ sách giáo khoa riêng, gắn lý thuyết với thực hành, gắn dạy chữ với dạy người và dạy nghề. Đồng thời, tùy theo đặc điểm từng vùng, cần thành lập các trường “bổ túc văn hóa dân tộc thiểu số” cho những người lớn tuổi trước đây chưa có điều kiện để học qua phổ thông đang giữ vị trí trưởng tộc, già làng, trưởng bản, cán bộ chính quyền, đoàn thể,… theo giáo trình đặc biệt với các nội dung thiết yếu như: tiếng dân tộc, tiếng phổ thông, kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật, quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng,… Mỗi năm có thể học xong vài ba lớp như trường “bổ túc công nông” trước đây, nhằm đào tạo cấp tốc đội ngũ cán bộ phục vụ cho xây dựng nông thôn mới và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ba là, rà soát bổ sung vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, huyện, xã miền núi, biên giới, hải đảo, phân bố lại dân cư, kiên quyết di dân ra khỏi những vùng lũ quét, bố trí đất ở, đất sản xuất, hình thành các vùng dân cư tập trung để xây dựng nông thôn mới, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với yêu cầu của thị trường... Đồng thời huy động mọi nguồn lực từ Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế,... để đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các vùng biên giới và dân tộc ít người về nhà ở, vốn sản xuất, định canh, định cư và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản,...
Bốn là, phát huy vai trò của trưởng tộc, già làng, trưởng bản, người có uy tín,... trong việc huy động gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên. Đây cũng là lực lượng hạt nhân quan trọng phối hợp với công an, bộ đội biên phòng ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các phần tử phá hoại,... để đảm bảo cuộc sống an bình cho nhân dân, đặc biệt ở các vùng biên giới.
Năm là, tăng cường công tác thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và các cá nhân, tập thể điển hình,... bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc thông qua truyền thanh, truyền hình, tờ rơi, các đội chiếu phim lưu động,...
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, củng cố và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các tỉnh, huyện, xã, các tổ chức nhân dân, lực lượng vũ trang,... với các nước có chung đường biên giới, tạo môi trường hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta, đặc biệt ở vùng biên giới, hải đảo là tuyến đầu, là cột mốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần nâng cao nhận thức, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu để huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng chính là biện pháp hiệu quả nhất để xóa bỏ dần khoảng cách chênh lệch giữa 54 dân tộc ở nước ta.
|
TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển |
Bài viết đã đăng: Tạp chí Nhà Quản lý