Chi tiết bài viết
Có thể phải lùi thời điểm tăng lương
Bộ Tài chính đưa ra kiến nghị không tăng lương tối thiểu khu vực Nhà nước. |
Hiện tại, ta có hai hệ thống lương cho hai khu vực, một là khu vực Nhà nước – có nguồn từ ngân sách và hai là khu vực doanh nghiệp – có nguồn do doanh nghiệp tự cân đối. Dựa trên cân đối ngân sách, bộ Tài chính đưa ra kiến nghị không tăng lương tối thiểu khu vực Nhà nước. Khu vực này bao gồm lương cho hệ thống công chức, viên chức, Đảng, đoàn thể… Việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong khu vực nhà nước bao nhiêu năm nay vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách và phải “liệu cơm gắp mắm”, ngân sách dư dả thì tăng nhiều, không thì tăng ít. Cái khó của việc tính lương cho khu vực nhà nước là đi kèm theo việc tăng trợ cấp cho những người có công, người đang được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội…Vì vậy bài toán cân đối ngân sách luôn rất khó. Riêng khu vực doanh nghiệp, việc tăng như thế nào phụ thuộc vào lộ trình đã được quy định và khả năng chấp nhận của doanh nghiệp.
Thưa ông, việc quy định nguồn cho tăng lương của hai khu vực có sự tách bạch. Liệu sẽ có chuyện chỉ tăng lương cho lao động ở khu vực doanh nghiệp không?
Ở trách nhiệm của mình, bộ Lao động – thương binh và xã hội là đơn vị nghiên cứu và đề xuất mức lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp, sau khi căn cứ vào ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội các doanh nghiệp… thì sẽ đưa ra mức tăng lương tối thiểu cho khu vực này. Bộ dự kiến thời gian tăng vẫn là ngày 1.1.2013 để đảm bảo lộ trình đã được quy định. Còn việc quyết định tăng như thế nào, thời gian tăng khi nào do Chính phủ quyết định.
Trong thực tế nếu chỉ tăng lương cho một khu vực sẽ tạo nên chênh lệch thu nhập và hiệu ứng xã hội không tốt?
Chuyện đó chắc chắn sẽ có. Bởi vậy, Chính phủ sẽ phải cân nhắc tăng bao nhiêu, tăng thế nào cho phù hợp và không gây nên những hiệu ứng xã hội. Tuy nhiên, nguồn tăng lương của hai khu vực này khác nhau. Với khu vực doanh nghiệp, trong thời điểm hiện tại khi lượng hàng tồn kho lớn, tăng lương ít nhiều sẽ tác động tới giá thành sản xuất sản phẩm nên cũng phải cân nhắc.
Là người tham mưu cho Chính phủ về các phương án tăng lương, ông có thấy sự bất hợp lý khi chỉ cùng một địa bàn mà có đến ba mức sống tối thiểu đối với người lao động làm việc ở khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
Lật ngược lại vấn đề, nếu chỉ có một mức lương tối thiểu thì khu vực doanh nghiệp luôn luôn phải chờ đợi khu vực Nhà nước. Đến giờ ngân sách khó có đủ để chi tăng lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động, theo tính toán của chúng tôi. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp cần tiền lương trở thành một động lực để tăng năng suất lao động, cải thiện sản xuất… Vấn đề ở đây là lương tối thiểu của chúng ta không chỉ là mức sàn, là mức sống tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế như bản chất của chính nó. Lương tối thiểu còn đang được dùng như mức lương thấp nhất và làm căn cứ xây dựng thang bảng lương… nên nếu không quy định như vậy, người lao động khu vực doanh nghiệp sẽ không thể thoả thuận được với chủ sử dụng lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ phải tự cân đối nguồn và tính đến chuyện tăng lương cho người lao động khu vực nhà nước vào năm 2013, có thể tăng mức thấp hơn cũng được. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Chắc chắn khi tính đến mức tăng, Chính phủ phải tính đến các hiệu ứng xã hội từ việc tăng lương. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, tôi nghĩ có thể thời điểm tăng lương sẽ lùi lại. Khu vực doanh nghiệp có thể cũng sẽ được tính mức tăng và thời điểm tăng phù hợp để không gây ra những hiệu ứng xã hội không tốt.
theo sgtt.vn