Chi tiết bài viết
Chuyện nhà có 3 anh hùng
Trung tá Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Đinh Châu (tức Nguyễn Hữu Đức) - người đã ngã xuống trong trận đánh Mậu Thân ở khu vực Hoà Vang (Đà Nẵng) là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhưng ít ai biết rằng gia đình ông ở xã Điện Nam Đông, Điện Bàn (Quảng Nam) đặc biệt nhất cả nước bởi có đến 3 anh hùng. Ngoài ông Châu thì mẹ ông - bà Phạm Thị Huệ và vợ ông - bà Nguyễn Thị Phấn đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Anh Đinh Văn Ba cùng các kỷ vật về cha mình |
Người chỉ huy “2 trong 1”
Trong ký ức của ông Võ Thanh Ba, đại tá Lê Đình Sanh, đại tá Nguyễn Văn Trí, Anh hùng Đinh Châu là người tài đức vẹn toàn. Ở cương vị nào ông cũng để lại những dấu ấn khó quên.
Sinh năm 1926, từ chỉ huy du kích xã, ông Đinh Châu được cử làm trợ lý Huyện đội Điện Bàn, Đại đội trưởng Đại đội 230 của Tiểu đoàn 17 Quảng Nam- Đà Nẵng. Tập kết ra Bắc, ông công tác trong Sư đoàn 350 bảo vệ thủ đô, là Tiểu đoàn trưởng, sau đó về quê hương chiến đấu, trở thành lớp cán bộ quân sự đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
Trong những năm gian khó trăm bề ấy, ông cùng Ban Quân sự tỉnh trực tiếp xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, phát động chiến tranh nhân dân làm nên những trận đầu thắng lớn như Gia Lâu, Bốt Xít, Hiệp Đức, Phó Nam...
Mặc dù công tác bận rộn nhưng những đợt phá rẫy, tuốt lúa, gùi gạo, trồng sắn, làm nhà, nhất là cải thiện đời sống cho đơn vị, ông đều năng nổ, tích cực, hoà mình vào đời sống chiến sĩ. Có ít quân trang, ông luôn nhường cho anh em, còn ông - Tỉnh đội trưởng Quảng Nam- Đà Nẵng vẫn bộ bà ba đen bạc phếch, chiếc mũ tai bèo đã sờn, khi đi phát rẫy vẫn quần đùi áo cổ vuông, mong manh suốt bốn mùa.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trên cương vị Phó Tham mưu trưởng rồi Tham mưu trưởng Mặt trận 4, Thành đội trưởng Đà Nẵng, ông được Thường vụ Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 cử làm chỉ huy trưởng cánh quân Đông Nam, dùng Tiểu đoàn 1 (R20) thọc sâu, mở bàn đạp cho Sư đoàn 2 phát triển vào nội thành.
Gặp sự phản công quyết liệt của địch ở khu vực Trung Lương - Cồn Dầu (Hoà Vang), suốt cả ngày 30.1.1968, ông vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu vừa tổ chức động viên cán bộ, chiến sĩ đánh trả kiên cường, phá được vòng vây trong đêm. Bị quân Mỹ phục kích, ông hy sinh rạng sáng 31.1.1968, đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của ông.
Trong buổi tưởng niệm nhân 40 năm ngày mất Anh hùng Đinh Châu tại nhà con trai ông trên đường Bế Văn Đàn, TP.Đà Nẵng, có rất đông bạn bè chiến đấu của ông. Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, lãnh đạo Tỉnh đội Quảng Nam, UBND TP. Đà Nẵng, Sư đoàn Bảo vệ Thủ đô 350, Tiểu đoàn 1 (R20)... đều thường xuyên đến thăm, thắp hương. Liệt sĩ Đinh Châu luôn sống mãi trong nỗi nhớ thương của đồng đội và nhân dân.
Giọt nước mắt trong hầm
Anh Đinh Văn Ba - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ Công ty CP Xe khách và Dịch vụ thương mại Đà Nẵng - người còn lại duy nhất của gia đình liệt sĩ Đinh Châu bồi hồi khi kể cho chúng tôi nghe về cha, mẹ và người anh thân yêu của mình.
“Đầu năm 1964, khi tôi mới lên 10, ba tôi về thăm nhà sau thời gian dài công tác xa. Lúc này, ông nội tôi là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến của xã đã hy sinh, bà nội mất, các chú đều đã thoát ly (sau này 2 người chú là liệt sĩ). Ba bảo tôi và anh trai tôi đi theo ba. Mẹ ở căn cứ vài ngày, chăm sóc mấy cha con rồi về vì bà là cán bộ phụ nữ xã, không thể bỏ phong trào mà đi. Nhớ buổi chia tay, bình thường mẹ rất cứng cỏi, vậy mà lúc đó nước mắt vòng quanh. Hình như bà linh tính điều dữ sẽ ập đến gia đình mình.
Tôi nhìn theo bóng mẹ với chiếc áo bà ba đen khuất dần. Quả thực tôi không muốn xa mẹ, nhưng tôi nghe theo lời cha dặn: “Con phải ra miền Bắc học tập, đây không phải việc của ba, của con mà là việc của nước non, Tổ quốc”, tôi đồng ý lên núi nhưng vẫn chần chừ không ra miền Bắc. Tôi sống cùng các cô chú, còn ba vẫn biền biệt công tác.
Một đêm cuối tháng 7.1967, tại xã Lộc Sơn vùng B, Đại Lộc, tôi được gặp ba trong căn hầm chữ A. Hai ba con ôm chầm nhau, thổn thức. Ba lại nhắc tôi: “Đây không phải việc của ba và con...”. Tôi gật đầu. Ba và các cô chú đã chuẩn bị cho tôi đủ thứ để lên đường. Ba tặng tôi chiếc võng dù và tôi đã giữ mãi bên mình”.
Ba tháng vượt Trường Sơn, Đinh Văn Ba đặt chân lên miền Bắc. Chưa được bao lâu, trong 2 năm 1967 - 1968, tin dữ chồng lên tin dữ: Mẹ hy sinh tại quê nhà. Anh trai Đinh Lưu - chiến sĩ thông tin hy sinh trong một trận đánh. Ba hy sinh ở mặt trận Đà Nẵng...
“Tuy nhiên tôi vẫn cố tin rằng, có sự nhầm lẫn nào đó, chứ ba tôi không thể chết. Đầu năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không đi học nước ngoài để tìm gặp ba và những người thân trong gia đình. Khi biết tất cả tin báo đều là sự thật, tôi như gục ngã”...
Ngỡ như không còn đủ sức để đi tiếp trên con đường học hành, nhưng rồi truyền thống gia đình, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, dòng tộc, cô bác ruột thịt đã nâng đỡ anh Ba dậy. Anh đã học tiếp Đại học Bách khoa, ra trường làm ở Công ty CP Xe khách và Dịch vụ thương mại Đà Nẵng hơn 20 năm nay.
theo danviet.vn