“Khéo co thì ấm”
Chúng tôi luôn tâm đắc với câu nói của thầy Trần Khánh Tài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Hoa A (xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, tỉnh Sơn La): “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Để đến Trường Tiểu học Chiềng Hoa A, từ TP Sơn La, chúng tôi ngồi ô tô đi khoảng 35 phút, rồi xuống ca nô xuôi theo lòng hồ thủy điện sông Đà gần 6km và tiếp tục bắt xe ôm đi thêm 16km nữa. Con đường nằm dọc theo thủy điện Nậm Pia, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Chi phí tính từ bến đò Tạ Bú (nằm trên tỉnh lộ 106 từ TP Sơn La đi huyện Mường La) về đến trường tính sơ sơ một lượt khoảng 50.000 đồng. Tất nhiên thầy cô có thể tiết kiệm tiền xe ôm bằng cách… đi bộ.
Trường Tiểu học Chiềng Hoa A có 26 giáo viên, trong đó chỉ có một người địa phương, số còn lại đến từ miền xuôi, người xa nhất ở tỉnh Thanh Hóa. Chi phí đi lại vô cùng tốn kém. Nhiều người có xe máy nhưng chỉ có thể dùng trong những ngày đẹp trời. Khi trời mưa, xe phải gửi lại bến đò. Liên quan đến xe máy, chúng tôi được biết trung bình mỗi tháng các thầy cô phải chi trên dưới 500.000 đồng để mua xăng dầu, bảo dưỡng. Chúng tôi và thầy Tài làm phép tính đơn giản và thấy rằng chi phí cho những khoản ăn uống, đi lại lên tới khoảng 4 triệu đồng/tháng, gần hết số tiền lương mà các thầy cô tập sự đang được nhận.

Tổng thể những vấn đề bất cập trong việc chi trả tiền lương của giáo viên nói chung hiện nay đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các ban, bộ, ngành kiến nghị cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo hướng khắc phục những bất cập hiện có, để vị thế của người giáo viên được đặt đúng chỗ.
Nhân chuyến công tác này, chúng tôi cũng gợi lại vấn đề “cô Trương Thị Lan, giáo viên mầm non ở tỉnh Hà Tĩnh nhận lương hưu 1,3 triệu đồng sau 30 năm công tác” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhiều giáo viên vùng cao. Câu trả lời nhận được khá lạc quan. Nhiều nhà giáo cho rằng cô Lan thiệt thòi do không có biên chế trong một thời gian dài nên quá trình đóng bảo hiểm xã hội ít, dẫn đến lương ít. Giáo viên vùng cao cơ bản khi đã qua các kỳ thi tuyển của tỉnh thì chỉ mất một năm tập sự, sau đó được xét tuyển biên chế luôn. Vì thế, việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ được thực hiện ngay khi vào biên chế, nên lương hưu sẽ dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy trong thời điểm hiện tại, dù cộng tất cả chế độ đãi ngộ thì lương của giáo viên vẫn thấp. Và lương thấp nên các thầy cô ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn phải “khéo co” lắm mới đủ chi trả cho những chi phí sinh hoạt.
"Cái khó ló cái khôn"
Trường Tiểu học Chiềng Hoa A nằm bên sườn dốc của núi Kéo Ớt, một ngọn núi thuộc dãy Lọng San, địa hình hẹp và dốc. Mỗi khi mưa lũ, cả trường biến thành một cái hố đựng bùn. Thứ bùn đỏ rất khó dọn dẹp, lau rửa. Nhưng giờ đây, trường đã có diện mạo tương đối khang trang, tất cả nhờ tài xoay xở của thầy hiệu trưởng Trần Khánh Tài.

Thầy Trần Khánh Tài nói: “Trường chúng tôi có 5 điểm trường, tổng số 371 học sinh. Điểm trường xa nhất là ở bản Lọng Sản, cách đây hơn 8km nên đi dạy thì khó có thể về trong ngày. Hiện tại chúng tôi mới chỉ đưa được 13 em học sinh lớp 3, 4, 5 ở những bản xa nhất về trường trung tâm học bán trú. Nếu có cơ sở vật chất đầy đủ, chúng tôi sẽ đưa thêm nhiều học sinh về hơn”.
Công trình do Bộ Quốc phòng xây tặng sẽ được bàn giao cho trường trước ngày 22-12 năm nay. Bao nhiêu dự định trang hoàng sân vườn, trồng cây, trồng hoa đã được thầy trò nhà trường hoạch định sẵn. Nhìn cảnh các thầy cô giáo, học sinh tranh thủ những phút giải lao giúp đỡ bộ đội xây trường thật vui mắt.
Từ huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai, thầy hiệu trưởng Bùi Duy Nam của Trường PTDTBT THCS Tà Mung cho rằng, khắc phục khó khăn là “ló” ra nhiều cách làm hay. Năm 2007, xã Tà Mung (tách ra từ xã Mường Than, huyện Than Uyên) điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 80%, đa phần rơi vào các hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông. Trường PTDTBT THCS Tà Mung có 2 điểm trường cách nhau 8km. Năm 2011, thầy Nam được chỉ định làm hiệu trưởng. Ngay từ thời điểm đó thầy chủ trương xóa bỏ điểm trường, vận động học sinh học bán trú.
Bắt đầu từ những bữa cơm ngon có thịt, sau đó là các hoạt động văn hóa, thể thao và cuối cùng là những bài học kỹ năng sống… đến giờ sĩ số học sinh đến trường luôn bảo đảm gần 100%. Cũng cần nói thêm, quỹ đất của trường khá rộng, thầy cô giáo trước là hướng dẫn và sau đó “khoán sản phẩm” tăng gia sản xuất cho học sinh. Vì thế nhiều năm trở lại đây trường tự cung tự cấp được thực phẩm để cải thiện bữa ăn, thậm chí còn thừa để tặng trường bạn là Trường THCS Phúc Than.
Điều đáng mừng là do tập trung vào một điểm trường nên giáo viên bộ môn không phải đi lại nhiều. Cùng với đó là phong trào tăng gia sản xuất cũng góp phần cải thiện đời sống giáo viên. Năm 2016, có 60% học sinh lớp 9 của trường thi đậu vào trường PTDTNT tỉnh, hoặc được xét đi học nghề. Số còn lại trở về địa phương cũng bắt nhịp tốt với hoạt động lao động sản xuất. Thành công của Trường PTDTBT THCS Tà Mung được Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu đánh giá cao.
Thầy giáo Bùi Duy Nam tâm sự: “Điều quan trọng là phải tin tưởng, gần gũi học sinh cũng như thầy cô giáo để nắm bắt tâm tư tình cảm. Khi tất cả đã đồng lòng quyết tâm “thoát nghèo” thì hoàn cảnh dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng sẽ làm được”.
Vì tình yêu nghề, các thầy cô giáo vùng cao đã tự thân vận động, biết thích ứng và biến đổi hoàn cảnh khó khăn của địa phương để xây dựng trường học thành mái ấm cho học sinh. Những điều đó hẳn không chỉ có tâm huyết mà còn cần cả tài năng, trí tuệ mới làm được.
Bài 3: Xây thêm những điểm tựa mới cho học trò
Mô hình trường bán trú có rất nhiều điểm lợi và thực tiễn ở Lai Châu đã cho thấy hiệu quả. Trong cuộc làm việc với thầy Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lai Châu, chúng tôi được giải thích rõ hơn về lợi ích của mô hình này, như: Khả năng tiếp thu bài của học sinh được nâng cao rõ rệt; giáo viên có thể tập trung chuyên sâu hơn về chuyên môn; cơ sở vật chất không phải đầu tư dàn trải... Lợi ích đã thấy rõ, nhưng cần tiến hành một cách hợp lý.
Để không còn tình trạng “gần nhà xa ngõ”
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phăng Sô Lin nằm cách trung tâm huyện Sìn Hồ (Lai Châu) chừng 2km. Trước đây, nhà trường có 9 điểm trường nằm ở 9 bản, điểm trường xa nhất nằm cách trường trung tâm… 47km-đó là điểm trường ở bản Nậm Lúc. Muốn tới Nậm Lúc, giáo viên phải đi vòng xuống vùng thấp thuộc xã Lùng Thàng rồi lại đi ngược lên vùng cao. Đấy là vào ngày đẹp trời còn đi xe máy được, nếu chỉ cần mây mù, mưa gió là Nậm Lúc sẽ biến thành một ốc đảo biệt lập.
Năm 2012, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phăng Sô Lin mới thực hiện mô hình trường bán trú. Cô Hoàng Thị Kim Oanh-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, đặc biệt là các ban, ngành trong huyện và xã rà soát, giúp đỡ vận động học sinh đến trường, nên những năm qua trường, chúng tôi luôn bảo đảm 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường và hưởng lợi ích từ mô hình trường bán trú. Đời sống của giáo viên cũng ngày một nâng lên, các thầy cô đều yên tâm công tác”.


Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Phăng Sô Lin (Sìn Hồ, Lai Châu) tập tiết mục múa quạt.
Chúng tôi gặp thầy Chẻo A Lìn, đã có 10 năm gắn bó tại điểm trường Nậm Lúc. Thầy cho biết, khó khăn của điểm trường biểu hiện ở nhiều mặt, như: Thiếu điện, thiếu nước, thiếu thông tin liên lạc, thiên nhiên khắc nghiệt không thể tăng gia sản xuất... Chẻo A Lìn là người dân tộc Dao ở xã Phăng Sô Lin từ nhỏ nhưng khi nhận công tác tại điểm trường Nậm Lúc cũng có lúc tâm tư. Thầy tâm sự: “Khó khăn lớn nhất là thiếu nước. Nước ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện tắm giặt. Là giáo viên nam nhưng nhiều lúc tôi không thể chịu nổi cảnh “nhịn” tắm giặt đến cả tháng trời. Chưa nói đến việc chế độ đãi ngộ ở những điểm bản cũng chẳng khác gì so với trường trung tâm, vì cùng địa bàn xã... Nghe vậy, chúng tôi mường tượng, nếu đưa các cô giáo lên cắm bản thì họ sẽ phải chịu đựng gian khổ đến mức nào.
Thầy Đỗ Văn Hán được coi là người kiến tạo và thực hành chủ trương trường bán trú, đưa học trò từ bản xuống trường trung tâm. Từ năm 2010, Lai Châu đã thí điểm và thực hành một cách hợp lý việc cho học sinh ăn, ở bán trú tại trường. Thầy Hán nói: “Trước đây, tôi từng nghe chuyện vì trời lạnh mà giáo viên còn nằm trong chăn đọc bài cho học sinh chép. Dạy như thế thì chất lượng làm sao khá được và cũng làm giảm hình ảnh người thầy. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tình hình của một số điểm trường xa rất gian khó, thiên nhiên, thời tiết rất khắc nghiệt. Nếu theo quy định của Bộ GD&ĐT là dưới 10 độ C học sinh tiểu học không phải đến trường thì nhiều điểm trường ở trên này nghỉ triền miên vào mùa đông. Vậy nên tôi ủng hộ mô hình học sinh tập trung bán trú tại trường và trường thì phải ở trung tâm”.
Câu chuyện “gần nhà xa ngõ”, chế độ trợ cấp không có gì đặc biệt, thực tế là “nỗi e ngại” của nhiều giáo viên vùng cao. Đến bây giờ, nhiều trường phải thực hiện chế độ “trực gác” theo vòng. Chỉ ưu tiên những giáo viên lớn tuổi, hoặc đang mang thai, còn tất cả phải luân phiên cắm bản. Thực tế cũng có trường hợp giáo viên “chạy chọt” để không phải đi điểm trường. Với việc thực hiện mô hình bán trú, mỗi học sinh được Nhà nước hỗ trợ 520.000 đồng cộng thêm 15kg gạo ăn hằng tháng, nên không ít trường dù không đủ điều kiện cũng đã “vượt rào” một cách tự phát, chờ Nhà nước công nhận mô hình bán trú sau. Cứ đưa học sinh về nuôi bán trú, thầy cô đóng góp để nuôi học sinh. Vậy là đồng lương ít ỏi lại phải thêm một phần san sẻ, nhưng như vậy còn đỡ vất vả hơn việc đi “cắm bản”.
Trường bán trú-điểm sáng văn hóa
Vùng miền núi Tây Bắc là vùng có nhiều hoạt động văn hóa gắn với phong tục tập quán, lễ, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con thường ăn Tết dài. Học sinh cũng vậy. Thế nhưng tình trạng học sinh vắng mặt sau những dịp lễ, Tết gần đây giảm hẳn. Thậm chí, không ít em thích ở lại trường vui Tết cùng các bạn. Trong năm qua, cô giáo Tẩn U Mẩy, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Cha (Sìn Hồ, Lai Châu) tổ chức được nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ để “giữ chân” các em ở lại trường. Những hoạt động này gồm: Các trò chơi dân gian, thi gói bánh, nấu bánh và rất nhiều tiết mục văn nghệ... Thầy, cô kể rằng, vào những dịp lễ, Tết của đồng bào, cả trường rộn lên tiếng hát ca, chỗ thì gói bánh, chỗ chơi đẩy gậy. Rất vui.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Mung (Than Uyên, Lai Châu) mấy năm qua được khoán ruộng tăng gia, cấp cá giống, gà giống… Các em được học cách chăn nuôi, vào những dịp lễ cũng là dịp thu hoạch thành quả lao động. Ngoài ra, trong ngày thường, các hoạt động thể thao, văn nghệ cũng được duy trì đều đặn, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Bên cạnh đó, các hoạt động bổ túc hướng nghiệp cũng được thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường thường xuyên chăm lo. Có thể nói, một phần thành tích học tập tốt của trường có được là nhờ phong trào thể thao, văn nghệ, các bài học hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống đem lại.
Thầy Đỗ Văn Hán, người có 36 năm kinh nghiệm gắn bó với ngành giáo dục vùng cao, nói rằng: “Giáo viên giỏi trên vùng núi này phải giỏi rất nhiều việc. Giỏi chuyên môn chưa đủ, còn phải giỏi tiếng dân tộc, hiểu biết phong tục, tập quán và chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm làm ăn. Phương pháp giảng dạy cũng phải giỏi “tùy biến” cho phù hợp với tình hình đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương”.
Những điều đó có thể hình dung như thế này: Thiếu niên vùng cao trưởng thành khá sớm, trước đây ở tuổi 15 nhiều em đã lấy vợ, lấy chồng, làm chủ cơ nghiệp. Để chuẩn bị cho các em, thầy cô giáo phải đưa những kiến thức canh tác, chăn nuôi vào những giờ ngoại khóa để các em “thấm” dần những kỹ năng đó. Ngoài ra, kỹ năng sống như vệ sinh, giặt giũ, gấp chăn màn, giáo dục giới tính cũng là một nội dung quan trọng mà giờ ngoại khóa của các trường bậc THCS đều có.
Ở những trường chúng tôi đã qua trong chuyến công tác này và cả nhiều chuyến công tác trước, phương châm giáo dục học sinh trở thành người có ích đã trở nên rất phổ biến. Ví dụ, ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Mung, mỗi học sinh được chia một luống rau và được khoán sản phẩm. Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Cha, mặc dù diện tích vườn khá hẹp nhưng các thầy cô cũng cố gắng tận dụng những rẻo đất quanh trường để dạy các em cách canh tác, chăn nuôi. Ở các trường tiểu học, các em cũng được thầy cô dạy từ những việc như: Thổi cơm, vo gạo, gấp chăn màn, tắm giặt... Qua đó mới thấy, muốn các em học sinh ở vùng cao trưởng thành, khôn lớn, nhất thiết phải được uốn nắn từ rất nhỏ, rất kỳ công và chỉ có các trường thực hiện mô hình bán trú mới làm được.
Khép lại hành trình về với thầy và trò các trường vùng cao Tây Bắc, chúng tôi nhớ mãi những ánh mắt, nụ cười của các em học sinh, các thầy cô giáo. Trên những rẻo đất này, các thầy cô giáo phần nhiều thuộc thế hệ 8X, 9X đang nâng niu, chắp cánh những giấc mơ bay cao, bay xa cho các em học sinh. Rồi đây, chính các em sẽ có cơ hội tiếp nối sự nghiệp đó khi mỗi người đang nỗ lực học tập vươn lên thành những công dân có ích cho cộng đồng, cho Tổ quốc.