Chi tiết bài viết
Chương trình giáo dục mầm non mới: Giúp trẻ em phát triển toàn diện
Hình thành nhân cách, thể chất, giai đoạn giáo dục mầm non quan trọng bậc nhất, thậm chí mang tính quyết định.
Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” nhằm tạo diễn đàn trao đổi và tiếp thu bài học kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới ở Việt Nam được tổ chức chiều 17/10, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chương trình giáo dục mầm non được ban hành năm 2009 và đang được triển khai đồng bộ trên cả nước. Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo, trong đó có giáo dục phổ thông, đạt được những kết quả tốt. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình giáo dục mầm non đã tốt nhưng chưa đủ, cần phải làm tốt hơn nữa. Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam nhấn mạnh phương diện phát triển con người một cách toàn diện.
Hình thành nhân cách, thể chất, giai đoạn giáo dục mầm non có thể nói là quan trọng bậc nhất, thậm chí mang tính quyết định. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT nhận thức được tầm quan trọng, cũng như thách thức trong xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.
Theo đó, Chương trình giáo dục mầm non vừa tiếp cận được kinh nghiệm thế giới, khoa học với bậc học mầm non; vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Chương trình cũng phải đạt được các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược của Việt Nam về phát triển con người.
Trước đó, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
Cuối năm 2021, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo với chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước về việc đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non. Cùng với đó là hội thảo với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đại diện 63 tỉnh, thành phố để đánh giá việc thực hiện chương trình.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có đánh giá, phân tích ngành đối với giáo dục mầm non. Qua đó nhìn nhận, đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành và rút kinh nghiệm, đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.
Giúp trẻ em phát triển toàn diện
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, cho rằng: Chương trình mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành để cơ sở dễ thực hiện và tiếp tục phát triển.
Chương trình cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước
Chương trình cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế. Nên chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4.
Cấu trúc và hình thức của văn bản Chương trình cần phù hợp với cấu trúc của chương trình mang tính chất khung, về thể thức. Chương trình cũng đặt yêu cầu cần cấu trúc mục riêng để chỉ rõ quan điểm của Chương trình giáo dục mầm non và điều kiện thực hiện Chương trình.
Nội dung chương trình cần thể hiện rõ nét hơn tính liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông, cần xem xét lại khả năng tiền học đọc và tiền học viết cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi để liên thông với tiếng Việt tiểu học.
Cần đưa làm quen với ngoại ngữ và đưa thêm phần ứng dụng công nghệ; giáo dục quyền con người, giáo dục hòa nhập, giáo dục giới tính vào Chương trình. Cần xem xét chế độ sinh hoạt cho trẻ bảo đảm chế độ làm việc của giáo viên theo Luật Lao động. Chế độ sinh hoạt cần có tính mở để địa phương có thể linh hoạt theo tình hình thực tế vùng miền.
Về định hướng xây dựng Chương trình, PGS Nguyễn Bá Minh kiến nghị, Chương trình giáo dục mầm non được xây dựng, nhằm bảo đảm kết nối với Chương trình giáo dục phổ thông để góp phần xây dựng các giá trị cốt lõi con người Việt Nam mới: Yêu nước, sáng tạo, kỷ luật, trách nhiệm, trung thực, tự lập. Nâng cao vị thế xã hội của giáo dục mầm non trong giai đoạn tới. Bảo đảm quyền bình đẳng cho trẻ em Việt Nam trong thụ hưởng giáo dục mầm non có chất lượng và hoà nhập.
Bảo đảm sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự tham gia hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên cơ sở thống nhất toàn quốc về các mục tiêu và kết quả mong đợi của trẻ em cuối độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, yêu cầu bắt buộc về điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
Mục tiêu nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành ở trẻ em những phẩm chất và năng lực mang tính nền tảng, phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào lớp một, tạo cơ sở cho việc học tập thành công ở cấp học tiếp theo và học tập suốt đời.
PGS Nguyễn Bá Minh đặc biệt nhấn mạnh, Chương trình giáo dục mầm non mới cần tập trung hình thành ở trẻ em mầm non các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam mới: Yêu nước, tôn trọng, kỷ luật, trách nhiệm, trung thực ,sáng tạo, ở mức độ phù hợp với lứa tuổi.
Năng lực là những gì trẻ em có thể làm được sau quá trình giáo dục
GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng theo tiếp cận năng lực, trong đó coi “Năng lực là những gì trẻ em có thể làm được sau quá trình giáo dục”. Năng lực là thành phần cốt lõi tạo ra hệ giá trị con người, năng lực theo nghĩa rộng bao gồm cả các phẩm chất và năng lực chung, các năng lực đặc thù/riêng.
Các phẩm chất và năng lực nêu trên được thể hiện cụ thể ở kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, biểu thị những gì trẻ em ở độ tuổi đó có thể làm được. Kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo có sự đồng tâm phát triển với nhau và kết quả mong đợi mẫu giáo bảo đảm liên thông với yêu cầu cần đạt ở tiểu học.
Dựa trên mục tiêu và kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo các địa phương và từng cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn nội dung giáo dục gần gũi với kinh nghiệm sống của trẻ em và phù hợp với bối cảnh văn hoá của gia đình, cộng đồng, địa phương để xây dựng các chủ đề giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, tổ chức cho trẻ em học qua chơi và trải nghiệm bằng phương pháp sư phạm tích hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và học tập của từng độ tuổi.
GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh các phẩm chất/giá trị cốt lõi, đó là: Yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm; các năng lực chung: Giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tự lực, thích ứng; các năng lực đặc thù về Thể chất, Toán, Khoa học và công nghệ, Khám phá xã hội, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, với kết quả mong đợi cuối giai đoạn nhà trẻ, mẫu giáo phù hợp với trẻ mầm non.
Đặc biệt lưu ý về quá trình sư phạm khi triển khai thực hiện, GS Lê Anh Vinh đề xuất: Các nguyên tắc và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng chơi và trải nghiệm để hình thành năng lực cho trẻ mầm non. Cộng tác của các lực lượng giáo dục: Gia đình - Nhà trường (trường mầm non, trường tiểu học) - Cộng đồng - Xã hội để bảo đảm thực hiện thành công quá trình sư phạm nhằm hình thành được khung kết quả mong đợi theo năng lực ở từng giai đoạn lứa tuổi.
Phương Liên