Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2017 đạt 13,7 tỷ USD. Với nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, cao su nằm trong tốp 3, tốp 4 của thế giới về sản lượng. Công bằng mà xét, đây là thành tựu lớn của ngành nông nghiệp và của nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, dù là “người khổng lồ” nhưng nông sản Việt Nam cũng “lộ gót chân a-sin”, ấy là xuất khẩu nhiều nhưng số tiền thu được từ nông sản khi xuất ra thế giới lại chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân ở đây là do nông sản của nước ta chưa có thương hiệu trên thị trường, giá bán thường thấp, lại chủ yếu “xuất thô” nên giá trị xuất khẩu không cao. Cũng vì chưa "có tên tuổi" nên các sản phẩm nông sản nước ta vẫn phải chịu cảnh lép vế, thậm chí phải “núp bóng” dưới cái tên, thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Đây là hệ quả của việc trong suốt một thời gian dài chúng ta chưa chú trọng nhiều đến “chất”, chỉ tập trung vào số lượng các mặt hàng, chưa kể việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của chúng ta còn rất chừng mực và chưa thật sự bài bản.
Lấy ví dụ về Cam-pu-chia, mặc dù là quốc gia mới “chân ướt chân ráo” tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo từ vài năm nay, với sản lượng khiêm tốn khoảng 500.000 tấn/năm, nhưng gạo Cam-pu-chia đã có giá bán từ 900 đến 1.200 USD/tấn (cao gấp 2-3 lần gạo Việt Nam). Đặc biệt hơn, gạo của Cam-pu-chia còn giành danh hiệu "gạo ngon nhất thế giới".
Sản xuất gạo của Cam-pu-chia là bài học kinh nghiệm tốt đối với các nhà sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam trong việc hoạch định chiến lược xuất khẩu gắn với những thế mạnh của đất nước. Mỗi quốc gia có những lợi thế riêng và lựa chọn từng phân khúc thị trường cả cao cấp và bình dân. Kết quả cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh tế của từng thị trường.
Đã đến lúc sản phẩm nông sản của Việt Nam cần phải có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước nếu muốn cạnh tranh và hội nhập thành công, để mang lại giá trị kinh tế cao. Và để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, trước tiên, chúng ta cần phải thay đổi đồng bộ từ nhận thức đến hành động không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp mà cả người dân, nói rộng hơn là tất cả những người làm nông nghiệp. Cùng với đó, sản xuất nông sản phải chú trọng từ khâu nghiên cứu, dự báo thị trường đến sản xuất, chế biến, phân phối xây dựng theo chuỗi giá trị. Để làm được điều này không chỉ cần sự tham gia hỗ trợ tích cực của nhà nước, nông dân, các hiệp hội sản xuất, chế biến mà còn rất cần sự tham gia của chính các doanh nghiệp. Nếu thiếu sự tham gia này, thương hiệu nông sản của Việt Nam khó có thể xây dựng thành công. Thực tế đã minh chứng rất cụ thể, nếu trước kia Việt Nam thường phải nhập khẩu sữa và sữa ngoại gần như thống trị trên thị trường nội địa thì nay sữa nội không chỉ chiếm lĩnh thị trường “sân nhà” mà đã có tên trên “bản đồ sữa” thế giới và đang trên đường chinh phục khách hàng quốc tế với các sản phẩm mang thương hiệu như: Vinamilk, TH True Milk.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ví von rằng, doanh nghiệp chính là con thuyền đưa nông sản của Việt Nam ra thế giới. Xu hướng cạnh tranh và hội nhập thành công rất cần sự chung tay xây dựng thương hiệu nông sản Việt và cả những “con thuyền chở nông sản” Việt ra thế giới.
NGHINH XUÂN
Nguồn: www.qdnd.vn