Theo kế hoạch, sau khi công bố dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo và các tầng lớp nhân dân, chương trình sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn chỉnh nội dung để chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018-2019. Như vậy, chỉ còn khoảng một năm rưỡi nữa, các em học sinh ở các cấp phổ thông sẽ được học chương trình nội dung mới. Vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là, làm thế nào để đội ngũ giáo viên phổ thông có thể nhanh chóng tiếp cận, làm chủ được phương pháp giáo dục đáp ứng với chương trình mới?

Một trong những mục đích lớn nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển đổi phương pháp dạy học từ trang bị kiến thức chủ yếu sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh nhiều môn học mới như: Giáo dục kinh tế pháp luật, Thế giới công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo…, còn có một số môn học truyền thống sẽ được tích hợp thành những môn học mới. Trong khi đó, phần đông giáo viên hiện nay vẫn dạy học theo phương pháp cũ, tức là thầy đọc-trò ghi, học gì thi nấy. Cách giảng dạy truyền thống này nếu không thay đổi sẽ không đạt được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn 

Được biết, hiện nay cả nước có gần một triệu giáo viên từ mầm non đến THPT đã qua đào tạo. Theo các chuyên gia giáo dục, để số giáo viên này thích ứng với chương trình mới, nhất thiết phải được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại. Tuy vậy, để làm được việc này không hề đơn giản. Bởi thực tế phần đông giáo viên, nhất là những người đã đứng lâu năm trên bục giảng không phải ai cũng sẵn sàng tâm lý, tinh thần trong việc tiếp cận, làm quen với phương pháp giáo dục mới. Chủ nghĩa kinh nghiệm và sức ỳ của tuổi tác đôi khi lại trở thành lực cản đối với một bộ phận giáo viên không thiết tha với nội dung chương trình và cách thức dạy học mới. Do đó, các nhà trường cần phải chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để khơi thông tư tưởng, động viên tinh thần, tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho họ tự giác, hăng say học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặt khác, các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước phải sớm xây dựng, hoàn thiện chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên để đội ngũ này được chuẩn bị kỹ cả về tâm thế, kiến thức, năng lực, phương pháp giáo dục mới, từ đó mới có thể “nhập cuộc” được ngay khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở các nhà trường.

Dù phương pháp giáo dục mới đặt học sinh ở vị trí trung tâm, nhưng giáo viên bao giờ cũng là nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự thành bại của chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lần này. Không thể có học sinh tốt, không thể có sản phẩm đầu ra tốt nếu không có đội ngũ giáo viên tâm huyết, tài năng, trách nhiệm với sự nghiệp trồng người. Do vậy, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện để có một chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và đáp ứng sự kỳ vọng của toàn xã hội, ngành giáo dục, các cơ sở đào tạo sư phạm và các nhà trường phổ thông phải sớm chuẩn bị đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, thích ứng nhanh với phương pháp giáo dục mới. Hay nói cách khác, đội ngũ giáo viên phổ thông nhất thiết phải được chuẩn bị trước một bước mới hy vọng hiện thực hóa được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

 ANH THẢO

Theo www.qdnd.vn