Chi tiết bài viết

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

 

Phiên họp thứ 4  Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương .
(Ảnh: TH)


Tại phiên họp, các đại biểu đã được nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao trình bày tóm tắt quá trình xây dựng, những nội dung quan trọng của đề án và những vấn đề đã tiếp thu ý kiến Ban Chỉ đạo, những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ban Chỉ đạo về đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố” và đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” và được nghe thông báo ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo về một số vấn đề cần thảo luận, cho ý kiến đối với hai đề án trên.

Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo nhất trí với cách đặt vấn đề về sự cần thiết phải xây dựng đề án. Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, đề án đã thể hiện được tính mục đích và định hướng của việc nghiên cứu là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm kiến nghị lựa chọn mô hình Viện kiểm sát/ Viện công tố phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Về mô hình tố tụng hình sự, Đề án đã phân tích, đánh giá khách quan những ưu điểm, hạn chế của mô hình tố tụng hình sự Việt Nam (mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn) và mô hình tố tụng hình sự tranh tụng; xu hướng giao thoa, tiếp nhận các yếu tố tích cực; tiến bộ giữa các mô hình tố tụng hình sự của các nước trên thế giới; xác định mô hình tố tụng hình sự hợp lý trong điều kiện Việt Nam.

Các đại biểu cũng được nghe ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo về kết quả tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và thảo luận xoay quanh việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân (TAND) và VKSND.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Cần duy trì mô hình tổ chức và hoạt động của VKSND như hiện nay, đồng thời tiếp tục khẳng định VKSND có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng yêu cầu VKSND trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới cho phù hợp với các yêu cầu cải cách tư pháp trong Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn kiện của Đảng.

Về đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”, Chủ tịch nước cho rằng cần tiếp tục duy trì, phát huy những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn, đồng thời tiếp thu có chọn lọc một số hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng nhằm tăng cường chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban cán sự đảng TAND tối cao, VKSND tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ biên tập và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu đề xuất, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Đồng thời, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992 mà trọng tâm là các nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; việc tổ chức hoạt động của TAND, VKSND và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động tư pháp.../.

theo cpv.org.vn