Chi tiết bài viết

Châu Á cần một cơ chế tập thể để ngăn ngừa xung đột

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen. Ảnh: news.gov.sg

Hãng tin Channel Newsasia dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen rằng: "Không giống như châu Âu, ở đây không có cơ chế đa phương cảnh báo bùng nổ xung đột khu vực. Cho đến nay, sức mạnh duy nhất kiềm chế các nước là lợi ích mà bản thân mỗi nước có được từ phát triển kinh tế".

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho rằng các tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên, chủ quyền lãnh thổ và bối cảnh tăng trưởng kinh tế bất ổn như hiện nay đặt an ninh châu Á trước thách thức mới, đặc biệt với các diễn biến mới đây tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Chính vì vậy, châu Á cần phải xây dựng được một cơ chế có sức kháng cự lớn, nhằm tạo được các đồng thuận và niềm tin chính trị. Cơ chế này bao gồm các quy tắc đa phương, các hợp tác cụ thể và các hoạt động phối hợp giữa giới quân sự các nước. Theo ông Ng Eng Hen, vấn đề của an ninh châu Á hiện nay là các quốc gia thiếu lòng tin để xây dựng các biện pháp chung và một giải pháp tạo được đồng thuận.

Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ngày 31/5, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Australia, Nhật Bản và Việt Nam đều lên tiếng chỉ trích những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông,

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thì dùng ngôn mạnh mẽ và trực tiếp tố cáo Trung Quốc có những hành động đơn phương gây bất ổn ở Biển Đông. Ông Hagel cảnh báo Washington sẽ không làm ngơ nếu trật tự quốc tế bị đe dọa.

Australia- một quốc gia có vai trò quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương cũng chĩa mũi dùi về phía Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông David Johnston cho biết: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của ASEAN về những tình hình gần đây đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sử dụng vũ lực hoặc đe dọa để đơn phương thay đổi cục diện ở biển Hoa Đông và Biển Đông là không thể chấp nhận được. Không cần nói thêm thì người ta cũng hiểu Australia khó chịu ra mặt trước những hành động phi pháp của Trung Quốc”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ "hy vọng và trông đợi việc hoàn tất nhanh chóng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), mà sẽ là cách thức duy nhất để ngăn ngừa các sự cố” và để xây dựng một môi trường “hòa bình, ổn định và thịnh vượng” hơn nữa trong khu vực.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định mục tiêu chính của Nga là đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn có ý nghĩa sống còn cho phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.  Để đối phó với các nguy cơ an ninh, cần phải dựa vào các nỗ lực phối hợp dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an cũng như các cấu trúc khu vực và tiểu khu vực, như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...

Tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu: “ASEAN nên đoàn kết trong một số vấn đề quốc phòng then chốt, và không bị kéo vào hướng khác”. Ông Hishammuddin tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, nhưng lại lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh có những biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng với ASEAN. “Các cường quốc phải chân thành hiểu chúng tôi”, ông Hishammuddin nói.

Phát biểu trước các phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-La, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, cho rằng Trung Quốc cần thay đổi phương cách tiếp cận tranh chấp trong khu vực, đặc biệt khi các cuộc đối đầu về lãnh thổ đang diễn ra thường xuyên hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Locklear nhấn mạnh: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đưa ra quyết định về cách thức giải quyết vấn đề trong khu vực thay vì tạo ra chúng. Con đường mà Trung Quốc đang lựa chọn để giải quyết các tranh chấp lãnh hải là không hiệu quả và hoàn toàn chệch hướng”. Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ bày tỏ tin tưởng các nước châu Á có sự đồng thuận cao về việc các bên cần giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.

 

Theo Báo điện tử Chính phủ