Chi tiết bài viết

'Chắp cánh' cho trí thức

Sinh gia trong một gia đình trí thức GS Nguyễn Lân Dũng luôn trăn trở về vấn đề ngày nay thế giới đã bước vào kỷ nguyên của kinh tế tri thức, vậy nên, Đảng, Nhà nước cần có những chính sách mới, để “chắp cánh” cho đội ngũ trí thức Việt Nam có thể yên tâm cống hiến, xây dựng đất nước.
 

GS Nguyễn Lân Dũng.

PV: Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ trí thức. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, đóng góp của đội ngũ trí thức chưa xứng với tiềm năng. Giáo sư đánh giá thế nào về vấn đề này? 

GS Nguyễn Lân Dũng: Có thể nói, trí thức có đóng góp quan trọng trong những thành tựu to lớn của đất nước. Nhưng trí thức cũng có trách nhiệm trong những khuyết điểm tồn tại. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rất rõ điều này, trong đó có một số vấn đề đáng lưu ý như: “Nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng”, hay “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức”.  

Người xưa nói: “Quốc gia hữu sự, sỹ phu hữu trách”. Trí thức Việt Nam không thể không liên quan đến thực trạng như được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một phần đến từ những chính sách đối với đội ngũ trí thức, mà theo tôi, qua kỳ Đại hội lần này, Đảng ta nên có những điều chỉnh để trí thức phát huy hơn nữa vai trò của mình.

Giáo sư có thể chỉ ra một số vấn đề cơ bản về chính sách như ông vừa đề cập?

- Tôi cho rằng vấn đề đầu tiên là đội ngũ trí thức chưa yên tâm làm việc khi đồng lương hoàn toàn không đủ sống. Chẳng hạn như các Tiến sĩ trẻ ở Viện chúng tôi. Không ít các bạn trẻ tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ, Anh, Đức, Nhật về công tác, đảm nhiệm các cương vị phụ trách một phòng nghiên cứu mà lương khởi điểm 1tháng không quá 3,5 triệu đồng (hơn 150 USD). So với việc nếu công tác ở nước ngoài thì có thể nhận 3000-4000 USD. Nếu họ phải lo kiếm tiền thêm bằng các cách khác thì làm sao cống hiến được hết mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. 

Tôi nghĩ chuyện tăng lương để cho đủ sống là bài toán chung rất khó giải quyết, nhưng tôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các nhà khoa học có điều kiện vật chất để đưa vào sản xuất thử nghiệm tại các phân xưởng tất cả các kết quả nghiên cứu khoa học. Như vậy không có tình trạng các kết quả nghiên cứu cất vào tủ một cách rất lãng phí, mặt khác cán bộ khoa học có thể tự nuôi sống mình và gia đình mà không cần làm các việc ngoài chuyên môn.

Hiện nay vẫn tồn tại nghịch lý là lớp cán bộ gạo cội (đã công tác 30-50 năm) vẫn thiếu các điều kiện để có thể hỗ trợ lớp cán bộ trẻ. Trong khi họ cần được đi giao lưu với các nhà khoa học nước ngoài để tiếp thu các hướng nghiên cứu mới, các phương pháp thực nghiệm mới, tiếp cận với các tài liệu cần tham khảo từ các thư viện nước ngoài... Nhưng đang tồn tại một nghịch lý là những cán bộ hay đi nước ngoài phần lớn là các nhà quản lý không còn trực tiếp liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học; những cán bộ khoa học muốn đi thì phải tìm được nguồn tài trợ từ… nước ngoài.

Muốn có kết quả nghiên cứu tốt thì cần có đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu. Theo Giáo sư việc đầu tư của chúng ta hiện nay đã tương xứng chưa?

- Đây cũng là vấn đề nan giải, điều kiện đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học còn rất khiêm tốn nhưng lại tràn lan. Có nơi thừa không phát huy được cơ sở vật chất, có nơi lại rất thiếu mặc dầu có tiềm lực để phát triển, kể cả vươn tới tầm quốc tế. Việc quản lý kinh phí nghiên cứu cũng còn nặng về thủ tục hành chính chứ ít căn cứ vào việc đạt được hay không mục tiêu nghiên cứu. 

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, theo Giáo sư, trong nghiên cứu, ứng dụng thì trí thức Việt Nam nên tập trung đi theo hướng nào là phù hợp nhất?

- Hiện nay, chúng ta đã có những thành tựu khoa học nhất định, một số lĩnh vực có thể sánh với khu vực. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam đang chuyển dịch để trở thành một nước công nghiệp, nhưng phần lớn dân cư vẫn sống ở nông thôn. Nhiều vùng nông thôn người dân  vẫn loay hoay chưa thể thoát nghèo. Tôi cho rằng, trong các hướng đi, đội ngũ trí thức nên dành thời gian suy nghĩ xem liệu bản thân mình và đơn vị nghiên cứu của mình có thể làm gì để góp phần giúp bà con nông dân thực hiện được chuỗi sản xuất trong nông nghiệp.

Có sáng kiến của nhà khoa học, có sự đầu tư của doanh nghiệp để triển khai tiến bộ khoa học và thu mua sản phẩm, có chuỗi cửa hàng tiêu thụ hay tổ chức xuất khẩu nông sản phẩm thì sẽ tránh được tình trạng làm ăn vất vả mà ít hiệu quả, nhất là chuyện được mùa mất giá, chuyện mua phải vật tư nông nghiệp giả, việc lạm dụng nguy hiểm các loại thuốc bảo vệ thực vật...

Hiện nay, đã có không ít nhà khoa học về giúp nông dân nhiều địa phương làm giàu. Bản thân tôi vừa qua đã giúp hai cơ sở ở Hà Nội và TP HCM trồng rau bảo đảm (bảo đảm không dùng phân đạm và thuốc trừ sâu hóa học) được người tiêu dùng rất hoan nghênh và giúp một cơ sở chăn nuôi lợn thay đổi nguồn đạm trong chăn nuôi, giúp nâng tiền lãi mỗi con lợn sau chu trình chăn nuôi lãi được tới 1 triệu đồng (nông dân thường lãi  chỉ 500 nghìn đồng mà thôi)... Đấy là những sáng kiến ngoài chuyên môn mà tôi có thể giúp ích cho nông dân. Cho nên mỗi trí thức nếu thật sự muốn hỗ trợ nông dân thoát nghèo đều có thể phát huy trí tuệ của mình.

Tất nhiên, để nhà nông – nhà khoa học có thể liên kết vẫn cần bổ sung những chính sách, nhưng tôi cho rằng bản thân các nhà khoa học nên tự thấy trách nhiệm của mình với đất nước, với bà con nông dân. Tôi mong  qua Đại hội lần này, Đảng, Nhà nước sẽ đề ra những chính sách mới, hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ những người làm khoa học chân chính phát huy, cống hiến. 

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

    Nhã Phương (thực hiện)

Theo daidoanket.vn