Chi tiết bài viết

CÂU ĐỐI TRÊN CỔNG ĐỀN TRUNG LIỆT GÒ ĐỐNG ĐA HÀ NỘI

Sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên cùng các tác giả Nguyễn Lương Bích, Mai Hanh, Nguyễn Việt, Phan Gia Bền, Võ văn Nhung, Hoa Bằng do Nhà xuất bản Sử học – Viện Sử học xuất bản 12/1960 tại Hà nội, Chương II / Danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử có mục Gò Đống Đa trang 395 ghi:

- “ Gò Đống Đa, thuộc Ấp Thái Hà ngoại thành Hà Nội, là một trong 13 gò, kỷ niệm chiến thắng của Vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào năm 1789,… Sau khi chiến thắng, theo tục lệ đương thời, Vua Quang Trung cho thu nhặt xác quân lính Nhà Thanh bị chết trận, xếp vào hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao lên thành gò, tổng cộng 12 gò. Mười hai gò này nằm rải rác từ Thịnh Quang đến Nam đồng. Vùng này xưa kia hàng năm thường có nạn lụt, đa mọc khắp đồng ruộng và gò đống. Ở ruộng thì dân nhổ đi, còn trên các gò thì đa mọc um tùm, do đó tất cả các gò đều gọi là gò Đống Đa. Năm 1851, công việc mở đường và mở chợ ở vùng Thịnh Quang - Nam đồng do phải đào xẻ nhiều nơi đã làm bật ra nhiều hài cốt quân Thanh. Các hài cốt đó được thu nhặt, chôn vào một cái hố to và đắp cao lên thành gò cạnh núi ốc (Loa Sơn). Dần dần chiếc gò mới này được đắp rộng vào cao thêm, dính liền với núi Ốc và cũng mang tên là gò Đống Đa,… Sau khi Hà Nội bị đế quốc Pháp xâm chiếm, bọn thực dân và bọn Việt gian ra tay phá hủy các công trình kiến trúc của ta. Chúng bạt đi tất cả mười hai chiếc gò chỉ còn lại chiếc gò ở núi Ốc. Trên gò Đống Đa còn lại tên Việt Gian Hoàng Cao Khải đã dời đền Trung Liệt về, định rằng khi chết, bài vị của y sẽ được đặt thờ tại đó. Đến thời tạm chiếm, bọn bù nhìn lại đặt bài vị thờ Vua Quang Trung vào trong đền này – Nguyễn Việt”

Trên hướng tây nam vào ra kinh thành Thăng Long xưa, thường phải đi qua Ô Chợ Dừa. Thời Pháp thuộc chuyển thành Quốc lộ 6. Nay là đường Tây Sơn, quận Đống Đa Thủ đô Hà Nội.Gò Đống Đa ngày nay là một đồi đất tự nhiên có từ thế kỷ 17 xét trên bia đá chùa Càn An liền kề cách gò khoảng hơn 200m được dựng năm 1621 niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 3 có khắc ghi: “Trước mặt chùa có ngọn núi đất (thổ sơn) ở về phía nam”.

Năm 1963 đã được Bộ Văn hóa đã quyết định số 313-VH/VP xếp hạng Gò Đống Đa là Di tích Quốc gia. Ngày 24/12/2018 Gò Đống Đa được Thủ Tướng Chính Phủ quyết định là di tích Lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt bởi ý nghĩa về giá trị là điểm cao  duy nhất còn sót lại trên chiến trường Ngọc Hồi - Đống Đa vào Mùa Xuân năm 1789 quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng quân nhà Thanh giải phóng Thăng Long. Nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du đã làm bài thơ Loa Sơn điếu cổ có câu:

Thành Nam thập nhị kình nghê quán

Chiến điệu anh hùng đại võ công

Tạm dịch:

Thành Nam xác giặc mười hai đống

Ngời sáng anh hùng đại võ công.

Theo truyền thuyết, khu Đống Đa có 12 gò nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng. Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Ốc, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Hàng năm Tết Nguyên Đán ngày Mùng Năm, sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Đền Trung Liệt xây trên đỉnh gò Đống Đa, Hà Nội khoảng đầu những năm 90 của Thế kỷ 19 do Hoàng Cao Khải di dời miếu Trung Liệt về.

Hoàng Cao Khải (黃高啟, 18501933), tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, quê ở làng Đông Thái, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Đại thần thân Pháp dưới triều vua Thành Thái. Năm 1888 được thăng Kinh lược sứ Bắc kỳ được ban thực Ấp Thái Hà, Hà nội. Đỗ cử nhân ân khoa 1868 lúc 19 tuổi (cùng khóa thi với anh ông Phan Đình Phùng tên là Phan Đình Thuật, Phan Đình Phùng năm 1876 mới đậu ở trường thi Nghệ An) năm Tự Đức thứ 21 (1868), cùng được bổ làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm giáo thụ ở phủ Hoài Đức (Hà Tây). Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông lần lượt giữ các chức vụ Tri huyện Thọ Xương rồi thăng quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên. Tháng 1 năm 1887, quyền Tuần phủ Hưng Yên, Hoàng Cao Khải được vua Đồng Khánh cho thực thụ Tuần phủ, gia hàm Thự lý Tổng đốc, nhưng vẫn lãnh Tuần phủ kiêm Tiễu phủ sứ ba tỉnh Hải DươngBắc Ninh, Hưng Yên, đặc biệt tham gia đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Năm 1888, ông được thăng làm Tổng đốc Hải Dương, rồi làm Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước Duyên Mậu Quận công (1890), đây là biệt lệ vì quan lại triều Nguyễn chỉ được truy phong Quận công khi đã mất. Hoàng Cao Khải còn được ban cho thực ấp Thái Hà.

Danh sỹ đương thời là Phan Diện cùng xã Yên Đồng quê với Hoàng Cao Khải biết chuyện Hoàng Cao Khải cho chuyển Miếu Trung Liệt về gò Đống Đa định đổi tên thành Đền Trung lương (nghĩa là trung thần và lương tướng) còn ngầm để thờ sống cả Hoàng Cao Khải, mới có thơ rằng: 

“Các cụ liều thân bỏ chiến trường

Ai đem Trung liệt đổi Trung lương

Thờ bên trung trực bên gian nịnh

Thế cũng đền đài cũng khói hương!

Thơm thúi lẫn nhau mùi tắc họng

Ngọt ngào đầu lưỡi miệng không xương

Nhà nho lại có thằng nào đó

Luồn cúi vào ra bợ cụ Hoàng.”

 

Cổng Đền Trung Liệt, Gò Đống Đa, Hà Nội.

Vốn Trung Liệt miếu, hay Võ (Vũ) miếu được xây vào năm 1685 đời Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) gần Văn Miếu, nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội.Trung Liệt miếu là Miếu thờ các Công thần nhà Lê. Khoảng đầu những năm 90 cuối thế kỷ 19, Hoàng Cao Khải cho di dời miếu Trung Liệt lên đỉnh gò Đống Đa để thờ các vị quan nhà Nguyễn tử trận là Đoàn ThọNguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Vì lẽ trang trọng nên đổi Miếu Trung Liệt thành Đền Trung Liệt. Thông tin không chính thức thì tòa Đền Trung Liệt trên đỉnh gò Đống Đa đã bị phá bỏ vào khoảng 1961 khi Hoàng văn Hoan làm Bí thư Hà Nội. Ngày 11/6 /1979 trong một chuyến đi máy bay sang Đông Đức chữa bệnh, Hoàng văn Hoan đã bỏ trốn tại Sân bay quốc tế JinnahKarachiPakistan rồi trốn sang Trung Quốc. Sau khi bỏ trốn, Hoàng văn Hoan bị Nhà nước CHXHCN Việt Nam kết án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự phản bội, đài báo Việt Nam so sánh Hoàng văn Hoan với Lê Chiêu Thống. Hoàng Văn Hoan chết tại Bắc Kinh năm 1991.

Hồi đầu những năm 70 báo Nhân Dân đăng bài thơ “ Gò Đống Đa” của Nữ sỹ Hằng Phương:

Đống Đa xưa bãi chiến trường

Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò

Mùng Năm Tết trận thắng to

Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân

Mùng Năm giỗ trận tưng bừng

Nhớ ngày chiến thắng vang lừng núi sông

Nước còn đang chống ngoại xâm

Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta!

Sau Sách giáo khoa tùy tiện sửa lại bỏ những chính yếu của bài thơ:

Đống Đa xưa bãi chiến trường

Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò

Mùng 5 tết trận thắng to

Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân

Hằng năm mở hội tưng bừng

Nhớ ngày chiến thắng vang lừng núi sông

Noi gương chiến đấu anh hùng

Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta

(Gò Đống Đa, Hằng Phương, in trong sách giáo khoa Tập đọc lớp 2, quyển 2 trang 47, năm 2000 – 2002). Khi báo Nhân Dân đăng thơ “ Gò Đống Đa” đã có người nhắc lại sự việc Hoàng văn Hoan và Đền Trung Liệt.

Nay dấu tích Đền Trung Liệt xưa vẫn còn những hàng gạch móng. Sót lại chỉ còn cổng và hai hàng bậc thang lên đền. Ngang trên cổng có 3 chữ Hán "Trung Liệt miếu" (忠烈廟). Hai bên cổng Đền trung Liệt xưa có đôi câu đối đắp nổi ốp men sứ nay vẫn còn nguyên trạng, đôi câu đối này được không ít tài liệu ghi tác giả khi là Nguyễn Khuyến, lúc lại là Vũ Phạm Hàm.

Vũ Phạm Hàm - 武范諴, sinh năm Giáp Tý 1864 mất năm 1906 khi mới 42 tuổi. Vũ Phạm Hàm quê ở làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) tự Mộng Hải, Mộng Hồ, hiệu Thư Trì. Trong nhiều tài liệu viết về Vũ Phạm Hàm có ghi:Năm 21 tuổi, ông đỗ đầu kì thi Hương (Giải nguyên) khoa thi Giáp Thân đời vua Kiến Phúc (1884). Đến khoa thi Hội năm Nhâm Thìn, Thành Thái thứ tư (1892) ông đỗ thủ khoa (Hội nguyên) Dự thi Đình cùng năm đó, ông lại đỗ thủ khoa (Đình nguyên), giành học vị Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệđệ tam danh (tức Thám hoa) nên thường được gọi là Tam nguyên Thám hoa hay Thám Hàm. Khoa này dự vào hàng Tam khôi (Đệ nhất giáp) không có Bảng nhãn, chỉ có Thám hoa (nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên). là Nhất giáp Tam nguyên trong ba kỳ thi triều nhà Nguyễn (lúc ông 29 tuổi). Trong lịch sử Việt Nam chỉ có vài Tam nguyên là Đệ nhất giáp, gồm có Phạm Đôn LễVũ DươngLê Quý Đôn (triều Lê) và ông (Vũ Phạm Hàm). Những thông tin như vậy thiếu chính xác.

Theo các tài liệu bản chính của Hệ thống Giáo dục – Học vị dưới triều Nguyễn gồm có:

1. Thi Hương đỗ tam trường (ba vòng đầu) đạt học vị Tú tài. Đỗ tứ trường: Hương cống (về sau gọi là cử nhân), đỗ thủ khoa gọi là Giải nguyên.

2. Thi Hội: đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi đình; đỗ bảng thứ là Thứ trúng cách, được học vị: phó bảng, đỗ thủ khoa: hội nguyên.

3. Thi Đình: đỗ thi đình đạt học vị chung là tiến sĩ; đỗ thủ khoa: đình nguyên. Trong đó, đỗ từ 8-10 điểm được xếp bậc đệ nhất giáp. 10 điểm được lấy đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, thường gọi là trạng nguyên. 9 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh. Hệ thống giáo dục, học vị triều nhà Nguyễn được thực hiện từ năm 1802 đến 1919 thì chấm dứt.

- Tác phẩm của Vũ Phạm Hàm viết bằng chữ Hán, cũng có một số văn thơ phú viết bằng chữ Nôm. Trong thư viện Khoa học Trung ương hiện còn lưu trữ  sách của Vũ Phạm Hàm gồm:1/ Đề từ một số sách như: Quốc triều Khoa bảng lục (tự), A.37. 2/ Lễ trai văn tập (tự) A.1020. 3/ Thư Trì Thi Tập (văn), tập thơ chữ Hán còn bản chép tay. 4/ Thám Hoa Văn Tập (văn), A.528. 5/ Kinh Sử Thi Tập (văn, sử), ký hiệu A.133. 6/ Tập Đường Thuật Hoài (văn), A.2354. 7/ Hưng Hóa Phú (văn, sử), A.1055. 8/ Cầu Đơ Tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách (địa), A.173 (Cầu Đơ sau đổi thành Hà Đông). Trong các tác phẩm còn lưu giữ không thấy có đôi câu đối nào có văn phong, nội dung như đôi câu đối khắc đắp trên cổng đền Trung Liệt gò Đống Đa, Hà Nội.

- Có sách lại rằng đôi câu đối này là của Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên tra cứu cả hai tập thơ, văn Nguyễn Khuyến do Xuân Diệu giới thiệu Nhà xuất bản Văn học 1971 và Thơ văn yêu nước 1858 – 1900 xuất bản Văn học 1970 khi tuyển các thơ văn câu đối Nguyễn Khuyến đều không có câu đối này.

 

Ảnh bìa cuốn Gia phả gốc Chi Họ Vũ Bắc Ninh viết về Cụ Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang.

 

Một trang trong Gia phả gốc Chi Họ Vũ Bắc Ninh viết về Cụ Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang.

Trong Hồi ký Những năm tháng ấy Chương: Cái nhà tôi ở thời thơ ấu của Nhà văn Vũ Ngọc Phan có viết rõ về đôi câu đối khắc đắp trên cổng Đền Trung Liệt gò Đống Đa, Hà Nội như sau:

- “ Các câu đối khác ở trên cột Đền Trung Liệt trên gò Đống Đa  đều do văn thân Hà Nội làm sau ngày Cụ Hoàng Diệu mất (năm Nhâm Ngọ 1882) và đó cũng là thời Trần Đình Túc và Nguyễn Hữu Độ được phái ra Hà Nội. Trong các câu đối của văn thân Hà Nội có câu đối của Cụ Vũ Đức Quang ( Cụ Tổ bốn đời nhà tôi – Nhà văn Vũ Ngọc Phan) được khắc ở cổng ngoài Đền:

“Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư địa xích.

Vi nhật linh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thiên thanh”

Dịch nghĩa:

Thành quách này, giang sơn này. Trăm trận phong trần còn hồng (đỏ).

Vì trời sao, vì sông núi. Mười năm tâm sự cùng trời xanh

Đền Trung Liệt thờ ba vị chết vì nước là Đoàn Thọ bị giặc Tầu giết năm 1870 ở Lạng Sơn, Nguyễn Tri Phương chết năm Quý Dậu 1873. Hoàng Diệu tự vẫn ở Võ Miếu năm Nhâm Ngọ 1882, cách Nguyễn Tri Phương vừa đúng 10 năm nên câu đối có chữ “ Thập niên tâm sự” – Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim – Nhà xuất bản Thanh Hóa 10/03/2006, số ĐKKH: 181 – 2006/CXB/17/10/ThaH đã dẫn.

Năm cuốn Gia phả Họ Vũ bản gốc được lưu giữ hơn 800 ( Tám trăm) năm, viết mực nho trên giấy Sắc phong Thần từ Chi Họ Vũ Phượng Lâu các Cụ Cao Minh Đại Vương Vũ Công Bách (Còn được ghi là Thánh Quý Minh), Cao Sơn Đại Vương Vũ Công Điền

(Còn ghi là Tản Viên Sơn Thánh) vẫn còn Văn bia và Đền thờ gần 2,000 năm ở Vĩnh Phú ( nay chia làm 2 tỉnh là Vĩnh phú và Phú Thọ) đến Chi đích Giáp Họ Vũ làng Đông Cao dưới chân núi Thiên Thái, Bắc Ninh.  Trong gia phả có ghi chuyện Cụ Vũ Công Chất có vợ là Cụ Hoàng thị Mầu (Hai cụ tuẫn tiết thời Thái thú Tô Định) sinh được một con gái là Vũ thị Thục Nương, sau khởi nghĩa trước Hai Bà Trưng. Nay bà Vũ thị Thục Nương được thờ tại Việt Trì và hệ thống Đền Tiên La các tỉnh duyên hải Bắc bộ. Đền Tiên La chính ở Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khi xét trong Gia phả Chi Giáp Họ Vũ Đông cao, Bắc Ninh có ghi như sau, xin lược trích một phần nguyên văn như sau:

- “Cụ Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang (1819 – 1892) là Danh Nho Bắc Hà sau có được phong  quan hàng Tứ phẩm Nhà Nguyễn, khi Cụ mất có hàng trăm câu đối phúng lễ Cụ của Triều đình và Danh sỹ Bắc Hà.

Cụ Vũ Đức Quang tự là Oánh Phủ, thụy là Đoan Hậu. Cụ đỗ Cử nhân khoa Canh tuất (1850) hàm Thị Độc, Triều Liệt Đại phu, Hàn lâm Viện Thị Giảng (Chức quan văn vào hàng tòng tứ phẩm gần như bộ trưởng bây giờ - Xem Quan chế, cận kim thời đại của Trần Trọng Kim). Cụ bỏ quan về làm Giáo thụ phủ Quốc Oai.

Cụ sinh vào giờ Tỵ, ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão, là Con trai Trưởng Cụ Thông Mẫn công Vũ Diệm – Vị đã ra thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội lập nên Phường Đồng Lạc làm nghề nhuộm vải, the Điều (Đỏ) nay chính là phố Hàng Đào (Đỏ). Tại sâu bên trong số nhà 90 Hàng Đào vẫn còn di tích Đền thờ Thành Hoàng họ Vũ Thông Mẫn Công. Ghi rằng: “ Đêm hôm trước khi Cụ (Vũ Đức Quang) được sinh ra, Cụ Thông Mẫn Công Vũ Diệm có ngủ mơ thấy một Vị Chân Nhân đưa cho một con cá chép sống ở làng Đông Cao (Nay là Đông Cứu dưới chân núi Thiên Thai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) mà bảo rằng: “ Ao thôn này có con Yêu Long làm hại trẻ lắm. Được con cá này thì không lo gì”. Đến lúc sinh ra Cụ thì thấy khắp người có ngấn vẩy ở trong da. Cụ bà thân sinh vốn nuôi con vất vả quả thành ra lo ngại, chỉ sợ đốt này lại không đậu. Lúc đó có một Vị Thuật sỹ đi qua xem bảo rằng: “Chú bé này có kỳ cốt, chẳng những thọ mà còn sang nữa”. Từ nhỏ, Cụ đã nổi tiếng thông minh, hay chữ. Cụ ngoại tổ là Phạm Hòa, tự là Trí Trung vốn là Nhà Nho rất nổi tiếng bấy giờ vốn là bạn của Thông Mẫn Công Vũ Diệm hứa gả con gái trưởng cho Cụ Vũ Đức Quang khi đến tuổi thành thân.

Năm cụ Vũ Đức Quang tròn 17 tuổi ta (năm Ất Mùi -1835) tháng Tám thì làm đám cưới. Cụ Vũ Đức Quang học qua nhiều thấy là các bậc Danh Nho thời bấy giờ. Tất cả Kinh Truyện, bách gia chư tử, xem sao, xem tướng số đều rất sâu sắc nổi tiếng Bắc kỳ. Năm 22 tuổi Cụ Vũ Đức Quang bị chứng hoàng đảm chữa mãi không khỏi.

Nằm mê mệt thấy một Vị Thần Nữ xách theo một làn nhỏ, đưa cho Cụ ăn một thứ quả không biết tên, khi ăn đến quả thứ 7 thì Thần Nữ hô to rằng: “Bệnh khỏi rồi”,

Cụ tỉnh lại hỏi là quả gì, Thần Nữ nói: “Quả Hòe Tiên”, giây lát biến mất.

Mùa Thu năm đó Khoa Canh Tý (1840) niên hiệu Minh Mệnh, Cụ thi đậu Tú Tài. Khoa Nhâm Dần 1842, vì có tang thân mẫu nên Cụ không đi thi. Khoa thi năm Bính Ngọ 1846 niên hiệu Thiệu trị thi đỗ Trưởng trường Quốc học.

Năm Canh Tuất 1850, mùa Xuân có bệnh thời khí, Cụ bị nhiễm bệnh rất nguy kịch. Trong lúc sốt cao thấy có quân lính tới nói:

“Quan lớn có lệnh đòi xin đến ngay cho”.

Cụ bèn đi theo đến một nơi dinh phủ rất to rộng, quan quân canh phòng nghiêm mật. Cụ vào dinh thấy một vị mặc áo bào đỏ, râu dài, mặt to có đến mấy chục giáp sỹ đứng hầu. Ông lớn mời Cụ ngồi mà bảo rằng: “ Quân dịch bộn bề muốn phiền ông giúp”. Cụ mấy lần từ chối viện lẽ mẹ già, con nhỏ, lại vốn vô tâm với công danh. Ông lớn lặng thinh sai người lấy giấy bút làm bài thơ vịnh “ Cây quế Ngu Khê”. Cụ vẩy bút viết ngay, trong bài vịnh có câu: “ Tiếp lý công phi tiểu, điều nguyên phẩm cách cao”. Ông lớn xem tán thưởng mãi rồi tiễn Cụ xuống thềm. Lúc đó trước sân bọn vệ sỹ quát mắng: “ Làm sao cắt bậy thang thuố hồi dương làm hại chết người” rồi vây đánh một tên tù. Cụ nhìn xem thấy đấy là ông lang quen biết ngụ ở Thành Đông. Khi ra khỏi công dinh thấy ồn ào thấy một người đang bị kéo đi, nhìn ra là Nguyễn văn Thi là em nuôi của Cụ. Cụ cố xin mới được tha về đi theo Cụ. Tỉnh dậy, Cụ thấy hết bệnh, khỏe lại. Đang khi ngồi nghĩ chợt con trai Văn Thi là Văn Nghị chạy hộc tốc sang kêu là “Cha Văn Thi chết đã nửa ngày giờ tỉnh lại”.

Cụ mới thuật lại chuyện vừa qua rồi cho người sang nhà ông lang nọ thì biết ông mới mất hôm đó.

Năm Canh Tuất 1850, Cụ lại thi được vào Thi Hội, nhưng rồi bị sốt rét nửa năm nên bỏ. Chỗ bầu bạn nhiều người hiển đạt làm quan nhưng Cụ không nghe mà lấy ở ẩn, dậy học, ngâm thơ, đọc sách như muốn sống trọn đời. Năm Bính Dần, quan Thượng thư Bộ Hộ, Tổng đốc Sơn tây, Hưng hóa, Tuyên Quang đánh giặc Nông và giặc Khách ở Bắc Kỳ có mời Cụ, khi đàm luận văn thơ rất là tương đắc. Cụ thường đi thuyền qua lại Hưng Hóa có đỗ lại bến Việt Trì. Nhớ hồi trẻ có ngủ mơ đến Lễ Đền Việt Trì bèn vào yết lễ hoảng nhiên thấy cảnh trí đúng như trong mộng cũ.

Quay về thuyền đã quá nửa đêm, chợt Cụ thấy một người đứng trên sóng nước vái mà rằng:

“Chúng tôi vâng lệnh qua đây, vậy xin kính báo trước’. Vừa nói xong trên sông nước réo ầm vang như sấm nổ, tất cả mọi người hoảng sợ ra xem thấy trong đêm mờ có đám mây rộng chừng một mẫu (Khoảng 3600m2) có một thuyền xuôi dòng lao vùn vụt tiếng gầm vang. Tất cả mọi người sợ hãi, riêng Cụ thấy làm lạ. Người đời bấy giờ coi cụ là một Đấng Phong lưu hoạn khách (Người Danh sỹ thanh cao).

Thời đấy giặc Nhà Thanh vẫn lang tràn sang hạt Sơn Tây cướp phá giết chóc, xác người bỏ trôi lấp cả mặt sông Nhị Hà (Sông Hồng). Cụ biết nên sinh lòng trắc ẩn bèn quyên tiền thuê người bến Thanh Trì vớt lên kể đến nhiều nghìn người mai táng bên Chùa Mục Đồng. Rồi qua năm thay tiểu vào an táng trong đê. Có lần thuyền buôn ở Bạch Hạc bị giặc Thanh cướp, thay nhau hãm hiếp mấy chục phụ nữu. Trong đó có một bà quê làng Đông Ngạc không chịu để giặc làm nhục nhẩy xuống tự trầm mình. Cụ nghe tin thuê phường chài suốt ngày đêm mò vớt lên. Người chồng là Phan Nghĩa hay tin xin đưa về táng ở đồng làng Đông Ngạc. Sỹ phu Bắc Hà nghe thấy làm thơ từ ai điếu rất nhiều. Cụ bèn chép lại các bài thơ cất đi. Nhân khi Tổng đốc Trần Đình Túc và Nguyễn Hữu Độ đến thăm Cụ mới đưa tập thơ ra, hai vị đại quan mới làm sớ tấu trình Triều đình là bà Tiết phụ họ Phạm được cấp phong Tiết Phụ rồi lập Đền thờ - Nay chính là Đền Tiết phụ tại làng Đông Ngạc.

Có mấy năm mất mùa, dân đói tụ tập về Hà Nội rất đông. Cứ đến tối Cụ sai nắm cơm, mỗi nắm 7 lạng (Tương đương bằng khoảng 264,6 gr gạo) kèm thêm 10 đồng tiền, giao cho 5,6 người nhà mang ra phát cho những người đói ngủ đậu dưới mái hiên. Người chết được Cụ ngầm cấp áo quan, không tuyên bố vì sợ nhiều người kéo đến thì khó xử. Mấy người bạn đồng liêu Cụ vì thế cũng theo làm việc nghĩa. Sau không đủ, Cụ lập ra Hội hướng Thiện, kẻ đói được Hội chu cấp áo, cơm. Tiền còn thì mua tiểu cất bốc các một hoang quanh thành Hà Nội đưa về táng cả ở nghĩa địa Nam Đồng. Quan Tổng đốc họ Trần và quan Tuần phủ họ Nguyễn đều giao việc chẩn cấp cho Cụ liệu lý, phân phát, tất cả 4 năm, lần nào cũng được Hoàng đế nhà Nguyễn có chỉ khen thưởng.

Sau quan Tổng đốc Hà Nội làm tấu rằng: “Tiếp kiến sỹ phu thiên hạ đã nhiều, duy có ông Vũ Thái Viên (Cụ trồng rau họ Vũ – Danh truyền gọi cụ Vũ Đức Quang khi ấy) trong lúc đàm luận chưa từng thấy ngỏ lời xin xỏ một việc riêng gì. Người ta nói ông không phải hạng người cầu cạnh, quả đúng thế thật”.

Người đương thời gọi cụ Vũ Đức Quang là bậc “Kim Ngọc Quân tử”.

Cụ đi phát chẩn ở thôn An Ninh ngoài cửa Bắc thành. Người trong thôn bảo Cụ:

“Bà quả phụ thôn Vân không chịu lĩnh chẩn chắc chết đói mất”.

Cụ hỏi lại thì họ trả lời:

“Bà lão góa chồng từ khi còn trẻ đẹp, nhiều công tử nhà giầu hỏi cưới đều bị cự tuyệt nên sau họ gờm không dám hỗn. Nay đã 70 tuổi, nghèo và ốm nhưng không chịu ngửa tay xin ai nên người ta đều thán phục”.

Cụ nghe vậy đến thăm tận nhà hỏi han, yên ủi biếu lương, lụa, tiền. Cụ nói với các vị Quan tấu trình lên Hoàng Thượng phong “Tiết phụ” thưởng Ngân bài, vàng, lụa. Khi mất lập mộ Tiết phụ bên bờ hồ Tây trước đền Trấn Võ.

Những nơi như Hương Sơn, Tuyết Sơn, Dội diệp,… Cụ đến thăm đều có thơ vịnh chép lại được 2 cuốn. Khi gặp tăng ni, đạo sỹ đều đàm đạo về kinh sách và những điều khuyên giới. Cụ lại giúp dịch Pho “Hiếu Cật Tâm Kinh” ra quốc âm để bản in ở chùa Ngọc Sơn. Những kỳ Xuân tế, Thu tế đều được Cụ góp phần chu tất. Chi Giáp họ Vũ   đời đời có người làm quan Đại thần các Triều đại Việt Nam, nên có nhiều đền thờ ở Bắc Hà. Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang nghiêm soạn năm Quý Hợi đời Tự đức thứ 16 tức năm 1863 Tây lịch.

Mùa đông năm Quý Mùi 1883 tỉnh Sơn Tây thất thủ, giặc giã nổi lên khắp nơi. Phủ thành Quốc Oai bị vây hãm. Các Hào lý quanh vùng chịu nhiều ơn đức nên hợp lực đón Cụ và Gia quyến về Sơn Lộ. Dọc đường mấy phen gặp giặc cướp nhưng chúng bảo Cụ là Đấng Phật sống nên giãn ra không gây khó khăn gì.

Các con Cụ là Vũ Cẩn, đỗ Đại khoa được bổ làm Tham tá Bắc kỳ Kinh Lược sứ, thứ nam là Ái, cháu là Bích, Thọ, Sâm, Toản đều thi đỗ thành đạt. con là Vũ Cẩn lại được xuất chánh chức Tuần phủ Ninh Bình có rước Cụ đi thăm danh thắng nhưu Dục Thúy, núi Diều, động Hoa Lư, … đến đâu Cụ cũng có thơ đề khắc trên đá. Sau gộp lại thành một quyển. Các vị tướng công Bùi Ân Niên, Lã Xuân Ủy,… về thăm Cụ uống rượu, ngâm thơ. Năm Thành Thái nguyên niên 1888 có việc xây nghĩa đại để Tây lấy đất, mồ mả phải rời đi rất nhiều. Cụ lại đứng ra quyên góp di táng được hơn 7 vạn ngôi mộ.

Cụ thường tự an ủi rằng: “Tuổi già vô bệnh được vui cùng con cháu chắt, lũ bay thế này phải nhờ ơn phúc TỔ vậy”.

Năm Canh Dần 1890 phủ Quốc Oai lại bị nạn đói, Cụ lại đi quyên tiền chẩn phát khắp hạt.

Một đêm trăng suông, Cụ chống gậy đi trong ngõ phường Đồng Lạc, chợt thấy 5 người con gái đều mặc áo vá vai, vá lưng, vừa đi vừa nói chuyện:

“Không biết sao thoát được kiếp này’, xong giây lát họ biến vào nhà cạnh ngõ.

Cụ thấy lạ ghi nhớ lại, ngày hôm sau giờ Ngọ, Cụ lại đến hỏi thăm nhà ấy được kể rằng:

“Đêm qua con lợn nái đẻ 5 con lợn con”.

Cụ ra chuồng xem thấy 5 con lợn lang đều có vá sau đúng như áo của 5 cô gái. Cụ xin gia chủ được mua cả 5 con lợn con rồi hóa đi. Đêm về sáng Cụ mơ thấy 5 cô gái đến cảm tạ Cụ đã cho được thoát kiếp làm lợn, giây lát thức dậy Cụ lấy làm lạ.

Năm Tân Mão 1891, Cụ được mời viết đôi câu đối trên cổng Đền Trung Liệt, Gò Đống Đa. Sau khi Cụ mất, ngoài cổng mộ Cụ Vũ Đức Quang ở Đông Cao, Đông cứu, huyện Gia Lương, Bắc Ninh có khắc chép lại đôi câu đối này.


Ảnh mộ Cụ Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang tại xóm Núi, thôn Đông Cao, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương là hợp nhất huyện Gia Bình và Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đứng trước mộ là ông Vũ văn Hiến Trưởng Chi Giáp họ Vũ  Đông Cao. Hai bên mộ có khắc đắp đôi câu đối cụ Vũ Đức Quang viết năm Tân Mão 1891 cổng Đền Trung Liệt, Gò Đống Đa, Hà Nội.

Tháng 3 năm Nhâm Thìn 1892, Cụ bị cảm ho sốt. Cụ ngồi tựa ghế thuật lại những việc đã trải qua trước mấy chục con cháu chắt. Sau 10 ngày thì bệnh Cụ thuyên giảm. Đến tối ngày thứ 11, Cụ ngồi ghế uống trà có hai con Cẩn và Ái đứng hầu bên cạnh chợt Cụ bảo:

“Kìa, có Cụ Quận công họ Nguyễn ở Tống Khê lại chơi, Các con mau dọn dẹp đốt đèn nhang lên tiếp rước Ngài”, rồi Cụ lại nói:

“Bẩm chúng con vốn lười và vụng, không làm quan được đâu. Tướng Công ép chúng tôi làm gì vậy”. Hai con trai là Cẩn và Ái đứng hầu lấy làm kinh ngạc cho là Cụ nói sảng thì Cụ ngảnh lại bảo: “Không, ta không mê sảng. Tướng Công yêu cầu ta đi. Chắc ta không khỏi được đâu”.

Đến giờ Hợi, con cháu thân quyến túc trực đủ cả hai bên, trước sau, Cụ từ biệt lần lượt từng người rồi tự nhìn xuống chân tay mình mỉm cười nói: “Lúc bình sinh thế nào bây giờ vẫn nguyên như thế, cả từ móng chân, móng tay” rồi đi thọ 74 tuổi.

Đêm đó đang trăng sao vằng vặc bỗng nổi gió mưa to ào ào, trên cao nghe văng vẳng tiếng đàn, tiếng sáo, lúc sau mưa tạnh, trời lại vằng vặc trăng sao.

Cụ quàn ở Vĩnh Thuận trong trại An Trạch. Cụ dáng người trán rộng, mắt rùa, vai cắt. Lúc trẻ hơi mập, từ 50 tuổi trở đi gầy guộc vóc hạc mà cử chỉ rất nhanh nhẹn, hơn 70 tuổi không phải đeo kính, chữ nhỏ vẫn đọc được. Thấy việc không khi nào sợ khó, tính khoan hậu, hòa nhã, ăn mặc giản đơn. Răng rụng có 3 chiếc, tóc bạc ít như người chưa đến 50 vậy.

Năm Canh Thìn 1880, Cụ Cử Đặng Đình Thuân vào Kinh thi Hội qua Đèo Ngang ngủ ở quán trọ đêm mơ thấy thần Nhân đến bảo:

“Ta với Vũ Quân Đồng Lạc là chỗ quen cũ. Không bao lâu nữa ông sẽ đi làm việc nơi rừng núi, còn Vũ Quân về làm ở nơi Hải khẩu”.

Cụ Đặng sợ hỏi lại thì Thần Nhân nói thêm:

“Ông không quá 10 năm nữa, còn Vũ Quân còn được một Kỷ” (Một Kỷ là 12 năm), sau quả đúng vậy. Bấy giờ thi xong Cụ Đặng về kể lại, Cụ Vũ Đức Quang lấy làm kinh dị. Năm Kỷ Sửu quả nhiên Cụ Đặng mất, hai năm sau – tức năm Nhâm Thìn, Cụ Vũ Đức Quang cũng về đúng như lời trong mộng.

Được tin Cụ mất, các quan trong triều, các quan địa phương, danh sỹ khắp nơi đều có thi văn gửi phúng. Cụ Thủ tướng Văn minh Điện Đại học sỹ Vĩnh Trung Tử, Nguyễn Tướng Công Quế Bình có câu đối về Cụ Vũ Đức Quang:

“Viễn Nghi Vũ Di Quân, tử đại tôn tằng, bao hốt môn trung khâm tử tiện.

Cửu truyền kỳ anh hội, thất tuần xỉ phát, hồ sơn kinh lý phủ du tiên”

Ngài còn tới tận mộ phần mà ai điếu. Đủ rõ Cụ nhà ta bình nhật tính tình hòa nhã, dầy công tu dưỡng, đối với nhà thì chính danh từ hiếu, đối với thầy bạn thì trung thành, không cạnh tranh với ai cho nên Trời mới cho hưởng thanh phúc nhường ấy. Bọn chúng ta là con cháu được nhờ công đức ấy rất nhiều. Công đức ấy chúng ta muốn ca tụng để nhắc nhở cho đàn sau nhưng cũng không sao ca tụng siết được”.

Niên hiệu Thành Thái thứ năm, Quý Tỵ (1893) Thượng tuần tháng Hai.

Con trai là Vũ Cẩn và Vũ Ái cúi lậy và ghi lại hành trạng”.

Cụ Vũ Cẩn lúc này là Gia Nghị Đại phu, Tuần phủ Ninh Bình. Trên đây là Lược trích hành trạng Cụ Đoan Hậu công Vũ Đức Quang trong Gia phả bản gốc chữ Hán hiện lưu giữ tại Điện thờ để góp phần sáng tỏ một đôi câu đối đã bị “Tam sao, Thất bản” về chính danh tác giả trên cổng Đền Trung Liệt, gò Đống Đa, Hà Nội.

 

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2023

(Mùng 5 Tết Xuân Quý Mão)

 

                                                                                  Vũ Ngọc Phương

                                                                       Chủ Tịch nhiệm kỳ 2022 – 2027 Trung ương Hội Khoa học
                                                                       phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam