Chi tiết bài viết
Cảnh giác lạm phát quay trở lại - CPI tháng 9/2012 tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều
Giá đầu vào tăng mạnh
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - ông Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 9/2012 đã tăng đột biến do nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đồng loạt tăng giá như: Thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng. Theo đó, các nhóm này đã đóng góp tới 2,1% trong 2,2% mức tăng CPI chung cả nước tháng này. Việc áp dụng giá viện phí mới, tác động của mùa khai trường cộng với giá xăng dầu liên tục tăng là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 9/2012 tăng cao nhất kể từ tháng 5/2011.
Diễn biến giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2012. (Số liệu: GSO) |
Trong đó, nhóm dịch vụ giao thông đã tăng 3,83% trong tháng 9/2012, chủ yếu do tác động của 4 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ cuối tháng 7/2012 và mới đây nhất là ngày 28/8. Nhóm bưu chính viễn thông, sau nhiều tháng giảm giá liên tiếp, cũng tăng nhẹ 0,01% trong tháng này. Ở các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại, chỉ số giá đều tăng trong khoảng 0,08% - 0,61%.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định: Với tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu CPI chung, việc CPI của cả hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng rất cao trong tháng 9/2012 với mức tăng lần lượt là 2,47% và 1,21% đã tạo lực “đẩy” mạnh CPI chung của cả nước.
Khó đạt mục tiêu 7% CPI cả năm
Trao đổi với phóng viên Tin tức chiều 24/9, Tiến sỹ Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nói: “CPI tháng 9/2012 tăng 2,2% là mức rất cao khiến nhiều người bất ngờ. Vì với mức tăng 0,63% của tháng 8/2012 so với tháng 7/2012 đã có nhiều dự báo lạc quan về mục tiêu CPI sẽ đạt ở mức dưới 1 con số cả năm 2012”.
“CPI tháng 9 tăng mạnh khiến mừng thì ít mà lo thì nhiều. Mừng vì nền kinh tế không rơi vào suy giảm nhưng sự tăng hiện nay cũng không phải do sức mua cải thiện mà phần lớn do chi phí đầu vào tăng”, ông Phương chia sẻ.
Đại diện Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cho hay: Sau một thời gian dài Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát thì nguy cơ lạm phát bắt đầu xuất hiện trở lại. Lạm phát lõi không giảm (không gồm nhóm thực phẩm và xăng dầu). Từ nay đến cuối năm, sản xuất kinh doanh bớt khó khăn hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân nhích dần khiến mục tiêu CPI đạt 7% là khó khả thi.
Dự báo về mức tăng CPI trong tháng tới, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết: Nếu loại trừ Hà Nội và TP.HCM chưa có kế hoạch tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 10 tới thì vẫn còn khoảng 20 tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục tăng giá loại dịch vụ này. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng sẽ điều chỉnh mức học phí. Vì vậy, CPI trong tháng 10/2012 có thể sẽ tiếp tục tăng cao do 2 nhóm này đã chiếm khoảng 10% trong cơ cấu CPI chung. Với quy luật vào cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh, cộng với nhiều yếu tố biến động giá khác như: Tác động trễ của gói kích cầu, nới lỏng tín dụng, CPI cả năm 2012 sẽ khó giữ được ở mức 7%.
Tỏ ra thận trọng khi dự báo CPI, chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng: Phải xem động thái giải ngân của Chính phủ trong 3 tháng cuối năm bởi hiện nay, bình quân mỗi tháng giải ngân 21.000 tỉ đồng, cao hơn gấp rưỡi so với mức giải ngân vốn đầu tư công của 6 tháng đầu năm. Những con số này khiến nhiều người lo ngại đưa lạm phát, bất ổn quay trở lại nền kinh tế, bởi đây có thể coi là một sự "tháo khoán" về đầu tư công.
Để kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay là 6%, ông Phương cho rằng: Chính phủ cần thận trọng trong việc giải ngân đầu tư công bởi việc này khiến giá nhiều mặt hàng đẩy lên. Để kiềm chế lạm phát phải hy sinh tăng trưởng nhưng nếu siết chặt quá thì doanh nghiệp khốn đốn, nền kinh tế trì trệ. Vấn đề nào cũng cấp bách và ai cũng mong muốn kiềm chế lạm phát ở mức chấp nhận được và tăng trưởng hợp lý. Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào như: Giá xăng dầu, điện, gas...
baotintuc.vn