Chi tiết bài viết
Cần thể hiện văn hóa từ chức
Lấy phiếu tín nhiệm cả đại biểu QH
Quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý, bảo đảm sự ổn định của bộ máy Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ của Đảng.
Trình bày đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đã đưa ra 2 phương án lấy phiếu tín nhiệm và phương án xử lý nếu lấy phiếu tín nhiệm không đạt quá bán. Theo đó, cán bộ sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Phương án 1 bao gồm những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn ở Trung ương với tổng số 49 người; ở phạm vi HĐND, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm số lượng tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã. Phương án 2 sẽ lấy phiếu tín nhiệm với toàn bộ những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, tổng số 430 người.
Số người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh được lấy phiếu tín nhiệm khoảng 50-65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20-30 người, ở HĐND cấp xã khoảng 5-7 người.
Tuy nhiên, bên cạnh các phương án trên, có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ là thành viên Chính phủ, thành viên UBND hoặc người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn như phương án 1; HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo phương án 2.
Tại phiên thảo luận, đa số thành viên Ủy ban TVQH đồng thuận theo phương án 1. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước đề nghị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các đại biểu QH chuyên trách để nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ này.
Thăm dò trước khi bỏ phiếu
Phiên thảo luận sôi nổi hơn khi nhiều thành viên Ủy ban TVQH đề nghị dành “cơ hội” cho các cán bộ không đạt được tỉ lệ tín nhiệm cần thiết (thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm) thể hiện văn hóa từ chức trước khi các vị này bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại QH.
Về tính công khai, minh bạch, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm lựa chọn được cán bộ “đủ đức, đủ tài”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu góp ý: “Việc lấy phiếu tín nhiệm nên tiến hành sau 2 năm công tác liên tục mới đánh giá đầy đủ hiệu quả trong quản lý điều hành của cán bộ. Việc lấy phiếu tín nhiệm cần công khai kết quả”. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đề nghị việc đánh giá mức độ tín nhiệm nên thực hiện vào năm thứ 2 và thứ 4 của nhiệm kỳ công tác để bảo đảm chính xác. “Vì năm đầu tiên thì cán bộ chưa thể hiện hết năng lực, còn năm cuối thì có thể sắp nghỉ hưu, động cơ phấn đấu đã không còn” – ông Hiện giải thích.
Một số ý kiến đề nghị “cứng rắn” hơn khi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ nên tiến hành hằng năm. Về đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nói: “Năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm có thể gây áp lực cho cán bộ và làm họ chùn tay, mất tính quyết đoán trong xử lý công việc”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận rằng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là 2 giai đoạn trong một quy trình dân chủ, chặt chẽ, công khai. Trong đó, mục tiêu của lấy phiếu tín nhiệm nhằm xin ý kiến thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ theo nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định. Chủ tịch QH góp ý 2 tiêu chí cơ bản làm cơ sở cho việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; mức độ thể hiện sự tín nhiệm được chia theo các cấp độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Dành 10% lợi nhuận cho khoa học và công nghệ Cùng ngày, Ủy ban TVQH nghe, cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Nội dung quan trọng trong dự luật này là cơ chế tài chính, tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ. Theo đó, tỉ lệ ngân sách Nhà nước chi cho khoa học - công nghệ tối thiểu là 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm. Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH đề nghị dự luật cũng cần quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô) dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động khoa học - công nghệ hoặc hình thành quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp. |
theo nld.com.vn