Chi tiết bài viết

CẦN CÓ CƠ CHẾ VÀ CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC TẬP HỢP VÀ PHÁT HUY TIỀM LỰC CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC ĐÃ VỀ HƯU

Tiềm lực của đội ngũ trí thức đã về hưu ở Lâm Đông là khá lớn cần được tập hợp và phát huy

             Theo điều tra thống kê, 59% đội ngũ trí thức của tỉnh ở ngoài khu vực Nhà nước, tức khoảng 24.000 người ( số liệu 2010-2011 ). Tuy không phải là tất cả song cũng có thể hình dung số lượng trí thức đã về hưu cũng không hề nhỏ và đang có xu hướng ngày càng tăng do tuổi thọ trung bình tăng lên.

Trí thức đã về hưu có những tiềm năng lớn, đó là:

Đội ngũ khá đông đảo, đã từng công tác, hoạt động trên nhiều lĩnh vực;

Đây là đội ngũ khá am hiểu tình hình của địa phương, đã từng đắm mình trong thực tiễn và đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong quá trình hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội…

Khá đông trí thức đã về hưu vẫn còn sức khỏe, giàu nhiệt huyết và trách nhiệm, muốn tiếp tục cống hiến trí tuệ và kinh nghiệm cho sự phát triển chung của tỉnh. Hai thế mạnh của đội ngũ trí thức đã về hưu là trí tuệ, kinh nghiệm và thời gian…

Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ trí thức đã về hưu chưa thực sự được tập hợp đầy đủ, chưa được quan tâm sử dụng và phát huy. Có thể nói, đó cũng là một sự lãng phí không nhỏ. Hiện Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh là nơi duy nhất tập hợp trí thức hưu trí trong 18 hội thành viên, trong đó có những hội hoạt động tương đối khá, chủ động và đang phát huy được vai trò của mình, như  hội Luật gia, hội y học, hội khoa học phát triển nhân lực, nhân tài, hội dược liệu, hội kiến trúc, hội đông y… Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các hội nói chung và việc tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức hưu trí còn nhiều hạn chế. Có thể nêu một số nguyên nhân chủ quan và khách quan của tình trạng này là:

+ Về chủ quan, không ít trí thức sau khi đã về hưu không định hướng được hoạt động của mình do “nhân tình, thế thái”, cộng thêm sức khỏe giảm sút, đa số vẫn còn phải lo vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”, không ít người quay về sống “yếm thế”. Có tình trạng không muốn tiếp tục cống hiến, không thể tiếp tục cống hiến và cũng không được tiếp tục công hiến.

+ Về khách quan, hoạt động của các hội KH&CN chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút, tập hợp những trí thức đã về hưu, trong đó có 2 vấn đề quan trọng là  thiếu nội dung hoạt động phù hợp với sở trường và kinh nghiệm của trí thức hưu trí và thiếu cả kinh phí hoạt động. Tỉnh cũng chưa có cơ chế và chính sách để tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức đã về hưu. Bên cạnh đó, vẫn còn sự chưa đồng thuận trong việc ủng hộ và tôn trọng đội ngũ trí thức đã về hưu…

1. Đội ngũ trí thức đã về hưu có thể tiếp tục cống hiến gì cho tỉnh?

Với kinh nghiệm phong phú và am hiểu tình hình địa phương, đội ngũ trí thức đã về hưu có thể tiếp tục cống hiến hiệu quả trong nghiên cứu, tổng kết các vấn đề thực tiễn của tỉnh một cách khách quan, trung thực, không bị hạn chế bởi quan điểm và cơ chế hành chính quan liêu, cứng nhắc…

Đội  ngũ trí thức đã về hưu cũng có ưu thế trong hoạt động tư vấn và phản biện về nhiều vấn đề trên các lĩnh vực của đời sông xã hội của tỉnh, góp phần phát hiện những khiếm khuyết cũng như xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả của tỉnh.

2. Để tập hợp và phát huy vai trò và tiềm lực của đội ngũ trí thức hưu trí của tỉnh, xin kiến nghị:

Tỉnh nên khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ các Hội KH&CN chuyên ngành đã và sẽ có, trong đó có một phần kinh phí hoạt động.

Tỉnh nên thiết lập và vận hành thường xuyên, hiệu quả việc trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề trong đời sống xã hội của tỉnh. Đó phải là các thông tin về các hoạt động chuyên sâu, đang bức xúc đòi hỏi tỉnh phải nghiên cứu và giải quyết ( hiện nay các loại thông tin này không dễ tìm hoặc xin được).

Tỉnh mạnh dạn “đặt hàng” nghiên cứu, tổng kết hoặc yêu cầu Liên hiệp hội và các hội  thành viên tư vấn, phản biện về các vấn đề tỉnh quan tâm và có nhu cầu. Ủng hộ và tạo điều kiện cho các hội KH&CN chuyên ngành đăng kí và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc tổ chức các cuộc Hội thảo, Tọa đàm khoa học.

Tỉnh cho phép các hội  được tiếp xúc và dự các cuộc làm việc tổng kết, sơ kết các vấn đề có tính chiến lược hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống nhân dân và xã hội như xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân, giữ gín mội trường cảnh quan, qui hoạch hạ tầng cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị  ở các cấp chính quyền, xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh…

 

Nguyễn Văn Mão

Chủ tịch Hội KHPT nguồn nhân lực nhân tài tỉnh Lâm Đồng