Chi tiết bài viết
Cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ
Trước yêu cầu về hội nhập quốc tế, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020). |
Mục tiêu chung của đề án nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, bảo đảm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ; phấn đấu đến năm 2020, phần lớn thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có thể giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập... Mục tiêu cụ thể, triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp ba, môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông. Với vai trò, ý nghĩa đó, kể từ kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tổ chức năm 2015 đến nay, ngoại ngữ được quy định là môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, quy định nói trên vẫn mở một “lối thoát’’ cho những thí sinh không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng, được phép chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Theo một số chuyên gia giáo dục, quy định đã thể hiện tính nhân văn đối với người học; đồng thời, cũng tạo điều kiện để các trường có thêm thời gian cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc tuyển dụng mới. Tuy nhiên, quy định cũng cần có thời hạn cụ thể, bởi nếu lạm dụng, sẽ dẫn tới việc cơ sở giáo dục, giáo viên ngại đổi mới, học sinh không hứng thú, tích cực trong học tập môn ngoại ngữ, thì chất lượng việc dạy và học ngoại ngữ mãi "giậm chân tại chỗ". Kết quả phổ điểm các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia chứng minh theo chiều ngược lại: môn ngoại ngữ có điểm rất thấp, phần lớn thí sinh đạt từ 1,5 đến 5 điểm, bình quân 2,5 điểm. Điều đó cho thấy, chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các địa phương chưa đồng đều, nhất là thí sinh ở khu vực nông thôn, miền núi. Đến nay, việc triển khai dạy và học ngoại ngữ theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã bước sang năm thứ tám, nhưng chất lượng dạy và học ở nhiều nơi, nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, thông qua phổ điểm môn ngoại ngữ, không chỉ vấn đề dạy và học chưa bảo đảm mà chất lượng thi của thí sinh cũng đang là vấn đề đáng báo động. Vấn đề đặt ra, giữa yêu cầu triển khai đề án và yêu cầu bắt buộc thi ngoại ngữ, cần được giải quyết kịp thời, đồng bộ và quyết liệt hơn. Thực tế cho thấy, muốn nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho học sinh phổ thông, điều kiện quan trọng và quyết định là nâng cao năng lực ngoại ngữ của giáo viên. Theo số liệu từ dự thảo báo cáo tổng kết giai đoạn 2011 - 2015 của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, cấp tiểu học có 19.540 giáo viên tiếng Anh, tỷ lệ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ 42,9%; THCS 33.585 giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn 41,3%; THPT 17.072 giáo viên, tỷ lệ đạt chuẩn là 30,2%. Tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ còn rất thấp, tập trung ở cấp tiểu học, điển hình như: Yên Bái 17% giáo viên đạt chuẩn, Lâm Đồng 21% và Cà Mau 17%... Đáng chú ý, việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc tiểu học đóng vai trò quan trọng, nhưng nghịch lý, là điều kiện tiên quyết lại chưa đáp ứng được vì thiếu giáo viên. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình, kế hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung thi, kiểm tra, đánh giá; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; triển khai xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ, nhất là ở những vùng khó khăn. Có như vậy, chất lượng dạy và học ngoại ngữ mới được cải thiện. |
QUÝ TÙNG |
Theo www.nhandan.com.vn