Chi tiết bài viết
CÁC DOANH NGHIỆP KHÔNG THỂ "VẮT CHANH BỎ VỎ"
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường. Ảnh: Hải Nguyễn
“Thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã nắm bắt được thông tin ở một số doanh nghiệp, có tình trạng người lao động (NLĐ) ở độ tuổi 35 trở lên khi hết hợp đồng lao động (HĐLĐ) không được chủ sử dụng lao động tiếp tục ký hợp đồng; hoặc người sử dụng lao động tìm cách “lách luật” để chấm dứt HĐLĐ nhằm trút đi “gánh nặng” trả lương cao, tránh phải đóng các khoản phí BHXH cho lao động có thâm niên nhiều hơn so với lao động mới, trẻ tuổi…
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐVN, thì những DN “thải loại” NLĐ ở độ tuổi trung niên là hành động không nhân văn! Bởi, NLĐ lúc trẻ đã cống hiến sức lực, tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho DN thì lúc họ lớn tuổi, DN lại chấm dứt hợp đồng. Đúng ra, người sử dụng lao động cũng phải có những giải pháp như tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để bố trí những NLĐ đó vào những vị trí như quản lý dây chuyền, chuyên gia đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ lao động trẻ để làm sao năng suất lao động cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn và sẽ hạ giá thành sản phẩm.
Trước tình trạng này, Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiến hành khảo sát thực trạng chung trên địa bàn cả nước và trên cơ sở đó tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi nhằm đề ra các giải pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi của đoàn viên và NLĐ.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm khu bếp ăn của công nhân tại Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Trường Hải. Ảnh: L.Đ |
Thực tế cho thấy cũng có một bộ phận không nhỏ NLĐ không có tác phong công nghiệp, thiếu ý thức học hỏi và trong quá trình sàng lọc, người sử dụng lao động nhận thấy cần phải chấm dứt HĐLĐ những người này. Do đó, đối với NLĐ có thâm niên công tác thì vẫn cần phải nỗ lực, phấn đấu, chịu khó học hỏi để “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” - ý nói người nào mà có một nghề đạt đến trình độ tinh thông, thuần thục, giỏi giang, tâm huyết gắn bó với nghề đấy, thì sẽ đạt được thành công.
Sản phẩm do những người tay nghề giỏi thường đạt chất lượng cao, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Lúc này NLĐ sẽ là “vốn quý” của DN, nếu DN có rơi vào tình trạng khó khăn thì cũng không muốn sa thải “tinh hoa” của DN. Thời gian tới, Tổng LĐLĐVN sẽ định hướng, chỉ đạo CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động, trong TƯLĐTT phải có các điều khoản có lợi cho NLĐ về mặt tiền lương, bồi dưỡng, bữa ăn ca, đặc biệt là phải có điều khoản chống lại việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ lớn tuổi.
Hiện, một trong những giải pháp là các cấp CĐ và cơ quan chức năng phải kêu gọi người sử dụng hành xử một cách nhân văn với NLĐ. Đặc biệt với những NLĐ lớn tuổi, có thâm niêm cống hiến cho DN thì người sử dụng lao động phải trân trọng, quan tâm, không nên “vắt chanh - bỏ vỏ”. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông trong và ngoài CĐ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về những DN đã chăm lo tốt cho NLĐ.
Về phía Tổng LĐLĐVN, Đoàn Chủ tịch sẽ yêu cầu Ban Đối ngoại tìm và dịch thuật Bộ luật Lao động của các nước để tìm trong đó những điều khoản ràng buộc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tạo việc làm, thu nhập đối với NLĐ đã có thâm niên công tác tại DN để trong thời gian tới, Tổng LĐLĐVN sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong quá trình sửa đổi Luật Lao động thì nghiên cứu, xem xét, sửa đổi luật làm sao có lợi cho NLĐ”.
Nguồn: laodong.com.vn