Chi tiết bài viết

Bồi dưỡng giáo viên - nhân tố bảo đảm thành công của Chương trình mới

 Dù là phương pháp truyền thống hay đổi mới, việc hiểu sâu kiến thức, nắm chắc kỹ năng của đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn nắm giữ vai trò chủ đạo, quyết định thành bại của quá trình dạy học.

 
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: ITN)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: ITN)

Bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu mới

Chương trình và sách giáo khoa mới cũng đặt ra yêu cầu và đòi hỏi mới đối với các giáo viên và cả đội ngũ cán bộ quản lý. Theo các khách mời tham gia Giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề bồi dưỡng giáo viên (GV) chuẩn bị cho triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới với lớp 2 và lớp 6: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các giáo viên trực tiếp đứng lớp cần được bồi dưỡng, nắm chắc, hiểu sâu về nội dung chương trình, làm chủ các kỹ năng dạy học để truyền đạt kiến thức cho học trò một cách hiệu quả nhất.

Theo cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Kon Tum, tỉnh  Kon Tum: Để giảng dạy chương trình mới một cách hiệu quả nhất, theo tôi mỗi GV cần phải chú trọng trau dồi năng lực cũng như kỹ năng sư phạm để phù hợp với từng môn học. Dù chương trình mới hay cũ thì vẫn đồi hỏi GV phải thường xuyên được bồi dưỡng và rèn luyện.

Đối với chương trình mới, GV cần chú trọng thêm về năng lực ứng dụng CNTT, kỹ năng tổ chức các hoạt động học cho HS. Qua đó, triển khai các tiết học nhẹ nhàng nhưng phát huy được năng lực, phẩm chất của tất cả học sinh trong lớp.

Ngoài ra, GV cũng cần trau dồi thêm năng lực giao tiếp, tuyên truyền, vận động, đánh giá trong giáo dục. Đồng thời, không ngừng rèn luyện đạo đức để hoàn thiện lối sống, nhân cách của bản thân. Bên cạnh đó, sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp để mỗi GV là tấm gương cho học sinh noi theo.

“Theo tôi, hành trang cơ bản của mỗi giáo viên lớp 2, lớp 6 khi bước vào năm học mới là nắm bắt tốt chương trình, sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, thực hiện đúng quan điểm đánh giá, chuẩn bị các đồ dùng và phương tiện dạy học cần thiết. Quan trọng hơn cả là tâm thế sẵn sàng, đi đôi với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao” – cô Hà cho hay.

Ở góc độ nhà quản lý tại cơ sở, thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình cho rằng: Cần tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của thầy cô, lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng.

Đồng thời, khích lệ sự đóng góp của thầy cô vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng. Tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ về tài chính để các thầy cô tham gia học tập, bồi dưỡng; Xây dựng môi trường làm việc hợp tác, thân thiện. Tham mưu với các cấp lãnh đạo tăng cường cơ sở vật chất, huy động xã hội hóa... Cái chính là, bằng nội lực của mình, đội ngũ cán bộ giáo viên phải sáng tạo, vượt khó, chủ động vươn lên, từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: ITN)

Giáo viên tự bồi dưỡng - tự nâng hạng

Chia sẻ tại Chương trình giao lưu, ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: Sau thời gian thực hiện bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp triển khai Chương trình, SGK mới, Sở GD&ĐT tiếp tục yêu cầu đội ngũ thực hiện: Tăng cường tự học, tự nghiên cứu để có hiểu biết sâu sắc về chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018.

Tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh: Tổ chức giờ học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; chú trọng rèn khả năng tự học, tìm tòi sáng tạo của học sinh… Tích cực trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để cùng hiểu rõ, tháo gỡ các vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các yêu cầu để nâng cao hiệu quả của các đợt tập huấn.

Cụ thể tại trường THCS, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Việc bồi dưỡng này nhà trường yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc và có quy định rõ ràng, có phân công thực hiện, đôn đốc kiểm tra và cập nhật báo cáo kịp thời.

Khẳng định, không có nỗ lực của thầy cô, chương trình, sách giáo khoa mới khó thành công, bên cạnh khích lệ, khuyến khích các thầy cô tự học tự bồi dưỡng, nhà trường nâng cao năng lực giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học sinh thông qua việc thực hiện chuyên đề trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc tự đào tạo, bồi dưỡng quả là gặp rất nhiều thuận lợi. Chỉ cần các thầy cô nỗ lực, nghiêm khắc với bản thân và có phương pháp học tập thì việc nâng cao năng lực của bản thân không phải là việc quá khó. Có rất nhiều tấm gương về dạy giỏi; có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo mà thầy cô ở nơi này, nơi khác đã áp dụng và mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Nhà trường cũng tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của thầy cô; lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng, khích lệ sự đóng góp của thầy cô vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng.

“Về công tác bồi dưỡng giáo viên, kinh nghiệm của Lào Cai là: Khuyến khích, tạo động lực cho CBQL, GV thực hiện tốt công tác tự bồi dưỡng; Trong tình hình dịch bệnh phức tạp các hoạt động bồi dưỡng trực tiếp bị hạn chế, hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên sẽ đóng vai trò quan trọng vào kết quả bồi dưỡng. Đề cao công tác giám sát triển khai thực tế của các hiệu trưởng nhà trường.
Mặt khác, cần chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức tốt tập huấn triển khai CT, SGK. Nội dung tập huấn được tổ cốt cán nghiên cứu, góp ý thống nhất trước khi tổ chức thực hiện, quan trọng là phải đánh giá được hiệu quả của từng giáo viên tham gia, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn lại đối với giáo viên chưa đạt yêu cầu.
Cùng đó, đổi mới, tổ chức tốt sinh hoạt chuyên môn, tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Chú trọng tổ chức tốt sinh hoạt chuyên môn cấp cụm, huyện để giáo viên được trao đổi, thảo luận và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc” - Ông Đỗ Minh Tâm.

Bảo Minh (t/h) 

Nguồn: giaoducthoidai.vn