Chi tiết bài viết
Bắt đầu từ nền tảng chính sách
Việt Nam đang tiến về giai đoạn cuối của “quá độ dân số” với tỷ suất sinh giảm và tuổi thọ được cải thiện. Những biến đổi này sẽ gây tác động to lớn đến quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Lúc này chúng ta cần đến hệ thống chính sách đi trước một bước để chuyển đổi tư duy phát triển dân số.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế):
Tổng cục Dân số giai đoạn qua đã triển khai nhiều chương trình nâng cao chất lượng dân số cũng như xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam. Thực hiện tốt các chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân bằng giới tính hợp lý, nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình và thể dục thể thao. Để nâng cao chất lượng dân số, Tổng cục sẽ tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý, tổ chức tốt bộ máy làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục với nội dung thích hợp, hình thức đa dạng về chính sách dân số. Tuy nhiên, chính sách dân số không phải là yếu tố duy nhất giúp khai thác cơ hội mà vấn đề cốt lõi nằm ở việc các cơ quan quản lý xây dựng và thực thi đưa ra được chính sách phát triển kinh tế xã hội đúng đắn.
TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam:
Kinh nghiệm tại các nước về duy trì tỷ lệ tham gia lao động cho thấy, như tại Hàn Quốc đã tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 55 lên 60 bắt đầu từ 2016, không có tuổi nghỉ hưu bắt buộc, đồng thời tăng tuyển dụng mới tương ứng với số người đáng lẽ ra phải về hưu. Còn tại Nhật Bản tăng dần tuổi nghỉ hưu tối thiểu, không có tuổi nghỉ hưu bắt buộc, khuyến khích tái tuyển dụng người cao tuổi. Với Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc khuyến nghị, cần có hỗ trợ từ ngân sách để mở rộng hưu trí và an sinh xã hội tới khu vực chính thức. Cần tăng tuổi nghỉ hưu và cải cách hệ thống hưu trí hướng tới bền vững. Bên cạnh mở rộng hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo và lao động phi chính thức, cũng như thực hiện và mở rộng hưu trí xã hội.
PGS, TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân:
Khi dân số ngày càng già đi, chúng ta cần có những chính sách đón đầu để hạn chế mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế chung. Chẳng hạn như, tập trung vào yếu tố hết sức quan trọng là làm sao tăng năng suất lao động? Cải thiện năng suất lao động cùng với các chính sách phù hợp để tận dụng lao động lớn tuổi vẫn có khả năng lao động sẽ góp phần giảm “thâm hụt” ngân sách. Hệ thống y tế cũng cần thay đổi để phù hợp với dân số già.
Dịch chuyển lao động đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi năng suất lao động ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cần thúc đẩy cơ chế lan tỏa thông qua phát triển các ngành hỗ trợ cho các ngành có năng suất cao. Cần chú trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp với tỷ trọng lao động còn rất cao.
PGS, TS Youngtae Cho (Đại học Quốc gia Seoul):
Hàn Quốc đã dừng ngay việc thực hiện các chương trình kế hoạch hóa gia đình từ năm 1996 khi mức sinh là 1,6 trẻ em/ 1 phụ nữ và đã bỏ mô hình văn phòng và tổ chức chính phủ liên quan đến dân số. Sau đó, mức sinh của Hàn Quốc bắt đầu giảm xuống còn 1,08% trẻ em/ phụ nữ năm 2005. Chính phủ Hàn Quốc cuối cùng nhận ra vấn đề nghiêm trọng này và thành lập Ủy ban Quốc gia về mức sinh và già hóa dân số. Tuy nhiên, điều này được đánh giá là do chính phủ đã phản ứng chậm và lệch hướng nên mới xảy ra tình trạng hiện tại mức sinh giảm quá thấp (mức sinh thấp dưới mức 1,3 con/ phụ nữ từ năm 2012).
Bởi vậy theo chúng tôi Việt Nam cần chuyển hướng chính sách từ kiểm soát mức sinh sang hướng tiếp cận toàn diện dân số và phát triển bền vững. Tập trung hơn nữa về các yếu tố biến động dân số (mức sinh, di cư và mức chết) và mối tương quan giữa chúng với các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội. Cần xem xét điều chỉnh vai trò và chức năng của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình…
TS Hồ Văn Hoành, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam:
Hiện thách thức lớn nhất đối với công tác dân số của nước ta là đội ngũ trí thức đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng, lại bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi và giới tính. Do vậy thời gian tới Chính phủ cần tập trung rà soát để bổ sung chính sách phù hợp với tình hình mới nhằm kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”. Đó là giáo dục đào tạo; lao động, việc làm, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; chính sách xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; chính sách về thị trường lao động và chuyển dịch lao động; dân số và y tế; chính sách an sinh xã hội...
Theo www.nhandan.com.vn
Đường links: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/30087202-bat-dau-tu-nen-tang-chinh-sach.html