Ra đời cách đây 75 năm, bản “Đề cương văn hóa 1943” của Đảng ta lần đầu tiên nêu rõ văn hóa Việt Nam được xây dựng trên cơ sở ba nguyên tắc: Dân tộc, đại chúng, khoa học. Tròn 20 năm trước (1998), Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tuy diễn đạt khác nhau, song từ những lời tiền nhân chỉ dẫn đến quan điểm của Đảng đều khẳng định một vấn đề hệ trọng liên quan đến sự tồn vong của dân tộc: Muốn bảo vệ độc lập dân tộc, cần phải coi nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa là gốc rễ.
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn. |
Bài 1: Dân tộc trường tồn nhờ “dây neo” văn hóa
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó lịch sử giữ nước chiếm phần lớn thời gian của tiến trình dân tộc đã cho chúng ta một chân lý: Nước có thể mất, nhà có thể tan, nhưng nhất định không thể để mất tổ tiên, gia phả, dòng họ, không thể mất phong tục, tập quán của ông cha để lại. Lịch sử Việt đã đúc kết rằng, sức sống bền bỉ, trường tồn, mãnh liệt của dân tộc Việt chủ yếu bắt nguồn từ “sức mạnh mềm”, tức là từ văn hóa của con người Việt Nam.
Từ ý chí giữ gìn tâm thức văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất
Ít có dân tộc nào trên thế giới có đặc điểm lịch sử như dân tộc Việt Nam. Theo sử liệu ghi chép lại, nếu tính từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần vào khoảng cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên đến nay, trong 22 thế kỷ qua, dân tộc Việt đã phải trực tiếp kháng chiến trong 13 thế kỷ, trong đó có gần 100 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn và hơn 10 cuộc kháng chiến để bảo vệ núi sông bờ cõi. Như vậy, trong tiến trình lịch sử, dân tộc ta đã dành tới gần 60% thời gian để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giữ nước, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc.
Từ trong tiềm thức sâu xa, người Việt luôn có tâm thế, ý thức bảo vệ những giá trị truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc mình, nhất là mang mặc, sinh hoạt, nếp sống, nghi lễ gắn liền với nghề nông và cộng đồng làng xã. Lịch sử ghi lại rằng, dưới thời Bắc thuộc cả nghìn năm, nhưng người Việt đã nỗ lực tìm mọi cách để lưu giữ, trao truyền cho nhau phong tục, tập quán, lối sống của tổ tiên, từ tục nhuộm răng, ăn trầu, đóng khố, mặc váy, đến “việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu” và chôn người chết trong các thân cây khoét rỗng hình thuyền độc mộc.
Theo GS sử học Lê Văn Lan, tổ tiên, ông cha ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang, mà chủ yếu bằng tài trí. Đó là giữ được sự khác biệt về văn hóa, về chủng tộc, về ngôn ngữ, đặc biệc là giữ được ý thức tự chủ “có thể mất nước nhưng không thể mất làng”. Hàm ý triết lý này là dù chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị kẻ thù xâm lược, thôn tính, nhưng “hồn cốt” của quốc gia dân tộc nhất quyết không thể bị đánh đổi, hòa tan. Vì làng xã không chỉ là nơi cố kết cộng đồng dân cư, mà chính là nơi hội tụ, bảo tồn, lưu giữ những tâm thức văn hóa của tổ tiên, ông cha đã để lại. Bởi thế, từng có thời kỳ nghìn năm bị kẻ thống trị thực hiện chính sách “cưỡng bức văn hóa” nhằm bài trừ tận gốc phong tục, tập quán, nhưng ông cha ta đã kiên cường bám làng, thề nguyền sống chết với làng, tìm mọi cách để cất giấu, lưu giữ những gia phả, nghi thức, nghi lễ, luật lệ của làng, cương quyết không để cho kẻ thống trị cướp phá, tẩu tán, tiêu tan những di sản quý báu đó của quê hương.
Như vậy, từ trong những hoàn cảnh lịch sử tối tăm nhất tưởng như không có đường ra, tổ tiên, ông cha ta vẫn tìm ra lối thoát cho chính mình. Đó là muốn giữ được quê cha đất tổ lâu dài, muốn cho tổ tiên không bị mất gốc thì không bao giờ được phép lãng quên và làm “đứt gãy” mạch nguồn văn hóa được người Việt vun trồng, bồi đắp, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bài học về sự kiên trì, ý chí kiên quyết bảo vệ các giá trị văn hóa đã làm nên căn tính, cốt cách dân tộc cách nay cả ngàn năm chưa bao giờ mất đi ý nghĩa của nó, mà vẫn còn sức sống mãnh liệt đến hôm nay và mai sau.
Đến những lời tuyên bố đanh thép của tiền nhân về nền văn hiến Việt và bảo vệ văn hóa Việt
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các bậc danh nhân văn hóa, anh hùng xuất chúng của dân tộc ta luôn có ý thức, tầm nhìn sâu sắc về bảo vệ cội nguồn văn hóa của ông cha.
Trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” được coi là của Lý Thường Kiệt, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề độc lập chủ quyền lãnh thổ của dân tộc được khẳng định: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời). Được coi như bản tuyên ngôn độc lập chủ quyền đầu tiên của nước Đại Việt trong thế kỷ XI, dù chưa đề cập tới yếu tố văn hóa, nhưng từ trong 4 chữ “Nam quốc sơn hà” (sông núi nước Nam) đã toát lên niềm kiêu hãnh thiêng liêng, niềm tự hào sâu sắc đối với mỗi con dân Đại Việt. Đó có thể gọi là một thông điệp đầy chất văn hóa vì nó đã khơi gợi trong tâm khảm sâu xa nhất của người dân Đại Việt về bổn phận gìn giữ giang sơn bờ cõi nước nhà.
Sang thế kỷ XV, sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, thay mặt vương triều nhà Lê và muôn dân Đại Việt, năm 1428, Nguyễn Trãi đã viết bản “Bình Ngô đại cáo” bất hủ, trong đó lời mở đầu có những câu tuyên bố hùng hồn về chủ quyền văn hóa của nước ta: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Như vậy, nước Đại Việt không chỉ có chủ quyền độc lập về lãnh thổ, mà còn có một nền văn hiến rất lâu đời. Nền văn hiến ấy không phải ngẫu nhiên mà có, mà đó là công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả biết bao xương máu của các thế hệ người Việt đã tưới và thấm vào cho “cây độc lập” nước nhà được nảy nở, sinh trưởng trên gốc rễ văn hóa dân tộc.
Kế thừa lời tiền nhân, ý thức về bảo vệ nền văn hóa dân tộc tiếp tục có bước phát triển mới khi lần đầu tiên, quan niệm về giữ gìn phong tục, tập quán của ông cha để lại đã được người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ nêu ra trong thế kỷ XVIII. Cách nay 230 năm, ngày 22-12-1788, trước khi chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn hành quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ khảng khái tuyên thệ: Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Theo Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, lời hịch trên của Quang Trung-Nguyễn Huệ thể hiện 3 nội dung rõ ràng: Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen nhằm mục tiêu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn nhằm mục tiêu thắng lợi về mặt quân sự; Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ nhằm mục tiêu chính trị là giành lấy lại vị thế nước Nam đã có chủ.
Không ngẫu nhiên mà Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đặt mục tiêu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc lên trước mục tiêu thắng lợi quân sự và mục tiêu giành lại vị thế chính trị của đất nước. Vì “răng đen, tóc dài” không đơn thuần chỉ là những bộ phận trên cơ thể của người Việt xưa, mà hơn thế, đó là hình ảnh thân thương của đồng bào ta, là phong tục, tập quán, là diện mạo văn hóa truyền thống bao đời của dân tộc Việt. Nhìn từ góc độ văn hóa quân sự, lời hịch Đánh cho để dài tóc/ Đánh để cho đen răng thực chất là lời quyết chiến, quyết đánh đuổi quân xâm lược đến cùng để bảo toàn những giá trị gốc gác của người Việt, của linh hồn văn hóa truyền thống Việt. Lời hịch ấy của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ góp phần thức tỉnh tâm can, lay động lòng người, vì thế đã quy tụ, lôi cuốn được muôn dân đồng tâm hiệp lực thành một sức mạnh phi thường để đánh tan 29 vạn quân xâm lược Thanh trong mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, làm nên một trận đại thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lẫy lừng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, từ buổi bình minh của lịch sử, qua thời kỳ một nghìn năm Bắc thuộc và đến thời kỳ phong kiến vừa độc lập, vừa đấu tranh giành lại chủ quyền lãnh thổ của đất nước, dân tộc ta, người Việt ta ngày càng ý thức, nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn về giá trị bất biến của văn hóa dân tộc, từ đó không ngừng tìm ra những cách thức, biện pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử để cương quyết giữ gìn, bảo vệ bằng được những giá trị phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa do chính mình tạo dựng, bồi đắp nên. Đây là cơ sở, là tiền đề quan trọng hàng đầu để nước Việt có thể vượt qua mọi phong ba bão táp của thời cuộc, vượt qua mọi sự thử thách khốc liệt của chiến tranh để tiếp tục sinh tồn, tiếp tục khẳng định dân tộc Việt Nam có đủ tư cách là một quốc gia có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và có nền văn hóa lâu đời đã sinh sôi, nảy nở tốt tươi trên chính mảnh đất thiêng liêng ấy.
Bài 2: Sức mạnh độc lập dân tộc bắt nguồn từ sức mạnh văn hóa
Trong thời điểm cả nước đang dồn mọi sức lực, huy động mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân tham gia chống quân phát xít Nhật và thực dân Pháp để sớm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng ta đã ra “Đề cương văn hóa 1943”.
Ra đời trong tình thế lịch sử “nước sôi lửa bỏng” ấy, đề cương chuyển tải thông điệp sâu sắc đến hôm nay và mai sau: Một mặt, vận mệnh văn hóa dân tộc phải luôn gắn liền với vận mệnh dân tộc; mặt khác, muốn dân tộc thoát khỏi nô lệ lầm than, không thể không khơi nguồn từ sức mạnh văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Văn hóa dân tộc thức tỉnh tinh thần yêu nước, khơi nguồn ý thức tự cường cho nhân dân
Cách nay 75 năm, dân tộc ta, nhân dân ta bị kìm kẹp “một cổ hai tròng” bởi chế độ thực dân phát xít và phong kiến. Văn hóa Việt Nam cũng bị “vòng cương tỏa” bởi những chính sách ngu dân, phản động của kẻ thù. Không ít người Việt, trong đó có cả bộ phận trí thức bị “nhồi sọ” những luồng văn hóa xấu độc ngoại lai. Do vậy, để ngăn ngừa xu hướng, tình trạng nguy hại này, Đảng ta đã ban hành "Đề cương văn hóa 1943". Một trong những mục tiêu bao trùm của đề cương này là muốn cứu được dân tộc thì phải cứu được văn hóa dân tộc, muốn giành được độc lập, tự do cho dân tộc thì nhất thiết phải dựa vào sức mạnh văn hóa dân tộc, phải khơi dậy được lòng tự tôn, tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, trước hết là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ-những người được coi là một trong những bộ phận tinh hoa của dân tộc.
Điều đáng chú ý trong ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam được Đảng ta nêu ra tại đề cương là yếu tố “dân tộc hóa” được đặt ở vị trí đầu tiên, tức là chống ảnh hưởng văn hóa nô dịch và thuộc địa, bảo đảm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Trong tình thế khốn cùng của các tầng lớp nhân dân vào đầu những năm 1940 của thế kỷ 20, phần lớn trí thức, văn nghệ sĩ cũng bị dồn vào thế chân tường. Do đó, sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời của "Đề cương văn hóa 1943" với việc khơi dậy mạnh mẽ ý thức dân tộc giúp nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đang đứng trước “ngã ba đường” như được thức tỉnh suy nghĩ để cùng hướng về ngọn cờ tiên phong văn hóa của Đảng, tự nguyện đi theo Đảng và tham gia sự nghiệp cách mạng cứu nước, cứu dân.
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ nước ta ít nhiều đều cảm thấy bế tắc trong cuộc sống và trong sáng tạo của mình. Tư duy và ngòi bút của họ trở nên hoen gỉ, cuộc sống trở nên tù túng. Nhưng từ khi gặp ánh sáng của đề cương văn hóa soi đường, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ thời đó đã bị lôi cuốn bởi sức mạnh của trí tuệ, của khát vọng cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với văn hóa và vận mệnh văn hóa dân tộc, từ đó, họ từng bước rũ bỏ “cái tôi” cá nhân để tự giác hòa vào “cái ta” cộng đồng, tự nguyện hòa vào cuộc sống chiến đấu sôi động của các tầng lớp nhân dân.
Như vậy, với tư cách là một trong những thành tố của độc lập dân tộc, văn hóa dân tộc không chỉ có ý nghĩa làm nền tảng, bệ đỡ tinh thần cho con người, mà nó còn góp phần khai sáng trí tuệ, thức tỉnh lương tâm, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường dân tộc cho những thân phận nô lệ, giúp họ vùng lên đấu tranh phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít thực dân, quyết tâm bảo vệ văn hóa truyền thống dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định: Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần mở đường, khai sáng từ đề cương văn hóa của Đảng hai năm trước đó.
“Sức mạnh văn hóa của một nước không thể đo bằng cây số vuông”
Ít có dân tộc nào trên thế giới có bề dày lịch sử đấu tranh giữ nước lâu dài, bền bỉ như dân tộc Việt Nam. Cũng hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại phải đứng lên trực tiếp đương đầu với kẻ thù mạnh hơn gấp bội lần cả về quân sự, vũ khí và tiềm lực kinh tế như dân tộc Việt Nam. Đế quốc Nguyên- Mông ở thế kỷ 13 là đế quốc hùng mạnh nhất thời phong kiến cổ trung đại, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ 19, 20 là những cường quốc về quân sự thời cận hiện đại đều đã đặt ách thống trị ở Việt Nam. Nhưng tại sao những thế lực ngoại bang xâm lược hung bạo nhất thế giới và từng “đánh đông dẹp bắc” trước sau đều phải chuốc lấy thất bại thảm hại ở Việt Nam và rút quân về nước? Một trong những nguyên nhân căn bản nhất là do kẻ thù không nhận định, đánh giá đúng về cội nguồn, truyền thống, sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Dành hàng chục năm tâm huyết chỉ để nghiên cứu văn hóa lịch sử quân sự Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống đã khẳng định: Văn hóa quân sự Việt Nam thực chất là văn hóa giữ nước. Cái mầm mống yêu nước, quyết tâm đánh giặc chống ngoại xâm đã hình thành từ trong bào thai người mẹ sinh ra Thánh Gióng để truyền lại cho hậu thế một câu chuyện huyền thoại về lịch sử đấu tranh giữ nước quật cường của dân tộc ta ngay từ buổi bình minh dựng nước. Để rồi sau 22 thế kỷ trải qua bao can qua lửa đạn, khói bom có thể làm cho cửa mất nhà tan, xóm làng xơ xác, nhưng sức mạnh văn hóa quân sự Việt Nam không ngừng được vun trồng, bồi đắp và kết tinh, tỏa sáng mạnh mẽ chưa từng thấy trong thế kỷ 20: Lần đầu tiên quân đội một nước nhỏ bé ở Đông Nam Á đã “chôn vùi” chủ nghĩa thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên với đại thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954; và đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất của đế quốc Mỹ và bọn tay sai kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với đỉnh cao thắng lợi huy hoàng ngày 30-4-1975!
Trong cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 9-11-1995 tại Hà Nội, chính cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert McNamara đã thẳng thắn thừa nhận, cuộc chiến tranh của Mỹ thua tại Việt Nam là thua về văn hóa. Bởi văn hóa Việt Nam, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đối đáp với ông Robert McNamara rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc mà ý thức và quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc đã trở thành một triết lý, một bản sắc văn hóa và cũng là một nguyên tắc không lay chuyển của người Việt Nam.
Vào thời điểm giữa năm 1954, sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm dự báo Việt Nam tiếp tục phải đương đầu với sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam nước ta. Bởi vậy, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày 19-9-1954, Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Là một trong những nhân chứng trực tiếp tham dự và được nghe lời căn dặn của Bác Hồ tại sự kiện lịch sử ấy, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương (năm 1954 là Chính trị viên Đại đội Phòng không, Đại đoàn Quân Tiên Phong) cho rằng, lời căn dặn của Bác thấm đẫm “hồn thiêng sông núi” và hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Bởi nhắc đến Vua Hùng đâu chỉ nhắc đến những vị quốc công đã sinh ra quốc gia dân tộc đầu tiên của người Việt, mà còn khơi gợi trong trái tim, khối óc mỗi người Việt Nam về tình yêu xứ sở cội nguồn, về lịch sử truyền thống lâu đời của tổ tiên ta đã dày công tạo dựng, bồi đắp nên. Do vậy, lời Bác dạy cũng là điều nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ cả nước phải luôn có ý thức bảo toàn non sông gấm vóc, giữ gìn nòi giống và bảo vệ những giá trị văn hóa mà tổ tiên để lại. Nhìn rộng ra, đó là ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền cả về lãnh thổ và văn hóa dân tộc.
Không chỉ các bậc tiền nhân xuất chúng như Nguyễn Trãi, Quang Trung- Nguyễn Huệ nhận ra sức mạnh tiềm tàng của văn hóa dân tộc, quyết tâm giữ gìn bằng được những giá trị văn hóa truyền thống, mà các bậc danh nhân lỗi lạc sau này như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm thấy sức mạnh thực sự của văn hóa dân tộc, từ đó biến sức mạnh ấy thành sức mạnh “dời non lấp biển” để đánh tan, nhấn chìm mọi kẻ thù ngoại bang xâm lược, giữ gìn toàn vẹn bờ cõi giang sơn và chủ quyền văn hóa thiêng liêng của dân tộc.
“Danh dự, sức mạnh độc lập, tự do, sức mạnh văn hóa của một nước không thể đo bằng cây số vuông”. Điều nhấn mạnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trong cuộc gặp ngày 23-6-1997 tại Hà Nội thêm một lần khẳng định sức mạnh của một dân tộc không hẳn xuất phát từ diện tích lãnh thổ, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự, mà phải bắt nguồn từ chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và bề dày truyền thống của dân tộc đó.
Với Việt Nam, sức mạnh văn hóa làm nên sức mạnh độc lập dân tộc là một chân lý khách quan đã được lịch sử kiểm chứng, xác nhận!
Bài 3: Nâng tầm bản lĩnh văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa
Việt Nam hiện là một quốc gia hoàn toàn có chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc, song trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước các làn sóng “xâm lăng văn hóa” thâm nhập vào nước ta dưới mọi hình thức, thủ đoạn tinh vi, chúng ta không thể lơ là, coi nhẹ nhiệm vụ bảo vệ nền văn hóa dân tộc-nhân tố quan trọng cấu thành độc lập dân tộc một cách bền vững nhất.
Nhận thức mới về bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế
Thời đại toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những bước ngoặt phát triển chưa từng thấy cho nền văn minh nhân loại, nhưng cũng là một thách thức ghê gớm đối với nhiệm vụ bảo vệ nền văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.
Những năm gần đây, “chủ quyền văn hóa” được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến vì nó liên quan trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ và vận mệnh chính trị của một quốc gia-dân tộc. Theo PGS, TS Phạm Huy Kỳ, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), văn hóa là linh hồn của một dân tộc. Một quốc gia hoặc dân tộc muốn giữ vững độc lập của mình thì trước tiên phải giữ gìn tính độc lập về văn hóa, chỉ có như vậy mới có thể nói tới độc lập hoàn toàn của một quốc gia.
Trên thực tế, độc lập về chủ quyền lãnh thổ dù là cơ sở, tiền đề quan trọng hàng đầu để làm nên độc lập chủ quyền của quốc gia, nhưng độc lập về văn hóa mới là điều kiện căn cốt để bảo đảm cho nền độc lập của quốc gia ấy được tồn tại, phát triển bền vững. Bởi vì, văn hóa-hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất-chính là tất cả chiều dài lịch sử, chiều sâu truyền thống và toàn bộ giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục, tập quán… của cả cộng đồng dân tộc được xây dựng, bồi đắp, lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặt khác, văn hóa chính là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia. Do vậy, bảo vệ văn hóa ngoài ý nghĩa là bảo tồn “sức mạnh mềm” của quốc gia-dân tộc, còn bao gồm việc làm cho các giá trị của “sức mạnh mềm” không ngừng phát huy, lan tỏa để nền độc lập của quốc gia luôn được “cắm sâu” trên một nền tảng ổn định, gốc rễ bền vững.
Múa sạp của đồng bào Tây Bắc. Ảnh minh họa: Báo Tin tức. |
Đại hội XII của Đảng chính thức xác định nội dung “bảo vệ văn hóa dân tộc” là một trong những nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Việc Đảng ta xác định “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” thực chất là xác lập bảo vệ chủ quyền văn hóa của quốc gia. Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng), là một trong những yếu tố vừa bền vững, vừa năng động, văn hóa sẽ góp phần khai thác, nhân lên “sức mạnh mềm” của quốc gia để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nói đến văn hóa là nói đến con người, do vậy, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa thực chất là chú trọng quan tâm chăm lo xây dựng con người có đủ bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh tinh thần, năng lực, sức khỏe nhằm đáp ứng, thực hiện thắng lợi một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Phải có đủ sức mạnh nội lực để bảo vệ “chủ quyền văn hóa” quốc gia
Muốn giữ được độc lập, tự cường về văn hóa, thì không thể không quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao “sức mạnh nội sinh” của dân tộc. Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm đổi mới cho thấy, đất nước ta có những phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, song như Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thẳng thắn chỉ ra, văn hóa chưa có chuyển biến rõ nét, trong khi “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục”, thì vẫn xảy ra “tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”.
Ví dụ, trong lĩnh vực điện ảnh, theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 8 năm qua (2010-2017), Việt Nam sản xuất và phát hành 250 phim truyện nhựa. Trong khi đó, các rạp chiếu phim của ta đã nhập khẩu và phát hành 1.101 phim nước ngoài. Như vậy, số phim nước ngoài trình chiếu tại các rạp ở Việt Nam gấp 4,4 lần so với phim Việt Nam. Phim nội “lép vế” trước phim ngoại từ nhiều năm nay trở thành nỗi quan ngại không riêng của những người làm điện ảnh nước nhà. Cũng trong 8 năm qua, thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, Việt Nam mới xuất khẩu được 469.163 đơn vị văn hóa phẩm (sách, ảnh, tạp chí, lịch, tranh, ảnh các loại, đĩa CD, DVD…), nhưng đã phải nhập tới 3.916.237 đơn vị văn hóa phẩm từ nước ngoài, tức là gấp hơn 8,3 lần.
Theo phân tích của một nhà nghiên cứu văn hóa, tỷ lệ nhập/xuất đơn vị văn hóa phẩm rất chênh lệch này là một trong những nguy cơ khiến người Việt đang bị “tiêu xài” quá nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài, từ đó dễ bị văn hóa ngoại lai “len lỏi” vào suy nghĩ, tâm hồn người dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây là nguy cơ không thể xem thường nếu thế hệ chủ nhân tương lai của nước nhà “sính” sản phẩm văn hóa ngoại, nhớ làu làu tên phim ảnh ngoại, thuộc lòng tên diễn viên ngoại, đam mê thái quá những lễ hội du nhập từ phương Tây mà lại thiếu cơ hội hay không mặn mà thưởng thức những sản phẩm thấm đẫm hồn cốt Việt, thờ ơ với lịch sử và danh nhân văn hóa Việt.
Vẫn biết nước ta đang phải tập trung ưu tiên mọi nguồn cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như chưa chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa nội địa. Bởi vì nếu không quan tâm đúng mức vấn đề này, chúng ta không chỉ dễ “mất gốc”, mà cũng khó có cơ hội đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại bằng những tinh hoa văn hóa Việt đã được bao thế hệ người Việt sáng tạo, vun đắp, kết tinh suốt hàng nghìn năm qua. Chúng ta đừng bao giờ quên lời nhắc nhớ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những yếu kém về công nghệ, Việt Nam sẽ học tập ở nước ngoài, nhưng có hai điều căn bản mà Việt Nam phải luôn giữ vững là tinh thần độc lập dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, vì đó là hai nhân tố cốt tử bảo đảm cho vị thế, hình ảnh dân tộc Việt Nam tồn tại lâu bền trong lòng nhân loại.
Thấm thía lời Bác Hồ dạy: “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”
Có một câu danh ngôn, đại ý: Văn hóa là những cái còn lại khi tất cả cái khác mất đi. Lịch sử thế giới từng chỉ ra: Mất lãnh thổ, chủ quyền có thể đấu tranh lấy lại, giành lại được; nhưng mất văn hóa là mất tất cả, mất vĩnh viễn. Bài học lịch sử của tổ tiên, ông cha ta quyết giữ bằng được văn hóa dân tộc trong thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc để “ta vẫn là ta”, là minh chứng hùng hồn về điều đó.
Thế nhưng, thời đại ngày nay khác rất xa thời xưa, bởi lẽ cả thế giới đều có thể nằm ngay trong lòng bàn tay thông qua một cú “nhấp chuột” trên máy tính hay một cái vuốt tay trên màn hình máy tính bảng, điện thoại thông minh thì không dễ gì giữ được bản sắc văn hóa vốn là “cái riêng” của dân tộc mình. Hơn nữa, như một chuyên gia UNESCO từng khuyến cáo, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dù có mang lại rất nhiều tiện ích văn minh cho cuộc sống con người, song cũng dễ làm tâm hồn con người trở nên xơ cứng, văn hóa các dân tộc trở nên đơn điệu, nghèo nàn, thậm chí có nguy cơ lụi bại trước sự “tiến công” vừa công khai, vừa ngấm ngầm của nền công nghiệp văn hóa nghe nhìn phương Tây đang “tung hoành” hầu như khắp nơi mọi chốn trên thế giới.
Do đó, điều mấu chốt để bảo tồn được bản sắc dân tộc là phải vừa chú trọng giữ gìn, vừa bồi đắp, nâng tầm bản lĩnh văn hóa, trí tuệ dân tộc để có đủ khả năng nhận diện, lọc bỏ những “virus văn hóa ngoại lai” độc hại đang hằng ngày, hằng giờ tác động, thẩm thấu vào xã hội; đồng thời luôn thích ứng cởi mở với các nền văn hóa khác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng làm giàu văn hóa cho dân tộc mình. Phải khắc sâu, thấm thía lời Bác Hồ dạy: Phương Tây hay phương Đông có gì hay, có gì tốt ta phải học lấy, song điều cốt yếu là “đừng biến ta thành kẻ bắt chước”, vì theo Bác: “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Gốc có vững, cây mới bền. Giữ được cái gốc dân tộc của văn hóa, đó cũng là cơ sở vững vàng để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và cũng là thành trì chắc chắn để bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.
Thấm đẫm, kết tinh công sức, tài năng, trí tuệ và cả xương máu của các thế hệ người Việt trong hơn hai thiên niên kỷ dồn tụ lại, bản sắc văn hóa dân tộc được ví như một tấm gương của tiền nhân trao truyền cho hậu thế. Vì vậy, một khi chủ động chăm lo giữ gìn chu đáo thì tấm gương ấy sẽ ánh lên khuôn mặt dân tộc Việt ngày càng khởi sắc, xán lạn. Ngược lại, nếu không chú trọng, thường xuyên “bảo dưỡng” thì tấm gương ấy sẽ “hắt” lên diện mạo văn hóa dân tộc những vết mờ bụi và làm cho quá khứ bị tổn thương, nền độc lập dân tộc bị đe dọa, tương lai quốc gia khó phát triển ổn định, bền vững.
THIỆN VĂN
Nguồn: www.qdnd.vn