Bản đồ do nhà địa dư học nổi tiếng người Hà Lan Jodocus Hondius vẽ năm 1613 (tức thế kỷ 17), thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa) gắn liền một dải với tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam. Bản đồ dầu khí Trung Quốc cũng do phương Tây vẽ năm 1979 (tức thế kỷ 19) không hề có Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm luật biển hàng hải quốc tế khẳng định: “Một số nhà hàng hải mặc dù không phải là đại diện cho một chính quyền, một quốc gia nào đó, nhưng với vị thế của họ tại thời khắc lịch sử đó, việc họ thể hiện trên bản đồ là khách quan. Tấm bản đồ này là một minh chứng rất rõ đâu là đất của nước này, đâu là biển của nước kia. Trong bản đồ thể hiện rất rõ rằng Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc Trung Quốc.
Trên bản đồ thể hiện màu sắc rất rõ ràng. Thời kỳ đó, Trung Quốc được vẽ bằng màu xanh, đảo Hải Nam, đảo Đài Loan cũng được vẽ bằng màu xanh, nếu Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc cũng phải có màu xanh. Đặc biệt, trên có ghi I.Champa (tức là hòn đảo của Champa) - Champa chính là một phần của đất nước ta.
Có gần 60 tấm bản đồ do người phương Tây vẽ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ thứ XIX như thế được Việt kiều Mỹ - ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa giáo dục Việt Nam tại Mỹ sưu tầm từ các thư viện, mua lại từ những nhà sưu tập đồ cổ của các nước phương Tây. Ông cho rằng, “những bản đồ này là thật 100% vì sách bản đồ phương Tây họ in cả thế giới chứ không riêng gì Trung Quốc cả. Những cuốn sách dày cả trăm trang”.
Tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ được thực hiện năm 1838, do giám mục Jean Louis Taberd - một nhà truyền đạo, đồng thời là nhà khoa học nổi tiếng. Các tác phẩm bản đồ ông vẽ được thừa nhận rộng rãi. Trên tấm bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa, bên cạnh tên phiên âm latin là Paracel còn ghi chú rõ tên thuần Việt của đảo là Cát Vàng.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Chuyên gia nghiên cứu Hoàng Sa cho biết: “Khi Paracel có ghi seu (tiếng latin) có nghĩa là hay là, tiếng Nôm Cát Vàng là đảo Hoàng Sa, tôi thấy quá hay vì tôi cũng đọc nhiều bản đồ nhưng chưa thấy bản đồ nào ghi Paracel seu... gì cả. Đây lại ghi rõ seu Cát Vàng mà cát vàng là của Việt Nam. Tấm bản đồ này hay ở một điểm nữa: Bản đồ có tọa độ và tọa độ Paracel seu Cát Vàng là tọa độ hiện nay”.
Trong hơn 60 tấm bản đồ do người Phương Tây vẽ, những chi tiết thể hiện ranh giới lãnh thổ chưa bao giờ cho thấy quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là thuộc Trung Quốc. Thậm chí, đến tên gọi cũng chưa bao giờ được thể hiện là Tây Sa hay Nam Sa.
Tính khách quan của người lập bản đồ và những chi tiết cụ thể trên những tấm bản đồ này có thể xem là những cơ sở rất thuyết phục, góp phần khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa, trong lịch sử, chưa bao giờ thuộc Trung Quốc, mà thuộc chủ quyền của Việt Nam.
theo vtv.vn