Chi tiết bài viết

9/10 là chi cho “cơm áo gạo tiền”!

Một quan chức là ông Trần Đắc Hiến vừa có một phát ngôn rất thẳng và cũng rất đau: 90% chi khoa học công nghệ (KHCN) là chi hoạt động thường xuyên (tức là chi cho cơm áo gạo tiền). Nó quá lớn. Toàn cho ăn. Cho nên: Cán bộ làm KHCN không chết đói nhưng đói đến lúc chết.
Ông Hiến là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ KHCN. Và đây là điều ông đã thẳng thắn với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Đói đến lúc chết vì ăn quá nhiều. Đói đến lúc chết còn bởi số miệng ăn nó quá đông. Trong buổi làm việc ấy, một báo cáo đưa ra con số: Cả nước có tới 1.432 tổ chức KHCN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập là 139.531 người. Nhắc thêm, trong hai năm (2 năm nhé) thực hiện tinh giản, có được 7 biên chế được tinh giản với lý do là khó, khó quá! Là bởi họ đều “trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, đáp ứng yêu cầu công việc”!
Toàn chi cho ăn nhưng đói đến lúc chết còn bởi sự hình thức đến không tưởng. Chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến chi tiết có những tổ chức KHCN quá nhỏ, chỉ 10 người. Nhưng 10 con người ấy cũng vẫn phải có một trụ sở, cũng phải chiếm một miếng đất, cũng có một bảo vệ, cũng phải một lễ tân.
Đói đến lúc chết còn ở chuyện số quan chức quản lý còn nhiều hơn nhân viên, nhiều hơn người làm việc trực tiếp. Còn ở lẽ vừa thừa vừa thiếu. Thiếu thì thiếu người nghiên cứu, thừa là cán bộ quản lý, nhân viên gián tiếp.
Các nhà khoa học đói đến lúc chết, còn bởi những cái tử tế, “làm ra hồn” thì ít mà các nghiên cứu chỉ để lĩnh lương, chỉ nhằm giải ngân rồi quẳng ngăn bàn, cất hộc tủ thì nhiều. Nhớ có lần có vị đại biểu Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân rằng tại sao có 3.800 tỉ đồng chi cho nghiên cứu khoa học xong rồi thì “cất ngăn kéo”! Và 2 trong 4 nguyên nhân mà Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời hôm ấy, là vì có những đề tài “đi trước thời đại”, có những loại lại chưa tìm được đầu tư.
Hơn 1.400 tổ chức. Ngót 140.000 cán bộ nhân viên. Giảm thì 2 năm 7 người. Chi thì toàn cho ăn. Không cần phải nghiên cứu cũng thấy chuyện “đói đến lúc chết” như một lẽ đương nhiên.
Thưa các nhà khoa học và các nhà quản lý khoa học, để khỏi “đói đến lúc chết” chỉ còn cách là bơn bớt đi những ông quan khoa học, bơn bớt đi những cái tổ chức - trụ sở - miếng đất - bảo vệ - lễ tân, bơn bớt đi cái tỉ lệ 90% toàn cho ăn, và đương nhiên, bơn bớt cả những cái... hộc bàn. Việc ấy, có lẽ mới chính là một đề tài nghiên cứu thiết thực và cấp bách. Nghiên cứu ấy mới thực sự là có lợi cho dân, cho nước.
ĐÀO TUẤN
Nguồn: laodong.com.vn