Chi tiết bài viết

CHUYÊN ĐỀ “SUY NGẪM VỀ NGHỀ TỔ CHỨC” TỔ CHỨC LÀ NGÀNH NGHỀ ĐẶC THÙ

 Qua hơn hai mươi năm (1954 - 1975) làm công nhân, cán bộ quản lý nhà máy tôi đã góp phần nho nhỏ vào việc xây dựng nhà máy và ngành công nghiệp nước nhà ngày càng phát triển, có nhiều phát minh sáng chế, trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp, được nhà máy Bộ Công nghiệp, Thành phố Hà Nội, Chính phủ và Liên đoàn Lao động Việt Nam v.v.. tặng bằng khen và huân chương lao động hạng hai …, với những đóng góp như trên tôi cứ tưởng mình gắn bó với ngành Công nghiệp suốt đời không có sự lựa chọn ngã rẽ khác.


Năm 1975, sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước tôi được Bộ Công nghiệp điều động về Nam tiếp quản các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đã cắt hộ khẩu và các tiêu chuẩn lương thực và thực phẩm, đến Ban thống nhất nhận tiêu chuẩn đi B và chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày lên đường làm nhiệm vụ thì bất ngờ nhận được quyết định về làm việc Ban Tổ chức Trung ương, tôi thực sự ngỡ ngàng bỏ lại sự nghiệp hơn hai mươi năm theo đuổi công hiến.


I. NGÃ RẼ PHÙ HỢP
Sau ngày giải phóng miền Nan thống nhất đất nước (30/4/1975) do yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới chuyển từ chiến tranh sang hòa bình tiến hành xây dựng CNXH trong cả nước. Ban Tổ chức Trung ương cần tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên viên trên nhiều lĩnh vực, trong đó kể cả cán bộ xuất thân từ công nhân và ngành công nghiệp để đáp ứng các sản phẩm nghiên cứu đa dạng trên mọi lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội, tôi là một trong những nguồn cán bộ nêu trên được tăng cường. Những ngày khởi nghiệp đầu tiên được lãnh đạo Ban quyết định về công tác tại vụ xí nghiệp, từ môi trường công tác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nay chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu công tác tổ chức cán bộ và công tác xây dựng đảng không tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu. Tôi hình dung các cơ quan tham mưu của Đảng, nhất là Ban Tổ chức Trung ương, là nơi đội ngũ cán bộ có kiến thức nhiều mặt thì mới đảm đương công việc được Đảng giao, bản thân tôi mới chỉ có bằng cấp kỹ sư cơ khí (ngành chế tạo máy công cụ) còn thiếu nhiều kiến thức mà nghề tổ chức cần để làm tốt nhiệm vụ lĩnh vực mới này. Cảm xúc ban đầu của tôi như bị lạc lối, vì môi trường mới này hoàn toàn xa lạ đối với tôi, hoang mang lo sợ sẽ không trụ vững nghề tổ chức và đã nảy sinh tư tưởng muốn trở về ngành công nghiệp cơ khí mà tôi đã gắn bó hơn hai mươi năm qua, một số anh em vào nghề tổ chức cùng thời với tôi cũng lần lượt ra đi, người về lại ngành cũ, người thì về lại địa phương và các ngành khác thích hợp hơn.

Nhưng qua những năm tháng công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, được luân chuyển qua nhiều bộ phận: Từ Vụ Xí nghiệp, chuyển qua Vụ Cơ sở đảng viên, Vụ Tổ chức điều lệ và cuối cùng là Vụ Địa phương 3 ở phía Nam, đồng thời được Lãnh đạo Ban quan tâm vừa công tác kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức còn khiếm khuyết như: lý luận chính trị cao cấp, nghiệp vụ về tổ chức cán bộ, lớp kinh tế do chuyên gia Liên Xô giảng dạy, lớp quản lý hành chính cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, tu nghiệp tại trường Đại học Kinh tế - Tài chính Leningrad Liên Xô chương trình trên đại học; tham quan nghiên cứu một số nước: Mỹ, Đức và Đài Loan để mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng nghiên cứu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham mưu cho Ban Tổ chức Trung ương và Trung ương.
 

Quá trình tiếp cận với nghề qua nhiều lĩnh vực và được đào tạo trang bị kiến thức nhiều mặt tôi nhận thức ra là nghề tổ chức phù hợp với tính cách của tôi là người hay suy tư trăn trở và thích nghiên cứu, tìm tòi các ý tưởng mới, là môi trường thường xuyên tiếp cận lý luận và thực tiễn, là điều kiện thuận lợi làm xuất hiện các ý tưởng mới tham mưu cho Ban và Trung ương chất lượng hơn, là điều kiện giúp tôi góp phần nho nhỏ vào việc nghiên cứu các chuyên đề: Đổi mới hệ thống tổ chức Đảng, đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng hoạt động cấp ủy các cấp, chức năng kiểm tra của cấp ủy trong việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng và nghị quyết của đảng bộ, chi bộ các cấp, nâng cao chất lượng đảng viên, đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp nhà nước, tham mưu cho Ban và Trung ương về nhân sự qua các nhiệm kỳ Đại hội ở các địa phương được phân công phụ trách, tham mưu một số Ban tổ chức các tỉnh lượng hóa tiêu chuẩn và quy định điểm chuẩn làm căn cứ để bình xét các danh hiệu tổ chức cơ sở đảng và đảng viên thực hiện khá tốt, nay đã nhân rộng cả hệ thống.
Tôi nghỉ hưu năm 1998, để khai thác hết tiềm năng mà Ban đã đào tạo kiến và sự phấn đấu tích tụ kiến thức của bản thân, tôi nghỉ hưu nhưng chưa nghỉ việc, hàng ngày vẫn đi làm các cơ quan phi chính phủ để có điều kiện tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học với các đề tài sau đây:


1. Hội đồng Lý luận Trung ương mời tham gia chủ thuyết phát triển Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh tôi chọn 4 đề tài: Mô hình CNXH thế kỷ XXI; Mô hình Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo vận hành nền kinh tế thị trường, đổi mới và hội nhập quốc tế; Mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN, đổi mới công tác tổ chức cán bộ phù hợp giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, đã hoàn thành các chuyên đề nêu trên vào tháng 6 năm 2011.
2. Tham gia Hội thảo khoa học do Hội Khoa học PTNNL-NT Việt Nam tổ chức với chuyên đề “Vai trò người đứng đầu tổ chức trong việc phát hiện và sử dụng nhân tài”. Chuyên đề 2 “Thiết lập thể chế, chính sách nghiên cứu lý luận và khoa học phù hợp sẽ làm xuất hiện nhiều nhân tài cho đất nước”.
3. Tham gia một số đề tài khoa học phục vụ Đại hội XI của Đảng:
- Đề tài KX.04:32/06-10 do Tạp chí Cộng sản tổ chức với nội dung: Đổi mới công tác lý luận gắn với bảo vệ phát triển chủ nghĩa Mác –Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với chuyên đề “Thể chế dân chủ phù hợp là cơ sở đổi mới công tác lý luận gắn với việc bảo vệ và phát triển học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
- Hội thảo khoa học về phát triển Cương lĩnh 1991- cơ sở lý luận và thực tiễn, với chuyên đề “Thiết lập mô hình CNXH kiểu mới để định hướng xây dựng Cương lĩnh, đường lối và nghị quyết phù hợp”, do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực phía Nam tổ chức.
4. Hội thảo khoa học về việc triển khai NQTW4 khóa XI do Ban Tổ chức Trung ương - Tạp chí Cộng sản - Thành ủy TP Hồ Chí Minh đồng tổ chức với đề tài “Xây dựng đội ngũ người đứng đầu tổ chức cấp chiến lược, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế” Hội thảo về tiền lương NQTW5 khóa XI do Tạp chí Cộng sản - Viện nghiên cứu phát triển đồng tổ chức, với đề tài “Tiền lương trong nền kinh tế thị trường XHCN cần phải bảo đảm phù hợp giá trị sức lao động”…
 

II. Quá trình công tác hơn hai thập kỷ (1975 - 1998) ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi có một số suy tư, trăn trở ở một số lĩnh vực xin nêu lên để thế hệ kế nhiệm suy ngẫm giải mã để ngành tổ chức phát triển ngang tầm thời đại và đáp ứng thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.


1. Cần có quyết định pháp lý xác định tổ chức là một ngành, nghề bởi sản phẩm của ngành tổ chức là “nhân lực, tổ chức và cán bộ” nó hiện diện trên khắp các lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội, quyết định sự phát triển hay suy thoái của mỗi tổ chức, quốc gia. Là ngành, nghề đặc thù, người làm tổ chức phải có kiến thức, tầm nhìn, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức vượt trội, phải thông qua quá trình đào tạo nghề và các kiến thức bổ trợ và thường xuyên tiếp cận thực tiễn và lý luận để có điều kiện đề xuất những ý tưởng mới phù hợp tham mưu cho Ban và Trung ương chất lượng hơn. Là ngành, nghề phải quản lý dọc gắn với nhiệm vụ của ngành và kết hợp quản lý ngang của cấp ủy để thực hiện quy hoạch đào tạo thống nhất kiến thức chuyên ngành.


2. Mỗi ngành, nghề đều hình thành khoa học chuyên ngành định hướng cho mọi hoạt động của ngành để phát triển đúng hướng và bền vững. Ngành, nghề tổ chức ở Việt Nam chưa hình thành khoa học chuyên ngành định hướng hoạt động nên còn nhiều vi phạm các nguyên lý khoa học tổ chức và sai sót trong công tác tổ chức cán bộ, chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng.


Từ tầm quan trọng của khoa học tổ chức, sau cách mạng tháng mười Nga thành công, chỉ trong thời gian ngắn Lênin đã quyết định mở cuộc thi soạn thảo hai cuốn sách giáo khoa về tổ chức và quản lý để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ tổ chức. Nghị quyết 32/BCT Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 20/11/1980 đã quy định việc thành lập một tổ chức nghiên cứu khoa học tổ chức để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và đặc biệt là cán bộ tổ chức, tiếc rằng việc thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị quá chậm trễ, đến năm 2000 (sau 20 năm) mới thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học tổ chức trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương, hoạt động được một số năm chưa có sản phẩm khoa học đầu tiên đã nhập vào Viện Xây dựng Đảng. Do vậy, nhiều năm qua ngành tổ chức hoạt động theo kinh nghiệm, thiếu cơ sở khoa học định hướng cho các hoạt động của ngành, nên còn nhiều khiếm khuyết dẫn đến “tổ chức trở thành nguyên nhân của các nguyên nhân”. Đã đến lúc không thể chậm trễ hơn nữa, cần phải đẩy nhanh việc hình thành hệ thống khoa học chuyên ngành tổ chức bằng nhiều cách: Tự nghiên cứu và tiếp nhận thành quả nghiên cứu của Liên Xô trước đây và các nước tiên tiến trên thế giới về khoa học tổ chức. Thành lập hệ thống trường chuyên ngành đa cấp: sơ cấp, trung cấp, đại học và trên đại học để đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ tổ chức các cấp như Nghị quyết 32/BCT của Bộ Chính trị quy định.


3. Nghị quyết Trung ương 6 khóa X của Đảng đã khẳng định “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là vấn đề sống còn của Đảng và chế độ”. Để thực hiện định hướng nêu trên cần có chiến lược đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân cơ cấu vào các cấp ủy cả hệ thống từ cấp cơ sở đến các cấp địa phương, ban ngành và cấp Trung ương. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ban Tổ chức Trung ương có tuyển sinh từ công nhân bậc ba trở lên ở các tỉnh phía Nam cử vào học ở trường bổ túc Văn hóa công nông, sau khi tốt nghiệp thi vào các trường đại học cần quy hoạch tạo nguồn cán bộ (tôi được Ban Tổ chức Trung ương phân công theo dõi lớp đào tạo này) những công nhân sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ra trường phân công về các ban, ngành, địa phương đều phát huy rất tốt ở các lĩnh vực công tác. Theo tôi nên nhân rộng mô hình này để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X của Đảng; TP Hồ Chí Minh, Thành ủy đã tuyển hơn 100 công nhân để đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý dự nguồn cho các ngành các cấp thành phố.


4. Cán bộ tổ chức phải là người có năng khiếu “nói” diễn đạt bằng lời và “viết” diễn đạt bằng văn từ để thể hiện đầy đủ và chính xác các ý tưởng của mình đến với các đối tượng và thể hiện trong các công trình nghiên cứu khoa học và các văn bản tham mưu cho Ban và Trung ương. Bản thân tôi thiếu cả hai năng khiếu ấy, làm hạn chế việc biến ý tưởng phong phú của mình thành các sản phẩm khoa học và chất lượng tham mưu cho Ban và Trung ương Đảng, mặc dù trong quá trình công tác tôi đã quan tâm cố gắng khắc phục, có tiến bộ hơn nhưng vì nó là bẩm sinh không thể phấn đấu tốt hơn người có năng khiếu.


5. Cán bộ tham mưu các cơ quan Đảng cần tham gia hoạt động báo chí, là lĩnh vực nhận và phát thông tin, là cầu nối giữa thực tiễn với các cơ quan cấp vĩ mô, làm giảm thiểu bệnh quan liêu. Bác Hồ là vị lãnh tụ rất quan tâm đến báo chí, qua báo chí đã chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề mà người dân bức xúc. Là lĩnh vực rèn luyện tư duy để bổ trợ và nâng cao kỹ năng nghiên cứu và khả năng tham mưu. Tôi có thâm niên hoạt động báo chí nghiệp dư 17/23 năm làm nghề tổ chức, báo chí đã giúp tôi thông tin những ý tưởng của mình, đấu tranh với tư duy bảo thủ, trì trệ góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Tuy đã nghỉ hưu hơn 10 năm (1998 - 2012) tôi vẫn đề xuất với Đảng những ý tưởng mới thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, trên báo chí và bài viết đóng góp ý kiến các nhiệm kỳ Đại hội IX, X và XI. Là Hội viên Nhà báo Việt Nam - Chi hội Tạp chí Xây dựng Đảng, phân chi hội trưởng phía Nam.
 

KS. NGUYỄN KIM ĐĨNH
(Nguyên CVCC Ban Tổ chức Trung ương)