Chi tiết bài viết

Chọi trâu: giữ hay bỏ?

Sự cố đáng tiếc trâu chọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng làm nóng lại câu hỏi từng được tranh cãi: có nên loại bỏ lễ hội chọi trâu và các lễ hội có chứa yếu tố bạo lực khác?

Chọi trâu: giữ hay bỏ?
Ảnh: phong pink - tiến thắng

“Tôi xem sân chọi trâu Đồ Sơn thấy hãi quá. Các chủ trâu dẫn trâu đến tận nơi mới thả, lại loanh quanh trong sân. Hàng rào khá đơn sơ, trâu điên có thể bay qua mà lao vào khán giả. Sợ thật!

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ

“Sân chọi trâu Đồ Sơn hãi quá!”

Lý giải về nguồn gốc chọi trâu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ phân tích trong đời sống người Việt, có nhiều trò chơi dân gian có hành động “chọi” như chọi trâu, chọi gà, chọi chim, chọi dế, chọi cù, chọi cỏ gà... 

“Trâu tự chọi nhau trên đồng, trên đê sau mùa gặt để xác định con nào là đầu đàn, cai quản con cái. Có đôi chọi từ trên đồi xuống sông, chọi nổi rồi chọi chìm suốt cả ngày bất phân thắng bại. Từ cái tự nhiên đó người ta biến thành trò chơi rồi thành hội, thành lễ và sáng tạo ra giai thoại, truyền thuyết. 

Nó làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cư dân nông ngư nghiệp vốn đầu tắt mặt tối, một nắng 
hai sương. Ngày xưa 95% người Việt không biết chữ, họ hưởng thụ văn hóa nghệ thuật qua truyện kể, sân khấu, dân ca, lễ hội...” - ông Vĩ giải thích ý nghĩa của chọi trâu.

Về việc có nên bỏ lễ hội chọi trâu cũng như các lễ hội có yếu tố bạo lực, dễ dẫn đến tai nạn, ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng tai nạn trong quyền anh, bóng đá, đấu bò, đua xe, đấu võ... nhiều hơn chọi trâu. Ngay thả diều cũng có thiếu niên bị diều kéo lên, rơi xuống mà thương vong. Vậy nên vấn đề là ở cách làm.

“Tôi xem sân chọi trâu Đồ Sơn thấy hãi quá. Các chủ trâu dẫn trâu đến tận nơi mới thả, lại loanh quanh trong sân. Hàng rào khá đơn sơ, trâu điên có thể bay qua mà lao vào khán giả. Sợ thật! Đấu bò ở Tây Ban Nha được làm khuôn chuồng chắc chắn rồi họ mới xua bò vào, đóng kín lại. Chưa chuẩn bị chu đáo, an toàn thì chưa cho chọi” - ông Vĩ nêu quan điểm.

Một trong những người kiên quyết bảo vệ các lễ hội như chọi trâu, treo trâu, đâm trâu..., TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - vẫn cho rằng không thể vì sự cố vừa rồi mà bỏ chọi trâu. 

Tuy nhiên, ông cũng đặt vấn đề: “Nhiều địa phương đang muốn tổ chức chọi trâu như một cách thúc đẩy du lịch. Để giải quyết bài toán này, các lễ hội chọi trâu phải đảm bảo để cộng đồng địa phương được hưởng lợi chứ không thể để lợi nhuận chảy vào túi chỉ một vài doanh nghiệp”.

Chọi trâu: giữ hay bỏ?
Trâu chọi số 18 (phải) tham gia đấu loại tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 - Ảnh: Phong Pink

Không nên mượn truyền thống làm bình phong

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, băn khoăn sau sự cố đáng tiếc vừa rồi, chưa thể ngay lập tức đưa ra khuyến cáo dừng lại hay tiếp tục tổ chức chọi trâu.

“Nhưng trong thời gian tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, các cơ quan quản lý văn hóa cần tổ chức các hội thảo để có nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể, tính toán các phương án đảm bảo an toàn trong lễ hội, sao cho hài hòa giữa phong tục tập quán địa phương và sự an toàn của những người tham gia.

Những địa phương mượn cớ chọi trâu chỉ để làm kinh doanh, thương mại thì nên cấm như chủ trương của Bộ VH-TT&DL” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Tam Thanh - cán bộ phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á - cho rằng nên kiên quyết loại bỏ các lễ hội có yếu tố bạo lực như chọi trâu, đâm trâu, treo trâu... Những lễ hội này rất khó lường trước những nguy hiểm có thể xảy ra.

Sự cố vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh xã hội và cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại tổng thể các lễ hội trong nước, để loại bỏ các lễ hội có yếu tố bạo lực và phản cảm. Nhiều tỉnh thành có ý muốn tổ chức lễ hội chọi trâu để làm du lịch đều vin vào cớ là có truyền thống, nhưng truyền thống không thể là bình phong để bảo vệ các giá trị không còn phù hợp với hiện đại.

Chọi trâu: giữ hay bỏ?
Khoảnh khắc chủ trâu số 18 Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, P.Vạn Hương, Q.Đồ Sơn) bị húc trọng thương diễn ra quá nhanh khiến mọi người không kịp cứu giúp - Ảnh: Phong Pink

Lần đầu làm chủ trâu

Bên trong căn nhà chật hẹp, bà Đỗ Thị Phương (vợ ông Đinh Xuân Hướng) nghẹn ngào ngồi bên cạnh chiếc giường nhỏ, nơi đặt thi thể người chồng xấu số. Để lo hậu sự cho ông Hướng, lãnh đạo quận Đồ Sơn đã cắt cử người hỗ trợ gia đình. Ông Đỗ Văn Thắng (anh vợ ông Hướng) chia sẻ sự ra đi đột ngột của ông Hướng với gia đình là một cú sốc rất lớn, trước đó cả nhà đều tự hào vì trâu mà ông Hướng mua về được chọn tham gia lễ hội. Ông Hướng sau nhiều năm trời đi bắt trâu, huấn luyện trâu thuê cho mọi người, đây là lần đầu ông Hướng tự đứng ra làm chủ trâu.

Theo ông H.G.B. (một chủ trâu tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn), để được tham gia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đòi hỏi rất nhiều yếu tố, quy định nghiêm ngặt. Khi hỏi về việc chơi trâu chọi có thu lại lợi ích kinh tế lớn không, ông B. nói những người đã xác định làm kinh tế thì không chơi trâu chọi. “Từ việc mua trâu tuyển đã tốn cả trăm triệu đồng, cho đến khi bỏ công sức chăm sóc, huấn luyện trâu với chế độ ăn uống tốn kém hơn “chăm người” thì phần lớn chủ trâu tham gia lễ hội đều lỗ” - ông B. kể.

Ông Hoàng Xuân Minh - chủ tịch UBND quận Đồ Sơn - cho biết toàn bộ kinh phí lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không lấy ngân sách mà từ nguồn xã hội hóa và bán vé buổi chung kết chọi trâu. Trường hợp dôi dư lợi nhuận thì số tiền đó lại được góp vào nguồn quỹ của lễ hội chứ không sung công quỹ địa phương.

 

TIẾN THẮNG - VŨ VIẾT TUÂN

Nguồn: tuoitre.vn