Chi tiết bài viết

BỊT "LỖ HỔNG" CÔNG TÁC NHÂN SỰ

Lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ những điểm mới trong kết luận của Bộ Chính trị về công tác cán bộ ngày 24-4. 

Dưới sự chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, ban đã và đang nghiên cứu, tham mưu cho trung ương tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.

Theo đó, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 12 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ, trong đó có điều chỉnh thẩm quyền và phân cấp phê duyệt quy hoạch cán bộ.

Phân cấp đi liền 
với trách nhiệm

Theo kết luận này, Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét, thẩm định nhân sự và ký xác nhận quy hoạch đối với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và chức danh ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương.

Phân cấp cho các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với chức danh ủy viên ban chấp hành; đồng thời chỉ đạo ban tổ chức cấp ủy các cấp phối hợp với ủy ban kiểm tra cùng cấp thẩm định và có kết luận về tiêu chuẩn cán bộ đảm bảo theo đúng quy định, trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc nhận xét, đánh giá, thẩm định về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ và ý kiến đề xuất đối với các chức danh quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; quyết định phê duyệt quy hoạch đối với chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định hiện hành.

Như vậy, việc đánh giá, thẩm định, quy hoạch, giới thiệu cán bộ sẽ do cấp quản lý trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm trước cấp trên.

“Tôi lấy ví dụ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh vừa qua dư luận đề cập rất nhiều. Trong quy trình luân chuyển thì có thủ tục là đưa lên trên này phê duyệt.

Có thể nói, với cấp phó chủ tịch UBND tỉnh như vậy thì Ban Tổ chức trung ương chủ yếu xem xét trên hồ sơ, mà lúc đó hồ sơ đưa lên thì trình độ, thành tích của ông Thanh “sáng” như vậy.

Cho nên, việc đổi mới lần này phải theo hướng gắn thẩm quyền với trách nhiệm của cấp trực tiếp quy hoạch, giới thiệu, tiếp nhận” - vị lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương phân tích.

Bịt 'lỗ hổng' công tác nhân sự
Ông Trịnh Xuân Thanh là trường hợp khiến dư luận đặt rất nhiều vấn đề về việc đánh giá, thẩm định, quy hoạch, giới thiệu cán bộ

Điểm đáng chú ý nhất trong kết luận số 12 là sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý đối với nguồn nhân sự tại chỗ.

Quy trình 5 bước

Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, công tác này buộc phải qua 
5 bước.

Bước 1: Hội nghị ban thường vụ (lần 1). Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trên cơ sở các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, yêu cầu thực tế, nhiệm vụ trọng tâm đặc thù của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương mình và nguồn nhân sự cụ thể, hội nghị thảo luận thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình về cách làm công tác nhân sự theo quy định ngay từ đầu.

Bước 2: Hội nghị ban chấp hành (lần 1). Thảo luận và thống nhất, lấy phiếu giới thiệu nguồn nhân sự (mỗi ủy viên chỉ được giới thiệu một người cho một chức danh). Nhân sự được giới thiệu đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu sẽ được lựa chọn.

Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu thì lựa chọn hai người có số phiếu cao nhất để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo.

Bước 3: Hội nghị ban thường vụ (lần 2). Trên cơ sở xem xét kết quả hội nghị ban chấp hành, ban thường vụ thảo luận, giới thiệu (bằng phiếu kín). Mỗi ủy viên chỉ được giới thiệu một người cho một chức danh trong số những người đã được lựa chọn tại bước 2 hoặc giới thiệu người khác.

Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu sẽ được lựa chọn, trường hợp dưới 50% thì lựa chọn hai người có số phiếu cao nhất từ trên xuống để lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị cán bộ chủ chốt.

Ở bước này, nếu xảy ra trường hợp kết quả giới thiệu khác với kết quả của bước 2 thì báo cáo, giải trình với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Bước 4: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt thảo luận, lấy ý kiến bằng phiếu kín về phương án giới thiệu nguồn nhân sự của ban thường vụ tại bước 3 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn điều kiện theo quy định.

Bước 5: Tổ chức hội nghị ban chấp hành (lần 2) để ban thường vụ thảo luận phân tích kết quả tại các hội nghị trước đó; xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) và thống nhất nội dung trình ban chấp hành xem xét, biểu quyết (bằng phiếu kín).

Người nào đạt phiếu cao nhất trên 50% số phiếu thì được lựa chọn; trường hợp có hai người ngang số phiếu 50% thì lựa chọn nhân sự do người đứng đầu chọn để trình, đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau (nếu có) để Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.

Đối với các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương, quy trình cũng gồm 5 bước. Trong đó tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo để xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự được tổ chức tới 3 lần (ở các bước 1, 3, 5).

Ở bước 2 là tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng (với thành phần: tập thể lãnh đạo, đảng ủy, vụ trưởng, trưởng đơn vị trực thuộc và các tổ chức đoàn thể; đối với tổ chức bầu cử là hội nghị ban chấp hành); ở bước 4 là lấy ý kiến cán bộ chủ chốt và đảng ủy cơ quan, đơn vị.

Phân tích, so sánh giữa quy trình “3 bước” và “5 bước”

Phân tích của chuyên gia am hiểm về công tác cán bộ cho thấy quy định trước đây của Bộ Chính trị thì có 3 bước, bao gồm:

Bước 1: Họp ban thường vụ xin chủ trương và chốt danh sách.

Bước 2: Lấy ý kiến trong hội nghị cán bộ chủ chốt.

Bước 3: Tổ chức hội nghị ban chấp hành về công tác cán bộ.

Trong nhiều năm qua, việc thực hiện quy trình 3 bước đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

“Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy trình 3 bước đã bộc lộ những hạn chế như: chưa thể hiện thật rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu (hội nghị cán bộ chủ chốt không quy định số người dự bao nhiêu là hợp lệ, kết quả phụ thuộc chủ yếu vào ý chí của ban cán sự...)” - vị lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương phân tích.

Trong quy trình 5 bước thì bước 2 và bước 3 là những bước mới, quan trọng, mở rộng dân chủ. Ban chấp hành được thảo luận quy trình, giới thiệu nhân sự rộng hơn, tạo được sự đồng thuận.

Sau khi có kết quả ban chấp hành giới thiệu, ban thường vụ mới họp. Khi đó, ban thường vụ bỏ phiếu giới thiệu ai là đã có cơ sở. Với cách làm này tạo sự tập trung cao, phản ánh đúng nguyện vọng của ban chấp hành.

“Như vậy, quy trình 5 bước có ưu điểm nổi bật là: phát huy dân chủ hơn, khách quan, minh bạch, thấu đáo, kỹ càng, bảo đảm sự chặt chẽ, tạo sự đồng thuận trong công tác chuẩn bị nhân sự” - vị này nói.

 

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH

Theo tuoitre.vn