Chi tiết bài viết
Bác Hồ và niềm tin ở thế hệ trẻ
Bác Hồ nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1956, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Bác luôn khẳng định tiềm năng, vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, luôn tin tưởng và nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển. Ngay từ khi đất nước còn trong đêm đen nô lệ, Người đã nêu tư tưởng: Thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc. Vào những năm đầu khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Người cho rằng, sự phát triển trong tương lai của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc nằm trong tay thanh, thiếu nhi. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thanh niên phải tham gia ý kiến vào công việc của chính phủ, chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự rèn luyện từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác những việc trọng đại của nước nhà”.
Bác luôn đặt niềm tin và mong đợi ở thanh niên. Người đưa ra dự báo hết sức đúng đắn mà nay đã trở thành hiện thực: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển và toàn diện. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ, cô độc đối với thanh niên. Bởi theo Người, thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với cha, anh họ, không nên xem xét thanh niên một cách cứng nhắc, trước sao nay vậy. Người nói: “Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực”.
Trên cơ sở nhìn nhận vai trò quyết định của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc, đất nước, Người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh niên. Chính người đã sáng lập, rèn luyện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, đề ra các chính sách thanh niên phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, đặc biệt là về mặt giáo dục-đào tạo. Công tác thanh niên mà cơ bản là giáo dục-đào tạo, phát huy vai trò thanh niên, theo Người là quá trình tác động đồng bộ của các chủ thể từ gia đình, đoàn thể, xã hội cho đến các cấp ủy đảng và chính quyền. Người đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho Đảng và dân tộc, Bác còn căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Để thực hiện nội dung và mục đích của công tác thanh niên, không có cách nào khác là giáo dục và tổ chức thanh niên. Vấn đề quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu là phải tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu chung quanh Đảng. Tổ chức tập hợp thanh niên là điều kiện để giáo dục và ngược lại phải tiến hành đào tạo, giáo dục thanh niên qua tổ chức. Phải kiên trì xây dựng một tổ chức thanh niên cộng sản làm cánh tay và đội hậu bị tin cậy của Đảng.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (năm 1956), Người dạy: “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng… Phải củng cố tổ chức của đoàn. Phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp thanh niên”. Theo Người, củng cố tổ chức đoàn là điều kiện tiên quyết để mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên. Nhưng muốn củng cố tổ chức đoàn thì trước hết phải “đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ” để thống nhất ý chí và hành động trong nội bộ đoàn, làm cho tổ chức đoàn thật sự là tổ chức của những thanh niên tiên tiến, có lý tưởng cách mạng và phấn đấu kiên định vì lý tưởng đó. Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người chỉ rõ: “Đoàn thanh niên lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Đây là một chức năng hết sức quan trọng của tổ chức đoàn với tư cách là một tổ chức quần chúng gần Đảng nhất mà trong Điều lệ Đảng từ trước đến nay đều ghi rõ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn phải ra sức đoàn kết, tập hợp thanh niên thành một mặt trận rộng lớn. Theo Người, đoàn kết tập hợp thanh niên là mặt công tác lớn, một nhiệm vụ rất quan trọng của đoàn. Người yêu cầu tổ chức đoàn phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Các hình thức và phương pháp đó vừa thu hút rộng rãi thanh niên tham gia nhưng phải được định hướng vững chắc, nghĩa là có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có tính ổn định và triển vọng phát triển. Theo Người, muốn củng cố và phát triển đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống công tác, học tập của thanh niên và tất cả đoàn viên phải gương mẫu. Trong công tác xây dựng đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý về việc phải phát triển đoàn viên về số lượng đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng. Người dạy: “Tổ chức đoàn phải rộng hơn Đảng… Khi kết nạp đoàn viên cần phải lựa chọn cẩn trọng những thanh niên tốt”.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, Đảng ta luôn thấm nhuần những lời dạy của Người về công tác thanh niên, đưa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở thành đợt sinh hoạt chính trị thường xuyên, sâu rộng trong tuổi trẻ. Các thế hệ thanh, thiếu niên ngày nay ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của mình cần phải ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, kiến thức, làm chủ khoa học công nghệ, đặc biệt là trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trở thành những người “vừa hồng vừa chuyên” như lời Bác dạy, xứng đáng là những chủ nhân của đất nước trong thời kỳ mới.
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân